Rẫy keo đột nhiên có thêm... "chủ" mới!?

TRIÊU NHAN 12/05/2017 09:00

Sau 5 năm vun trồng, chăm sóc, tới khi khai thác rẫy keo thì xuất hiện hai người tự nhận “đồng sở hữu” và ngăn cản đòi ông Đỗ Văn Hùng phải chia đôi. Chính quyền địa phương cũng hòa giải như vậy, khiến ông Hùng bức xúc.

Chia đôi thành quả

Ông Đỗ Văn Hùng ở thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, Đại Lộc cho biết: Rẫy keo  vợ chồng ông trồng và chăm sóc từ năm 2012, nay đến kỳ khai thác thì đột nhiên ông Huỳnh Văn Bình và Trần Văn Thuận ở cùng xã Đại Chánh đứng ra tranh giành, không cho ông chở keo đi bán. “Ngày 23.3.2017, tôi vào rẫy (diện tích 2.500m2) khai thác được phân nửa (khoảng 5 tấn) thì vợ ông Bình và ông Thuận cùng ra ngăn cản, không cho xe vào chở số keo tôi đã khai thác đi và đòi chia đôi. Tôi báo cáo lên xã, Công an xã Đại Chánh có mặt, đình chỉ khai thác, tôi chấp hành chờ giải quyết. Hơn một tháng trời, chính quyền giải quyết không xong, số keo tôi khai thác phơi khô ở bìa rừng. Xót của, nhiều lần tôi xin xã cho chở số keo  đó đem bán, chính quyền địa phương đồng ý với điều kiện phải đem biên lai về nộp, song hai hộ trên vẫn tiếp tục cản ngăn” - ông Hùng nói.

Ông Hùng bức xúc vì số keo khai thác bị phơi khô cả tháng ròng, do bị ông Bình tranh chấp. Ảnh: TRIÊU NHAN
Ông Hùng bức xúc vì số keo khai thác bị phơi khô cả tháng ròng, do bị ông Bình tranh chấp. Ảnh: TRIÊU NHAN

Theo lời ông Hùng, năm 2011, ông đi phát rẫy keo cho người quen, thấy mảnh đất rừng của bà Uyển (một cán bộ hưu trí) đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thành Trung (xã Đại Hồng) bỏ hoang. Đầu năm 2012, vợ chồng ông Hùng phát dọn mảnh đất hoang hóa đó trồng keo, diện tích chừng 2.500m2. “Thời điểm tôi trồng keo có nhiều người biết như hộ các ông Mai Văn Anh, Đỗ Văn Triều, Đỗ Tiền, Phạm Minh… Trong đó, nhiều hộ có rừng trồng giáp ranh với mảnh đất rừng mà tôi phát dọn trồng keo tại cấm Ông Thiền. Cụ thể, phía bắc tiếp giáp với rẫy ông Đỗ Văn Triều,  phía đông tiếp giáp với rẫy ông Đỗ Văn Tiền, phía nam tiếp giáp đường dân sinh và phía tây tiếp giáp rừng Huyện đội. Lúc tôi trồng keo, hai ông Huỳnh Văn Bình và Trần Văn Thuận không hề có ý kiến gì. Và 5 năm qua, tôi chăm sóc, phát dọn rẫy cũng không thấy ông Bình, ông Thuận ở đâu. Chẳng hiểu vì lý do gì khi tôi khai thác keo, hai ông này lại tranh giành, trong khi họ không phải là chủ đất?” - ông Hùng bức xúc.

Nhiều hộ trồng rừng tiếp giáp với rẫy keo ông Hùng đều khẳng định chính ông Hùng là người trồng và chăm sóc rẫy keo suốt 5 năm qua. Ông Đỗ Văn Triều trú thôn Thạnh Phú là một trong những người có rừng trồng giáp ranh với rẫy keo ông Hùng xác nhận: “Đất này có chủ nhưng không canh tác nhiều năm, anh Hùng thấy vậy vào trồng keo, đã làm cam kết với xã là sau khi khai thác lứa keo này sẽ trả lại đất cho chủ quản lý, sử dụng. Thời điểm xã mời lên làm việc, làm cam kết không hề có ông Bình và ông Thuận. Nực cười là khi ông Hùng, người trồng giáp ranh với tôi khai thác keo bán thì hai ông này ra tranh chấp” - ông Triều nói. Ông Huỳnh Văn Năm cũng xác nhận, từ trước đến nay chỉ thấy vợ chồng ông Hùng trồng rẫy keo này chứ không thấy ai khác. Ông Mai Văn Anh nói thêm: “Năm 2012, ông Hùng có rủ tôi trồng keo tại khu rừng ông Trung nhưng tôi không làm, ông Hùng làm một mình”.

Chia đôi?!

Ngày 11.4.2017, UBND xã Đại Chánh tổ chức hòa giải vụ tranh chấp rừng keo giữa hai bên theo hướng chia đôi, ông Đỗ Văn Hùng nhất quyết không đồng ý. “Cách giải quyết của UBND xã Đại Chánh là thiếu công bằng và vô lý. Không có lý do gì địa phương lại đem số hoa lợi mà vợ chồng tôi dày công vun trồng chia cho người khác” - ông Hùng nói. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Chánh cho rằng, diện tích đất ông Đỗ Văn Hùng và nhiều hộ trồng keo vốn là đất xã đã cấp cho nhóm hộ ông Mai Văn Anh, sau chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thành Trung; ông Trung chuyển nhượng cho ông Phúc. Do chủ đất rừng quản lý lỏng lẻo nên ông Hùng và một số hộ dân khác đã khai phá trồng keo. Ông Võ Huệ cho biết, việc xác định chủ nhân đất rừng đã rõ, còn để xác định ai là người đem cây tới trồng thì khó. Địa phương đã hòa giải song không thành. “Nếu giải quyết không xong, địa phương sẽ hướng dẫn ông Hùng làm đơn gửi tòa án huyện thụ lý, xét xử, ai sai người ấy chịu” - ông Huệ nói.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hai ông Huỳnh Văn Bình và Trần Văn Thuận cũng có đơn “cầu cứu” gửi chính quyền địa phương, nêu người làm chứng 2 ông có tham gia trồng keo với ông Hùng. Tuy nhiên, người làm chứng ở xã khác, hoàn toàn không có canh tác gì tại cấm Ông Thiền. Trong khi đó, ông Hùng lại có nhiều người trồng keo ở khu vực giáp ranh với rẫy keo của ông xác nhận quá trình ông trồng và chăm sóc rẫy keo suốt 5 năm nay. Ông Hùng cho rằng, chính quyền địa phương xem nhẹ xác nhận của những nhân chứng có rừng keo trồng cạnh rừng keo của ông, giải quyết đúng ý đồ của hai ông Huỳnh Văn Bình và Trần Văn Thuận là “chia đôi thành quả” do ông đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra…

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rẫy keo đột nhiên có thêm... "chủ" mới!?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO