Rạp phim - nơi nhộn nhịp, chỗ đìu hiu

CHÂU NỮ 07/08/2016 15:16

  • Nhớ rạp chiếu bóng xưa
  • Thuở ấy, phim bãi làng!

Còn nhớ ngày ra mắt phim “Taxi, Em tên gì” (đạo diễn Đức Thịnh) hồi cuối năm 2015 tại Sài Gòn, tuyến đường trước rạp chiếu phim ở Q7 đông nghịt người, xe cộ di chuyển khá khó khăn do lượng khán giả khổng lồ đổ về rạp. Trong khi đó ở trong rạp chiếu, nơi giao lưu và giới thiệu phim cũng đông đúc không kém. Nhất là khi 2 diễn viên chính là Trường Giang và Angle Phương Trinh xuất hiện, không gian trước sảnh chiếu phim hầu như không còn một chỗ trống.

Một buổi ra mắt phim tại rạp ở Sài Gòn. ảnh:P.N
Một buổi ra mắt phim tại rạp ở Sài Gòn. ảnh:P.N

Những ngày sau đó, không khí tại các cụm rạp ở Sài Gòn vẫn không giảm nhiệt, khán giả kéo đến xem phim, giao lưu ngày càng đông khiến cho rạp chiếu luôn ở tình trạng quá tải và cháy vé ở các khung giờ đẹp. Tại Hà Nội, sự hưởng ứng của khán giả dành cho tác phẩm mới của vợ chồng Đức Thịnh - Thanh Thúy cũng nhiệt tình y hệt. Rạp chiếu lúc nào cũng sôi động từ cảnh khán giả xếp hàng mua vé đến giao lưu trò chuyện với nghệ sĩ.

Từ đầu năm 2016 đến nay, với khoảng 30 phim ra rạp, không khí tại các phòng chiếu luôn nhộn nhịp, tấp nập. Đặc biệt là các phim như “Truy sát”, “Bao giờ có yêu nhau”, “Lật mặt 2”, “Vòng eo 56”…

Đó là chuyện quen thuộc ở 2 rạp chiếu phim lớn nhất nước là Sài Gòn và Hà Nội khi có một bộ phim mới ra mắt. Những phim Việt đình đám có dàn sao nổi tiếng hoặc những tác phẩm điện ảnh “bom tấn” của nước ngoài cũng thu hút sự quan tâm lớn của khán giả trong nước. Với các phim Việt, ngoài buổi ra mắt chính thức có sự xuất hiện của toàn bộ ê-kíp làm phim (nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên…) thì đoàn phim thường tổ chức các buổi giới thiệu phim, ca nhạc, giao lưu với khán giả ngay tại rạp. Vì thế độ “nóng” của phim luôn được giữ trong suốt thời gian phim phát hành tại rạp. Khán giả háo hức đi tới rạp xem phim hơn vì họ còn có cơ hội gặp gỡ “thần tượng” của mình.

Tuy nhiên, khi đoàn phim Việt về các tỉnh thành quảng bá, sự hưởng ứng của khán giả không nhiều. Ngay cả một số thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… khán giả cũng tỏ ra ít mặn mà với phim ảnh, chỉ trừ một số dự án lớn có diễn viên nổi tiếng tham gia. Một đạo diễn cho hay: “Nếu hỏi một khán giả bất kỳ tại Sài Gòn, họ sẽ kể vanh vách những phim đang và sắp chiếu ở rạp, diễn viên nào tham gia; ngược lại nếu hỏi một khán giả ở tỉnh, họ sẽ lắc đầu”.

Khi phim ra rạp, doanh thu tại các tỉnh cũng vô cùng ít ỏi. Thậm chí một nhà phát hành phim từng làm thử phép tính cho một bộ phim điện ảnh khá nổi tiếng là doanh thu phim ở 10 tỉnh cộng lại chưa bằng 1/50 doanh thu tại Sài Gòn. Tại các kỳ Liên hoan phim quốc gia hay các giải Cánh diều… tổ chức tại các tỉnh thành cũng đã phản ánh một không khí vô cùng ảm đạm khi các buổi chiếu phim, giao lưu chẳng có khán giả. Ngược lại ở Sài Gòn luôn thu hút khán giả trong suốt thời gian diễn ra.

Không phải đến thời điểm này mới thấy rõ sự chênh lệch về quá lớn giữa thị trường điện ảnh tại các thành phố lớn và các tỉnh, thành, địa phương trong phạm vi cả nước. Lý giải thực trạng này, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, Sài Gòn và Hà Nội luôn có những buổi ra mắt phim hoành tráng nhưng ở các tỉnh, thành thì lại thiếu quảng bá. Trong khi hình thức quảng bá phim Việt của các hãng tư nhân tại 2 thành phố lớn ngày càng mới lạ, đa dạng, từ những buổi tiệc khoe phim những đêm nhạc, khoe ca khúc, họp báo nhiều lần trước khi phim trình chiếu... đều rầm rộ, kể cả buổi thử vai (casting) vốn thường làm nội bộ, nay cũng làm rình rang. Đặc biệt, hình thức cinetour, đưa diễn viên, đạo diễn “diễu hành” qua các rạp, giao lưu với khán giả trước hoặc sau suất chiếu, được hầu hết đoàn phim Việt hiện nay áp dụng thường xuyên tại các cụm rạp ở Sài Gòn.

