Sống cộng cư giữa rừng, người vùng cao thường lấy con sông, vách núi, hàng cây cổ thụ… để làm dấu mốc phân chia ranh giới giữa làng này với làng khác. Dù không có giấy tờ nào được đưa ra, nhưng quy tắc bất thành văn ấy, với đồng bào là điều không thể chối cãi.
Quy ước làng
Ở mỗi cộng đồng làng vùng cao, ranh giới thường được phân định cụ thể, rõ ràng theo quy ước chung của hội đồng già làng, không ai được quyền xâm phạm. Luật tục từ lâu đời như một thước đo về giá trị cộng đồng, giúp người vùng cao sống đoàn kết, tránh được những mâu thuẫn không đáng có.
Già làng Clâu Blao, ở thôn Voòng (xã Tr’hy, huyện Tây Giang) chia sẻ, không chỉ trong cộng đồng làng, mà ngay cả ở từng hộ dân, luật tục về phân chia ranh giới, khẳng định quyền sở hữu cũng được đồng bào xem trọng và tuân thủ theo nguyên tắc chung. Ở từng cánh rẫy, hay khu vườn nào đó ở làng, đường ranh giới đều được đồng bào phân định khá rõ bởi những “hàng rào cây” cao vút, được trồng dọc theo khu đất chung giữa các hộ.
Cũng có nơi, đồng bào chọn lấy từng đoạn sông, khúc suối hoặc dãy núi để phân chia khu vực đất giữa hai nhà làm đường ranh giới, trước sự chứng kiến của dân làng. Câu chuyện phân định ranh giới lâu nay cũng được thực hiện giữa cộng đồng làng này với làng khác, theo sự thống nhất chung của hội đồng già làng đôi bên.
“Ngày trước, ở vùng cao, đất đai thường rất rộng lớn. Vì thế, các già làng không thể dùng thước đo hết từng diện tích đất để phân chia ranh giới, mà thường chỉ “ký hiệu” bằng những hàng cây, hay con sông, vách núi sẵn có. Dù chỉ là dấu mốc đơn giản, nhưng đồng bào rất xem trọng, coi đó như một quy ước trong luật lệ chung của cộng đồng” - già Blao cho biết thêm.
Như một quy tắc bất thành văn, dù chỉ là những con sông, vách núi hay bụi tre giữa rừng, nhưng với đồng bào, đó chính là mốc giới khẳng định phân chia quyền sở hữu, mà bất kỳ ai cũng không thể tự ý xâm phạm. “Của ai thì người ấy sử dụng”, nếp nghĩ đẹp trong văn hóa cộng đồng luôn là hàng rào vững chắc, hạn chế thấp nhất những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống của đồng bào vùng cao.
Giải quyết mâu thuẫn cộng đồng
Ông Zơrâm Bia - Bí thư Chi bộ thôn Pà Dấu 1 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) cho hay, hiệu ứng từ quy ước về đường ranh giới đã giúp những tranh chấp về đất đai trong đời sống của đồng bào vùng cao rất ít xảy ra. Suốt hàng trăm năm sinh tồn, cộng đồng luôn gắn kết, thuận hòa như anh em một nhà.
Tuy nhiên, trước xu thế hiện nay, dù không phổ biến nhưng khi đất rừng mang lại lợi ích kinh tế khá cao khiến những mâu thuẫn về tranh chấp đất đai giữa các hộ dân đang dần xuất hiện. Như năm 2017, đích thân ông Bia cùng một số cán bộ thôn đã lặn lội đường rừng đến tận đất rẫy đang tranh chấp giữa hộ Arất L. và Arất Đ. để tìm hướng hòa giải.
Ông Bia kể, ban đầu, việc giải quyết khá lúng túng do hai bên không thống nhất với quan điểm của nhau. Sau một hồi tra hỏi, bằng kinh nghiệm thực tế, thông qua ký hiệu riêng theo đường ranh giới giữa hai khu đất rẫy, cuối cùng ông cũng đã “giải mã” được câu chuyện đôi bên, tiến hành giải quyết trong nội bộ mà không cần đến sự can thiệp của chính quyền địa phương.
“Sau khi lắng nghe hai bên trình bày, mình xác định đường ranh giới chính là chứng cứ quan trọng nên đã dựa vào đó để nói lý lẽ. May mắn lúc đó, đường ranh giới trước đây được ký hiệu bằng những gốc cây cổ thụ vẫn còn nguyên vẹn nên việc giải quyết trở nên khá dễ dàng” - ông Bia kể lại.
Từ những lợi ích trong việc ký hiệu phân chia ranh giới, nhiều địa phương miền núi đã vận dụng vào cuộc sống thực tiễn, giúp hạn chế mâu thuẫn cộng đồng. Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, lâu nay tại địa phương, ngoài việc đo đạc phân chia ranh giới của cán bộ địa chính, ở từng cánh rẫy, đồng bào vẫn thường sử dụng những ký hiệu riêng để thống nhất khu vực canh tác. Mới đây, kể từ sau khi chủ trương sáp nhập thôn, để thuận lợi trong việc phân chia ranh giới giữa các thôn, các xã, chính quyền địa phương đã tiến hành xác định lại địa giới hành chính, vừa đảm bảo theo quy định của pháp luật, vừa đáp ứng theo nguyện vọng chung của cộng đồng vùng cao. Tại địa phận giáp ranh giữa các thôn, các xã, chính quyền địa phương xây dựng mốc giới, ghi rõ địa danh ở hai mặt tấm bảng, giúp người dân và du khách xác định được khu vực từng thôn, xã một cách dễ dàng.
“Từ việc phân định ranh giới này, ngoài “thông tin” về địa phận của từng thôn mới, chúng tôi mong muốn khắc phục được tình trạng sơ ý gây xâm lấn, chồng lấn khu vực đất sản xuất vốn thỉnh thoảng xảy ra giữa cộng đồng địa phương” - ông Linh nói.