Ranh giới của sự chuyên nghiệp

ANH SẮC 07/11/2014 14:14

Đồng Tháp là đội bóng mới nhất sau An Giang tuyên bố giải thể trước khi mùa giải mới 2015 khởi tranh. Đây được xem là một “bi kịch” đối với bóng đá Đồng Tháp và người hâm mộ bởi chỉ trước đó vài tháng, họ còn đang ngất ngây với niềm vui “trở lại mái nhà xưa” khi vô địch giải hạng Nhất và giành quyền lên chơi tại V-League 2015. Nghe lời tâm sự của một vị lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp trên truyền hình, rằng “không phải chúng tôi không muốn nhưng mà không thể” mới thấy sự thật chua chát đằng sau sự hào nhoáng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Một địa phương được xem là “cái nôi” của bóng đá nước nhà về bóng đá đỉnh cao, đào tạo trẻ và cả sự hâm mộ cuồng nhiệt của người dân lại không thể đứng vững trước “cơn lốc” mang tên chuyên nghiệp để rồi nhanh chóng sụp đổ khi vừa bước chân trở lại V-League. Có lẽ đã đến lúc người hâm mộ Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung phải chấp nhận một thực tế là bóng đá chuyên nghiệp không có chỗ cho việc lấy tiền thuế của người dân để làm bóng đá.

Cái tên XM Vissai Ninh Bình đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.Ảnh: A.SẮC
Cái tên XM Vissai Ninh Bình đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.Ảnh: A.SẮC

Thật ra việc một đội bóng giải thể không còn là “chuyện lạ Việt Nam”. Cùng với quá trình chuyển mình lên chuyên nghiệp, bóng đá nước nhà những năm gần đây chứng kiến không ít cuộc chia ly. Đồng Tháp là cái tên mới nhất nối dài danh sách các đội bóng bị xóa tên khỏi bản đồ bóng đá Việt. Và sự kiện này một lần nữa cho thấy, các đội bóng Việt Nam quá “nhạy cảm” với vi rút mang tên “đồng tiền”. Thực tế chứng minh, không chỉ trong quá trình chuẩn bị, không ít đội bóng còn rục rịch “tan đàn xẻ nghé” khi đang giữa mùa giải. Ngay cả khi mùa giải năm 2014 vừa bắt đầu, người ta cũng bắt đầu đưa ra những dự đoán kết thúc mùa giải sẽ còn được bao nhiêu đội bóng. Và quả thật, dự đoán đó là chính xác.

Bóng đá chuyên nghiệp cần rất nhiều tiền đầu tư. Nhưng để đảm bảo cho việc thu chi và tránh trường hợp bị “đứt gánh giữa đường” do thiếu thốn tài chính, Ban tổ chức giải yêu cầu bắt buộc các đội bóng tham gia V-League phải có đủ 35 tỷ đồng cho mỗi mùa giải. Nhưng có tiền nhiều chưa hẳn không bị giải tán, tiêu biểu như trường hợp của Ninh Bình ở mùa giải vừa qua. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp quyết “không chơi vì không có tiền”, ông bầu XM Vissai Ninh Bình quyết “không chơi vì cầu thủ bán độ” thì lập tức đội bóng giải tán. Thế mới biết, bóng đá chuyên nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào sự “máu mặt” của các ông bầu hay lãnh đạo địa phương.

Bóng đá chuyên nghiệp phải làm ra tiền (không phải hái ra tiền như những nền bóng đá phát triển) nhưng thực tế các đội bóng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Nhà vô địch Becamex Bình Dương mỗi năm bán quảng cáo được mười mấy tỷ đồng, bán vé mỗi trận vài trăm triệu đồng nhưng có lẽ đây là trường hợp cá biệt. Còn phần lớn các đội bóng hiện nay đều sống chủ yếu dựa vào “nguồn sữa” của nhà tài trợ mà cụ thể là các ông bầu. Ngay cả như đội bóng QNK Quảng Nam do Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam “nuôi” nhưng hiện tại có thể nói công ty này vẫn chưa có nguồn thu đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh của mình. Không rủng rỉnh về mặt tài chính, vì vậy, việc đội bóng thi đấu hoàn thành nhiệm vụ được coi là xuất sắc rồi chứ đừng mơ xây dựng một đội bóng mạnh.

ANH SẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ranh giới của sự chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO