Cuối tuần rồi, lên huyện miền núi Bắc Trà My tìm hiểu công tác xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, Tư tôi ghé thăm vợ chồng anh Chín Trà Bui. vợ chồng anh đang lom khom cắt những ngọn rau tươi non trên khu vườn nằm phía sau nhà. Anh Chín có khu đất rộng hơn 700m2 nằm dọc con suối Nước Mía, lâu nay canh tác đậu xanh nhưng không hiệu quả. Được cán bộ ngành nông nghiệp huyện và nhân viên khuyến nông cơ sở gợi ý, cách đây 3 năm anh quyết định chuyển sang trồng cây rau lủi trên khu đất này. Anh Chín khoe: “Lứa đầu tiên cắt được 100 bó rau lủi, chở xuống chợ Trà My bán với giá 7 nghìn đồng/bó, cầm trên tay 700 nghìn đồng mà tui cứ ngỡ như mình đang mơ. Sau lần đó, bắt được mối, tui không còn hì hục chở rau xuống chợ vì mấy người buôn đã tìm lên tận nhà mua rồi đưa đi khắp nơi tiêu thụ”. Theo anh Chín, cây rau lủi rất dễ sống và quanh năm tươi tốt. Vì vậy, cứ 20 ngày là anh cắt bán một lần. Giữa năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm anh thu nhập hơn 10 triệu đồng từ vườn rau này.
Tư Ruộng đem chuyện thoát nghèo từ cây rau lủi của vợ chồng anh Chín Trà Bui kể cho ông Nguyễn Hồng Vương – Phó phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My nghe. Ông Vương cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn huyện có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số xóa được đói, giảm được nghèo nhờ trồng rau lủi chuyên canh. Hiện nay toàn huyện đã có cả trăm mô hình trồng rau lủi cho giá trị kinh tế cao với tổng diện tích khoảng 300 sào đất nằm ven các sông, suối. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao như Trà Đốc, Trà Giác, Trà Ka, Trà Giáp... Nhiều người nói, rau lủi mà xào với tỏi hoặc nấu canh với tôm thì chẳng chê vào đâu được. Tuy nhiên, loại rau này không đơn thuần là món ăn ngon mà còn là một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh như đái tháo đường, viêm họng, táo bón, ho khan, viêm phế quản, mất ngủ... Nhờ những công dụng ấy mà hiện nay người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng rau lủi. Anh Ba Nông Nghiệp cho biết, vài năm trở lại đây người dân tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang và nhiều nơi khác ở khu vực miền núi xứ Quảng đã mạnh dạn đầu tư trồng rau lủi theo hướng chuyên canh. Mô hình này thực sự là lối mở để đồng bào vùng cao nhanh chóng xóa nghèo...
TƯ RUỘNG