(QNO) - Ở phố nhiều năm, chưa bao giờ chợ quê cho tôi cảm giác rộn ràng và đầy cảm xúc như những ngày này.
Thật ra, chợ xưa nay vẫn vậy. Cũng những thực phẩm quen thuộc. Vẫn là mùi tanh của cá, mùi thơm của các loại trái cây, mùi mắm cái, mùi thuốc lá của những cụ già... Không ít cô bán hàng ngày nào, nay trở thành những phụ nữ sồn sồn; còn những phụ nữ trung niên ngày nào đã thành cụ bà 60, 70. Ngôi chợ không cơi nới nhưng được xây cất kiên cố hơn. Những ai từng bán mặt hàng nào, đều trung thành với sự lựa chọn của họ. Ví như mấy cô hàng rau sống, ngày xưa đôi tay thoăn thoắt nhặt trộn các loại rau cải, bắp chuối giá đỗ hay rau thơm các loại, thì nay vẫn vậy, chỉ là họ già đi về tuổi tác và cách mời chào có vẻ khéo léo hơn. Đi ngang hàng rau sống, ngay khi tôi không ý định mua, lòng vẫn thẩn thờ, bước đi không đành. Mùi thơm của rau quế trắng, của tầng ô, húng lủi, màu của ớt của chanh cứ níu chân tôi. Không cần mua nhiều, chỉ một mớ rau chừng năm ngàn đồng bỏ giỏ, cũng thấy ấm áp đoạn đường từ chợ về nhà.
Có lẽ tại tôi gắn bó với chợ phố quá lâu, nên trước ngập tràn màu sắc và hương vị quê nhà, chợt dâng lên bao cảm xúc khó tả. Thấy gì cũng muốn mua. Muốn mang cả chợ về. Nhìn quanh chợ, tôi tự lên lịch cho mình: hôm nay ăn món này, ngày mai ăn món kia, rồi sẽ chọn thức ăn yêu thích trong vòng một tuần lễ, sao cho thật hợp lý và không bỏ sót món rau yêu thích nào. Đi chợ, tôi thích mua hàng của những cụ bà bày bán một ít trong rổ. Chỉ là mớ rau lộn xộn gồm mùng tơi, rau dền, rau cải cũng đủ thấy hấp dẫn. Các cụ bán hết mớ rau ấy, chừng hơn mười ngàn đồng, điều đó chợt dấy trong tôi lòng thương cảm. Tôi nhớ nội nhớ ngoại, nhớ các cụ hay làm hay làm, chỉ cần đi quanh vườn, là hái được mớ rau để mang ra chợ. Mua rau quả các cụ, cảm giác an toàn bởi rau vườn nhà không thuốc không phân. Nhiều cụ chỉ một nải chuối, một quả bí đao, cũng cắp rổ ra chợ. Những rổ nén, tỏi, hành nho nhỏ. Những dây thuốc lá được xâu lại. Bánh ít lạt, ít ngọt, xôi đường. Những rổ hến, rổ nhộng. Các loại dưa muối xổi. Ngang qua hàng cá sông, thấy cá diếc cá trôi cá tràu, làm tôi chợt nhớ những cơn mưa giông ngày hè theo cha ra ao kéo cá…
Ai từng bỏ quê lên phố, từng gắn bó với hàng quán tinh tươm và đa dạng ở phố, khi đứng trước hình ảnh chợ quê, thường có một sự so đo không hề nhẹ. Về sự đa dạng, cách bài trí, chợ phố bao giờ cũng tinh tươm, bắt mắt hơn chợ quê. Những gian hàng hun hút mắt, từ hàng rau đến hàng áo quần, từ hàng ăn uống đến các mặt hàng gia dụng đều thẳng tắp, kích thích nhu cầu người mua. Còn chợ quê, ngoài những gian hàng ở khu vực trung tâm, thì chung quanh chợ bày bán có phần tự do hơn, nhất là đối với những chợ đông vào buổi chiều. Vì chỉ có một nải chuối, hay mớ rau, người ta đều có thể mang ra chợ, khéo léo tìm một chỗ ngồi vừa ý. Về độ an toàn, thực phẩm ở chợ quê có độ tin cậy cao hơn nhờ vào những mớ rau nhà, hay mẹt cây trái vừa được hái từ vườn. Người quê chân chất, sản phẩm làm ra là bản thân họ dùng, người thân họ dùng, nên họ không thể làm hại chính mình. Không ít người bán bớt rau nhà làm là vì sản phẩm làm ra dùng không hết, còn người đi mua, nếu gặp được mớ rau sạch ấy thì mừng khấp khởi. Giữa thời buổi thực phẩm vàng thau lẫn lộn, thì những sản phẩm cây nhà lá vườn là sự lựa chọn tuyệt vời. Nên nhiều lúc tần ngần giữa chợ phố, tôi lại thèm rau rác vườn nhà. Nhớ những hàng bồ ngót mẹ trồng. Nhớ luống rau thơm rau mùi. Nhớ mấy hàng rau muống rau lang. Nhớ mấy cây cà tím, mấy hàng dưa leo, hay giàn khổ qua sai trái… Ngày ấy, muốn ăn gì, chỉ cần chịu khó cắp rổ ra vườn.
Biết ý tôi, mỗi lần nghe tin tôi chuẩn bị về quê, mẹ tranh thủ xới lại vạt rau, năng tưới nước cho rau tươi tốt. Về quê, có những hôm tôi… bội thực rau, vì tin vào độ an toàn của rau vườn nhà, và ý thức rau vườn nhà là công sức của mẹ, rau vườn nhà còn là những kỷ niệm tuổi thơ, nuôi lớn chúng tôi, như ba tôi hay bảo “đói ăn rau, đau uống thuốc”… Rau vườn nhà cho cảm giác no nê chứ không ngao ngán.
Nếu có cơ hội về quê, bạn hãy ghé chợ rau để xem cho đã mắt, để mua cho đã nư. Rau quê phần lớn là rau vườn nhà, luôn xanh tươi như ký ức con người…
PHI KHANH