Khi các đoàn làm phim không chú trọng quảng bá ở các tỉnh, rõ ràng khán giả ở đây thiệt thòi hơn ở việc tiếp cận thông tin. Ngoài ra họ cũng ít có cơ hội được xem liền những bộ phim hay. Vì hiện nay tất cả bộ phim “hot” đều rơi vào tay các công ty phát hành phim của nước ngoài và của tư nhân, do đó họ chiếm độc quyền về việc phát hành phim. Tất nhiên, đưa phim về các tỉnh không bao giờ được ưu tiên. Cho nên, các bộ phim hay đối với các tỉnh hiện nay hầu như là không có, hoặc nếu có được chiếu thì cũng chậm hơn so với thời gian phát hành từ 2 đến 3 tháng. Vì vậy tính chất nóng của bộ phim đã bị “nguội”.

Các rạp chiếu phim thưa thớt, người dân không còn mặn mà đến xem phim còn do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu người xem, cách làm kiểu “nhà nước bao cấp”… Phần lớn các tỉnh thành hiện nay chưa có rạp chiếu phim đúng tiêu chuẩn, ở vị trí trung tâm sẵn có, có tối thiểu 2 - 3 phòng chiếu.(PHƯƠNG NGUYÊN)

Ở PHỐ MÀ CŨNG RỨA!

Tam Kỳ từng “vang bóng một thời” với rạp Thống Nhất trên đường Phan Châu Trinh, sau đó là rạp Hòa Bình ở số 24 đường Trần Cao Vân. Thế rồi rạp Hòa Bình - rạp chiếu bóng duy nhất của đô thị tỉnh lúc bấy giờ dần xuống cấp. Còn nhớ, xem phim ở rạp khi ấy là một “cực hình” đối với những người mê phim rạp: ẩm mốc, nóng nực và có thể bị muỗi đốt bất cứ lúc nào suốt thời gian xem phim. Khán giả cũng chỉ lèo tèo chừng mươi người một suất chiếu. Có khi phải chờ hàng nửa giờ để có thêm khách.

Trung tâm Phát hành phim - chiếu bóng Quảng Nam chiếu phim phục vụ miễn phí người dân ở Tam Kỳ. Ảnh: Trung tâm cung cấp.
Trung tâm Phát hành phim - chiếu bóng Quảng Nam chiếu phim phục vụ miễn phí người dân ở Tam Kỳ. Ảnh: Trung tâm cung cấp.

Thế rồi, tin vui đến với người mê phim chiếu rạp ở Tam Kỳ khi rạp Hòa Bình được đầu tư, nâng cấp vào năm 2009. Có ghế nệm thay cho ghế gỗ, có máy điều hòa, màn hình rộng, âm thanh, ánh sáng chuẩn, quy mô cũng nhỏ hơn khi giảm 300 ghế xuống còn 150 ghế. Rạp phim Hòa Bình “đạt chuẩn” hiện đại! Và khán giả bắt đầu trở lại với rạp khi mỗi ngày có đến mấy suất chiếu. Những bộ phim hài hoặc phim kinh điển từng cháy vé như The Spirit, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Để mai tính, Hello cô Ba… từng “cháy vé”. Người Tam Kỳ hồ hởi, phấn khởi rủ nhau đi xem. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Rạp Hòa Bình cũng dần dần không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật có chất lượng ngày càng cao của người xem bởi máy chiếu xuống cấp, hình ảnh mờ dần, chất lượng buổi chiếu bị ảnh hưởng. Có người từ Tam Kỳ cùng gia đình và bạn bè sẵn sàng đến các rạp Vincom, Lottle Cinema ở tận Đà Nẵng, mua với giá 50 - 70 nghìn đồng/vé hoặc hơn để xem một bộ phim, vậy mà vẫn không chịu đến rạp Hòa Bình khi giá chỉ có giá 20 nghìn đồng/vé. Người xem dần quay lưng với rạp Hòa Bình. Đến năm 2011, khán giả ở Tam Kỳ lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác mới lạ, như thật tại rạp chiếu phim mini World 4D Co.opMart Tam Kỳ. Khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đến rạp khá đông. Nhưng rồi do thiếu sự đầu tư, nâng cấp nên rạp này lại rơi vào cảnh chợ chiều và ngưng hoạt động. Hòa Bình lại trở thành rạp phim duy nhất ở Tam Kỳ.

Rạp Hòa Bình không thể bật đèn chiếu quanh năm bởi nhiều cái khó bủa vây: không có phim để chiếu, nếu có phim thì cũng lèo tèo khán giả nên thu không đủ bù chi… Với rạp phim, cơ sở vật chất, thiết bị có thể quyết định lượng khán giả đến rạp. Công nghệ ngày càng phát triển mà nếu không đáp ứng, không đầu tư kịp thời, đương nhiên lỗi thời. Ông Nguyễn Tấn Sinh - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam giãi bày, với khả năng hiện có, trung tâm không đủ tiền mua phim chiếu vòng 1 của các hãng. Cố gắng lắm, đơn vị cũng chỉ có thể mua phim chiếu vòng 2 và cũng chỉ chiếu trong những dịp lễ, đặc biệt là tết. Như tết vừa rồi, đơn vị tổ chức chiếu liên tục 1 tháng những bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Bộ 3 rắc rối”… Mỗi đêm bán được vài chục vé. Tháng công nhân, trung tâm cũng phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức chiếu phim phục vụ công nhân. Và ngày 15.8 tới đây, đơn vị sẽ tổ chức chiếu tuần phim Ấn Độ, hy vọng sẽ thu hút khán giả. Bình quân mỗi năm có khoảng 5 - 6 nghìn lượt người đến rạp. Một con số quá khiêm tốn ở một thành phố đã được công nhận là đô thị loại II.

“Tôi vẫn luôn đau đáu để làm sao để nâng cấp, cải tiến máy chiếu đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thứ bảy của người dân đô thị tỉnh lỵ”- ông Sinh nói.

Phim nhựa thì đã hết thời, trong khi đó, giấc mơ máy chiếu kỹ thuật số còn xa vời. 

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rạp phim - nơi nhộn nhịp, chỗ đìu hiu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO