Vụ hè thu năm nay vợ chồng chị Ba Trà Đình ở xã Quế Phú (Quế Sơn) gieo sạ 4 sào ruộng bằng loại giống lúa thơm ngắn ngày HT1. Gần 3 tháng qua, nhờ nguồn nước tưới dồi dào, chú trọng đầu tư thâm canh nên toàn bộ số diện tích lúa vừa nêu đều sinh trưởng và phát triển tốt. Vừa rồi thấy ruộng lúa đồng loạt trổ đòng, chị Ba rất phấn khởi và hy vọng sẽ có một mùa bội thu. Thế nhưng, trong vòng 5 ngày trở lại đây, khi cây lúa kết thúc thời kỳ phơi màu và bước vào giai đoạn chín thì rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện dày đặc trên ruộng khiến chị hết sức lo lắng. Dẫn Tư tôi lội quanh mấy đám lúa đã xảy ra hiện tượng cháy chòm, chị Ba Trà Đình nói: “Vụ đông xuân vừa rồi, nhờ hai loại rầy nguy hiểm ấy không hoành hành nên bình quân mỗi sào ruộng tui gặt được 350kg lúa khô. Còn bây giờ, rất nhiều khả năng sản lượng sẽ tụt giảm 20 - 30%”.
Nhà nông cần vạch lúa kiểm tra kỹ mật độ rầy trên ruộng để chủ động phòng trừ.Ảnh: T.R |
An ủi chị Ba Trà Đình vài câu, tôi tiếp tục khảo sát tại nhiều nơi khác của huyện Quế Sơn. Trên những cánh đồng lúa sắp tiến hành thu hoạch, đâu cũng thấy nông dân phập phồng nỗi lo mùa màng thất bát trước sự tấn công ngày càng mạnh của rầy nâu, rầy lưng trắng. Để nắm kỹ tình trạng này, Tư Ruộng tôi tìm gặp ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn. Ông Châu cho biết, những ngày qua hai loại rầy đó đã xuất hiện và gây hại ít nhất 100ha lúa hè thu chính vụ ở địa phương, nhất là tại các xã thuộc vùng đông của huyện như Quế Phú, Hương An, Quế Xuân 1. Theo ông Châu, mặc dù ngành chuyên môn và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở đã nỗ lực hướng dẫn nhà nông nhiều biện pháp phòng trừ nhưng thực tế cho thấy vẫn có một số diện tích lúa bị cháy chòm vì rầy.
Hôm qua, nghe chuyện, anh Bảy Trồng Trọt lắc đầu: “Chẳng riêng gì huyện Quế Sơn đâu chú Tư mi ơi. Theo thông tin tui nắm được từ các địa phương thì trong vòng nửa tháng nay rầy nâu và rầy lưng trắng đã gây hại không dưới 1.500ha lúa ở nhiều vùng của xứ Quảng mình. Qua số liệu thống kê ban đầu cho thấy, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 50ha lúa bị rầy tấn công dẫn tới hiện tượng cháy chòm. Ngoài ra, còn có 200ha lúa khác nằm trong diện báo động đỏ, chủ yếu tập trung tại huyện Thăng Bình và Núi Thành. Thời điểm này, nếu các cơ quan có trách nhiệm và nông dân không thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phun trừ một cách triệt để thì chắc chắn rầy sẽ bùng phát mạnh. Lúc đó, hẳn nhiên mức độ thiệt hại là hết sức nghiêm trọng”. Anh Bảy khuyến cáo rằng, từ nay đến cuối vụ hè thu, nhà nông phải liên tục ra đồng vạch lúa để kiểm tra kỹ mật độ rầy trên ruộng nhằm kịp thời đưa ra những biện pháp đối phó hiệu quả nhất. Theo anh Bảy, đối với những chân ruộng có rầy nâu và rầy lưng trắng tập trung cao thì cần phun thuốc đặc hiệu theo cách bao vây từ ngoài vào để gom rầy lại, không cho chúng phát tán ra diện rộng. Cạnh đó, cần giữ mực nước thích hợp trên mặt ruộng nhằm hạn chế tác hại của loài sinh vật nguy hiểm này…
TƯ RUỘNG