(QNO) - Cuối năm 2018, các bộ trưởng thương mại của 16 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhóm họp tại Singapore nhất trí lùi thời hạn hoàn tất đàm phán sang năm 2019.
Công nhân tại một doanh nghiệp nhỏ ở Tây Java, Indonesia. Ảnh: AFP |
Nhiều người nhận định thỏa thuận RCEP sẽ chỉ tác động đến những “ông lớn” trong các ngành công nghiệp chính yếu. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn về thỏa thuận sẽ cho thấy rằng, nó cũng có thể là một sự thúc đẩy cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) - chiếm hơn 90% các doanh nghiệp kinh doanh trên 16 nền kinh tế tham gia RCEP.
Lợi thế lớn nhất cho các DNVVN nếu hiệp định thương mại này được thông qua là tiếp cận thị trường. RCEP là cơ hội tuyệt vời để các công ty này vươn cánh và khai thác tiềm năng thị trường rộng lớn của khu vực.
Dẫu vậy, những cơ hội như vậy rất khó có được đối với các DNVVN. Theo báo cáo vào cuối năm ngoái của Công ty Dịch vụ tài chính và ngân hàng Commerzbank AG (Đức), các DNVVN bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khoảng cách tài chính thương mại. Theo đó, hơn một nửa yêu cầu giao dịch tài chính thương mại của họ bị từ chối trên toàn thế giới.
Tương tự, khảo sát năm 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tỷ lệ chênh lệch tài chính thương mại ở châu Á đang phát triển là 40% trong tổng số 1.500 tỷ USD của thế giới trong năm 2016. Các doanh nghiệp nhỏ (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong tiếp cận thương mại tài chính - chiếm 74% tổng số từ chối trong năm 2016, tăng từ 57% của năm trước đó.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký FTA (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Nếu Hiệp định RCEP được thông qua, nó sẽ trở thành một trong những thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử khi chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 45% tổng dân số, 30% thu nhập toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu. |
Ông Steven Beck - Trưởng phòng Tài chính thương mại tại ADB cho biết, chính khoảng cách tài chính thương mại lớn này là một lực cản đối với thương mại, tăng trưởng và tạo việc làm.
Theo Ban Thư ký ASEAN, các DNVVN sử dụng 52 - 97% tổng số lao động. Khi các doanh nghiệp này phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh nhờ các khoản tài chính từ RCEP, họ có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Hiệp định RCEP cũng có thể mang lại lợi ích cho các DNVVN với sự hợp tác kỹ thuật với các quốc gia công nghiệp tiên tiến hơn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia, các doanh nghiệp này sẽ có thể phát triển các sản phẩm tốt hơn, cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, với một khu vực thương mại tự do, các DNVVN cũng sẽ cạnh tranh với các công ty đa quốc gia, có đầu mối tài chính mà các DNVVN chỉ có thể mơ ước. Điều này buộc các DNVVN phải làm việc chăm chỉ hơn và thông minh hơn để cạnh tranh với các công ty đa quốc gia.
Và bước đầu tiên các DNVVN tập trung vào là thu hút nguồn nhân lực tốt hơn, dẫn đến năng suất tốt hơn và sau đó thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp và các đối tác công ty đa quốc gia.
Ông Raymond Teo - giảng viên phụ trợ của Đại học Quản lý Singapore cho hay, cơ hội sẽ rất dồi dào cho các DNVVN khi Hiệp định RCEP hoàn tất. Với triển vọng thỏa thuận sẽ được ký kết vào cuối năm nay, các DNVVN phải có bước chuyển mình nhanh chóng nếu không muốn đối mặt với nguy cơ kết thúc trong thua lỗ.
NAM VIỆT (lược dịch từ The ASEAN Post)