(QNO) - Hiện nay một số vùng trên địa bàn tỉnh vẫn còn ngập sâu, nhiều tuyến giao thông huyết mạch bị tê liệt nên thị trường cung ứng thực phẩm tăng giá. Nhất là các mặt hàng rau xanh, nguồn cung trở nên khan hiếm và tăng giá gấp đôi so với ngày thường.
Nhiều loại rau xanh ngày thường chỉ có giá 5.000 - 7.000 đồng/bó thì nay tăng giá gấp đôi. Ảnh: P.PHƯƠNG |
Rau xanh tăng giá đột biến
Tại chợ Ái Nghĩa (Đại Lộc), theo tiểu thương Hà Thị Thu, các mặt hàng củ quả, thực phẩm khác tăng giá nhẹ do nguồn cung các nơi đưa về tạm ổn. Nhưng giá cả các loại rau cải xanh, xà lách thìa, xà lách xoăn, cải cúc… được lấy từ Gia Lai tăng giá gấp rưỡi đến gấp đôi so với ngày thường. Ví dụ, cải xà lách thìa có giá 40 - 45.000 đồng/kg, xà lách xoăn từ 35.000 đồng/kg, cải cúc tăng so với ngày thường 5.000 đồng/bó…
Cũng theo chị Thu, nhóm rau gia vị như húng, rau răm, rau mùi, diếp cá… lại khan hiếm và tăng giá chóng mặt. Mỗi ký rau gia vị tăng 30 - 60.000 đồng/kg, song vẫn không có để lấy bán. Riêng nhóm rau quả có nguồn gốc ở địa phương như bí đao, dưa leo, hành, khổ qua lại bình giá, hoặc chỉ tăng nhẹ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Ví như, rau muống 10.000 đồng/bó (tăng 5.000 đồng), mướp 12 - 15.000 đồng/kg, bí đao chanh 15.000 đồng/kg, dưa leo 10.000 đồng/kg… Các mặt hàng thịt heo, thịt bò, cá đồng, trứng… giá chỉ tăng nhẹ.
“Các loại rau xanh nói trên, rau gia vị giá lấy vào đã cao rồi, nhưng cũng có rất ít hàng để lấy vì nguồn cung nhỏ giọt, chủ yếu hàng ở Gia Lai về. Do giá quá cao, bán ra chậm, người tiêu dùng e dè. Còn các nhóm rau quả ở địa phương được trồng ở những chân đất cao, giá có tăng nhưng tăng nhẹ” - chị Thu nói.
Tại chợ Ái Nghĩa, rau xanh, rau gia vị các loại tăng giá gấp đôi và khan hiếm nguồn cung. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Tại chợ Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) và một số chợ nhỏ ở Tam Kỳ, giá các mặt hàng rau xanh tăng gấp đôi; các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm khác dao động nhẹ hoặc tăng gấp rưỡi so với ngày thường do ảnh hưởng của ngập úng, lũ lụt. Các mặt hàng cá đồng, cá biển, thịt tăng nhẹ.
Tại chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn), ngày 11.12 giá rau xanh cũng tăng gấp đôi so với ngày thường. “Hầu như tất cả các loại rau xanh như mùng tơi, rau muống, rau ngót, rau cải ngọt và các loại rau khác tăng 10.000 đồng/bó, ngày thường 5.000 đồng/bó. Rau xanh ở hầu hết các chợ đều thiếu hụt nguồn cung, không đáp ứng nhu cầu của người dân; trong khi các mặt hàng củ quả lấy từ các nơi chỉ tăng nhẹ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với ngày thường. Các mặt hàng cà chua, bí xanh, khổ qua, dưa leo bình giá, hoặc chỉ tăng nhẹ” - tiểu thương Phạm Thị Mười cho biết. Cũng tại chợ Vĩnh Điện, tiểu thương Hà Thị Phụng cho biết, các nguồn rau xanh thời điểm này phải lấy từ Gia Lai, Đà Lạt về, nguồn cung khan hiếm, phải giành giật mới có rau để bán.
Tại chợ Phong Thử (xã Điện Thọ, Điện Bàn), theo tiểu thương Hà Thị Phụng, giá rau xanh cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba và khan hiếm hàng, không có nguồn. Tại chợ Lạc Thành (xã Điện Hồng, Điện Bàn), tiểu thương Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết, các mặt hàng củ quả, thịt cá chỉ tăng nhẹ; riêng rau xanh tăng gấp đôi. “Bình thường mỗi bó rau muống, mồng tơi, cải cúc, rau cải xanh chỉ có giá 5.000 đồng, giờ gấp đôi, gấp ba không có để bán” - tiểu thương Cúc nói.
Lo thiếu hụt nguồn cung
Đợt mưa lũ phức tạp vừa qua đã khiến vùng rau quả có quy mô 47ha, cung ứng cho vụ đông và Tết Nguyên đán ở Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) bị ngập úng hàng chục héc ta đang và sắp thu hoạch, nguy cơ thối rễ, chết yểu rất lớn bởi khả năng thoát nước của vùng kém. Các vựa rau ở các chân ruộng thấp ở vùng đông Thăng Bình, Duy Phước (Duy Xuyên) với với các chủng loại: cải, đậu cô ve, hành, ngò, rau gia vị; ở Điện Phương (Điện Bàn) với mồng tơi, bí xanh, mướp… cũng gánh chịu hậu quả nặng nề của tình trạng ngập úng và dập nát, hư hại do mưa to.
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ước tính có khoảng 150ha rau màu các loại của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, hư hại. Trong đó các vùng Bàu Tròn, Gò Nổi (Điện Bàn), Duy Châu, Duy Phước (Duy Xuyên), vùng đông Thăng Bình... bị hư hại nặng nề. Sở đang tiếp tục thống kê để có con số chính xác.
Bên cạnh nguyên nhân do diện tích lớn rau xanh bị ngập úng, dập nát, theo nhiều tiểu thương thì do nguồn cung rau xanh, củ quả từ các nơi như Gia Lai, Đà Lạt về nhỏ giọt, một phần do nhu cầu các vùng cao, một phần do giao thông ở một số điểm vẫn còn bị cách trở, cô lập khiến chi phí vận chuyển tăng cao và đội giá. Còn các mặt hàng rau gia vị, rau húng có nguồn gốc từ một số vùng trũng ở Điện Bàn, Hội An, Phú Ninh thời điểm này đã ngập sâu trong nước, không có để cung ứng. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ứng rau, thực phẩm sau đợt mưa lũ này rất lớn. Đồng nghĩa với đó, nguy cơ giá cả tăng vọt, gây khó khăn cục bộ cho số lớn người tiêu dùng ở thời điểm nhất định rất dễ xảy ra.
HOÀNG LIÊN - PHƯƠNG PHƯƠNG