Rau Bàu Tròn hướng tới VietGap

HOÀNG LIÊN 02/04/2015 09:22

Cùng với khâu quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ người dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, việc nhà sơ chế rau quả Bàu Tròn đi vào hoạt động được kỳ vọng là hướng đi nhằm nâng tầm thương hiệu làng rau ven sông Vu Gia.

Tiềm năng rau VietGap

Cho tới nay, không ít làng rau tại Quảng Nam đã nỗ lực hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và đầu tư nhà sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác rau củ quả theo tiêu chuẩn an toàn. Làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) cũng không ngoài mục tiêu trên. Giai đoạn 2013 - 2014, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản (Sở NN&PTNT) chủ trì, gần 50 hộ sản xuất tại Bàu Tròn đã tiếp cận và làm chủ kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cũng được quy hoạch trên diện tích gần 24ha trong tổng số 47ha chuyên canh cây rau hàng hóa của Bàu Tròn. Mô hình VietGap thí điểm trên cây rau Bàu Tròn cũng là mô hình đầu tiên ở Đại Lộc được thực hiện trong chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, nhà sơ chế rau quả Bàu Tròn đã được đầu tư xây dựng với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, trên tổng diện tích 156m2, bao gồm hệ thống làm sạch, sấy, sục khí, phòng lạnh bảo quản, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống đóng gói, dán nhãn hàng hóa. Sự ra đời của nhà sơ chế cùng hệ thống trang thiết bị phục vụ sản xuất rau theo hướng VietGap nhằm từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, quảng bá và phát triển nhãn hiệu rau Bàu Tròn trên thị trường.

Lễ khai trương nhà sơ chế rau quả Bàu Tròn.
Lễ khai trương nhà sơ chế rau quả Bàu Tròn.

So với các vùng chuyên canh khác, vùng rau Bàu Tròn có nhiều ưu thế trong phát triển cây rau hàng hóa theo hướng an toàn bởi vùng được quy hoạch sát sông Vu Gia, thuận lợi về tưới tiêu, khâu vận chuyển cũng hết sức thuận tiện vì vùng nối liền với các tuyến giao thông tỉnh lộ, huyện lộ và tuyến liên xã. Mỗi năm, vùng rau Bàu Tròn cung ứng ra thị trường 4.000 - 5.000 tấn rau xanh các loại. Một thuận lợi nữa là trước đó, nhãn hiệu tập thể “Rau Bàu Tròn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ vào năm 2010. Cùng với đó, từ một số dự án khoa học - công nghệ do Sở KH-CN phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đại Lộc tổ chức, người dân Bàu Tròn cũng đã tiếp cận và làm chủ kỹ thuật sản xuất rau an toàn bón phân vi sinh hữu cơ chức năng cũng như thành thạo khâu quản lý, đóng gói, dán nhãn mác lên sản phẩm.

Ông Phan Quang Dũng - cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, Bàu Tròn thuộc một trong 4 đơn vị được chứng nhận VietGap trong giai đoạn 2013 - 2014. “Có thể thấy, xu hướng VietGap hiện đã trở thành xu hướng thực sự, là giải pháp phát triển kinh tế cho người dân. Tiềm năng thị trường hiện hết sức rộng lớn, nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng tăng, nhất là các điểm bếp ăn tập thể thuộc các trường học, cơ quan, đơn vị. Bàu Tròn lại nằm sát Đà Nẵng, đây là nguồn thị trường rộng lớn để khai thác. Quan trọng là cần sự ổn định trong tổ chức sản xuất, năng động trong xúc tiến, quảng bá và giữ vững thương hiệu” - ông Dũng nói.

Trình diễn một số công đoạn sơ chế rau quả. Ảnh: Hoàng Liên
Trình diễn một số công đoạn sơ chế rau quả. Ảnh: Hoàng Liên

Giữ thương hiệu

Trên thực tế, tình hình sản xuất và tiêu thụ rau VietGap tại các vùng chuyên canh lại có lúc rơi vào khó khăn. Không ít cơ sở VietGap đã không trụ vững được trước sức ép thị trường, người sản xuất rau sạch vẫn loay hoay trong việc tiêu thụ, hoặc đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả. Phân tích về thất bại, khó khăn của một mô hình rau VietGap, ông Phan Quang Dũng chia sẻ, có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sự nhận biết, hưởng ứng của người tiêu dùng trên thị trường, của chính quyền về rau sạch vẫn chưa cao. Nhiều HTX vẫn chưa chú trọng đầu tư về nhãn mác, bao bì, thương hiệu, chưa tạo khâu tiếp thị tốt tới tay người tiêu dùng. Thứ hai, chi phí để đánh giá và chứng nhận VietGap còn quá cao, trong khi thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận còn ngắn (2 năm), nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc dự án thì khó duy trì hoặc thực hiện. Một yếu tố nữa là quy trình sản xuất VietGap còn phức tạp, người dân quen sản xuất truyền thống, chất lượng kiểm tra và truy nguyên nguồn gốc vẫn chưa đảm bảo công bằng giữa người làm tốt và chưa tốt nên dẫn tới nông dân không mặn mà hưởng ứng...

Tại lễ khai trương nhà sơ chế rau quả Bàu Tròn vừa qua, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, yếu tố dẫn tới thành công của mô hình rau VietGap chính là thước đo về lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Sở dĩ một số vùng rau không giữ vững được thương hiệu VietGap là do người sản xuất chưa tạo được niềm tin cho doanh nghiệp khi vẫn giữ tập quán canh tác theo kiểu mùa vụ, không biết cách đáp ứng những gì thị trường và doanh nghiệp cần. Mặc dù nhiều doanh nghiệp rất cần rau sạch, nhưng đến mùa chính thì cả vùng cho ra hàng trăm tạ mỗi ngày, nhưng trái mùa thì không có sản phẩm để cung ứng. Điều đó dẫn tới nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm hợp đồng cung ứng rau sạch ở tận Đà Lạt, trong khi bỏ qua vựa rau tiềm năng ở Quảng Nam. “Cái mà hầu hết doanh nghiệp cần là tính bền vững, nghĩa là HTX phải quy hoạch trồng rau sao cho đảm bảo sự luân canh, lúc nào cũng có để doanh nghiệp yên tâm” - một đại diện siêu thị Co.oopMart Tam Kỳ chia sẻ.

Trở lại câu chuyện Bàu Tròn, có thể thấy thương hiệu đã có, nhà sơ chế đã được đầu tư, logo và nhãn mác cũng đã hoàn thiện, người dân trong vùng cũng đã trải qua nhiều đợt tập huấn về rau sạch… song để sản phẩm rau sạch Bàu Tròn được người tiêu dùng tiếp cận và chấp nhận là cả một quá trình khó khăn phía trước. Để tìm được chỗ đứng tại các siêu thị, đòi hỏi rau Bàu Tròn phải được thực hiện chặt chẽ hơn trong quy trình sản xuất cũng như sơ chế.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rau Bàu Tròn hướng tới VietGap
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO