Réhahn và những câu chuyện về di sản Việt

MINH QUÂN - XUÂN THỌ 07/02/2017 08:42

(QNO) - Phía sau những bức ảnh, những hiện vật đang được trưng bày ở Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam (số 26 Phan Bội Châu, TP.Hội An), là những câu chuyện mà chủ nhân của nó - nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn dường như không muốn cất giữ cho riêng mình.

“Di sản” trong khái niệm của Réhahn, là những gì thật giản đơn và tất nhiên, nó thuộc về con người. Con người là trung tâm, là khởi nguồn của mọi di sản, từ nụ cười ánh mắt, từ những tấm vải, khuyên tai.

Réhahn giới thiệu người xem bảo tàng của mình. Ảnh: MINH QUÂN
Réhahn (bìa phải) giới thiệu người xem bảo tàng của mình. Ảnh: MINH QUÂN

1. Hơn 6 năm trước, Réhahn rời nước Pháp để đặt những bước chân đầu tiên đến Việt Nam. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, anh đến, rồi trót yêu Hội An, rồi xem nơi đây như quê nhà của mình. Một kẻ mê xê dịch - xê dịch trong những chiều kích về văn hóa và con người Việt, thì Hội An như một liều doping thúc giục anh tìm đến những nẻo đường mà anh tin rằng ở đó, mình sẽ tìm thấy điều mình cần tìm.

Rồi sau những rong ruổi góp nhặt như thế, anh đã lập nên Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam. Giản đơn, là điều anh cố gắng khi sắp đặt những tác phẩm của mình trong bảo tàng. Ai hay xem ảnh của anh, thì sẽ dễ dàng nhận thấy bảo tàng được chia làm hai phần mà anh gọi là Phòng Nghệ thuật và bộ sưu tập di sản quý giá.

Ở căn phòng nghệ thuật, có ít nhất 5 trong số các tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Réhahn, mà đêm khai trương chính anh đã tâm sự rằng, đó là những tấm ảnh có sức ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp và là khơi nguồn cũng như nuôi dưỡng cảm hứng thúc đẩy anh thu thập tư liệu về văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.

Không gian Phòng nghệ thuật. Ảnh: MINH QUÂN
Không gian Phòng Nghệ thuật. Ảnh: MINH QUÂN

Toàn bộ số tiền từ những tác phẩm bán được ở Phòng Nghệ thuật, sẽ là nguồn kinh phí cho phần chính của Bảo tàng Di sản vô giá của Việt Nam. “Tôi gọi đó là “di sản quý giá” vì ở đó, ý tôi là trong gian nhà chính của bảo tàng, sẽ là bộ sưu tập về hình ảnh cùng trang phục truyền thống, các câu chuyện và các hiện vật giá trị mà tôi đã tìm được trong những chuyến đi của mình” - Réhahn giới thiệu.

Trong gian nhà bảo tàng này, người xem dễ dàng nhận thấy hai phòng, với một phòng là những hình ảnh, trang phục, hiện vật của các dân tộc thiểu số ở miền Bắc; trong khi ở tầng 2, là những gì thuộc về miền Nam và miền Trung. Cứ mỗi một tác phẩm, hiện vật trưng bày, đều được Réhahn thuyết minh bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

2. Như trên đã nói, di sản với Réhahn là những gì thuộc về con người trên bề dày văn hóa. Và để có bảo tàng như hôm nay, là cả một hành trình chẳng hề dễ dàng chút nào.

Vào tháng 7.2014, khi tìm đến nơi ở của người La Hủ ở tỉnh Lai Châu, Réhahn thú vị trước những nét đặc trưng cả về lối sống cũng như trang phục của con người nơi đây. Nhưng nỗi sướng vui ấy của Réhahn không kéo dài, khi sau đó anh bị tai nạn và nứt xương mắt cá.

Phiền toái này khiến anh không thể đi lại trong 3 tuần, và tất nhiên, là anh phải xuống núi sớm hơn dự kiến để dưỡng thương. May thay, anh kịp chụp được tấm ảnh chân dung cụ Lý Cà Sư, khi ấy 91 tuổi. Vậy mà khi hỏi lại, anh cũng chẳng thể giải thích được, vì lý do gì tấm ảnh ấy luôn giữ một vị trí rất đặc biệt trong anh.

Réhahn cũng những em nhỏ trên bước đường trải nghiệm các vùng đất ở Việt Nam. Ảnh tư liệu của Réhahn
Réhahn cùng những em nhỏ trên bước đường trải nghiệm các vùng đất ở Việt Nam. Ảnh tư liệu của Réhahn

Những kỷ niệm trong hành trình ấy, không chỉ có những gian khổ hay tai nạn như thế, mà còn có cả những màu sắc khác. Như hồi tháng 10.2014, khi tìm đến người M’nông, Réhahn gặp cô bé Kim Luân rụt rè. Nhưng điều làm anh chú ý, là mặc dù rụt rè với anh, nhưng cô bé 6 tuổi này lại tỏ ra quấn quýt với chú voi to lớn hơn cô rất nhiều lần. Trông họ như hai người bạn.

Và sau khi tìm hiểu đời sống của người M’nông, nhất là mối quan hệ giữa người M’nông với voi, Réhahn khẳng định rằng cô bé và chú voi mình đã gặp, chắc chắn là hai người bạn. Có lẽ vì vậy mà tấm ảnh anh chụp Kim Luân cùng với chú voi được nhiều báo, tạp chí danh tiếng trên 40 nước đăng tải như National, Geographic, Time Magazinea…

Hai năm sau gặp lại cô bé này trong dự án “Trao tặng lại” - một dự án mà Réhahn tìm gặp và tặng ảnh cho những “người mẫu” của mình. Dù cô bé không còn nhớ anh, nhưng anh vẫn thấy mối liên hệ gắn kết giữa cô bé và chú voi mà anh đã chụp trước đó.

3. Những bức ảnh trong bảo tàng của Réhahn, ánh mắt, nụ cười và người già như là chủ đạo, dẫn dắt người xem xuyên suốt mạch cảm xúc. Ở đây, chúng ta có thể bắt gặp lại “Nụ cười ẩn giấu”của cụ Bùi Thị Xong, qua ống kính của Réhahn, trở thành bức ảnh khá nổi tiếng và cụ được mệnh danh là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới”.

Với Réhahn, anh luôn muốn thấy nhiều hơn những thứ phía sau nụ cười, chứ không đơn thuần đó là một thứ ngôn ngữ toàn cầu thường hay đính kèm cảm xúc dễ chịu. Do đó, anh bắt tay thực hiện dự án Nụ cười ẩn giấu, và tấm ảnh anh chụp cụ Xong được thực hiện vào hè năm 2011. Điều khiến anh bị cuốn hút khi chụp tấm ảnh này, là hành động dùng 2 tay che mặt, chỉ để lại đôi mắt của cụ Xong.

Bùi Thị Xong - người phụ nữ đẹp nhất thế giới qua ống kính của Réhahn. Ảnh: MINH QUÂN
Cụ Bùi Thị Xong - người phụ nữ đẹp nhất thế giới qua ống kính của Réhahn. Ảnh: MINH QUÂN

Từ những suy nghĩ, rồi sau khi chụp bức ảnh cụ Xong, điều khiến anh thêm quan tâm, đó là tìm kiếm vẻ đẹp ở những vết nhăn và chân chim. Réhahn cho rằng chính ngành công nghiệp thẩm mỹ đang cố gắng xóa đi vết nhăn và chân chim mỗi ngày. “Quan điểm về cái đẹp của riêng tôi đã thay đổi rất nhiều từ khi tôi trở thành nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung. Càng chụp nhiều người, tôi càng cảm nhận được vẻ đẹp mà nhiều người có thể không đồng tình. Tôi luôn cảm thấy bị thu hút bởi những nếp nhăn và vết chân chim, những thứ mà ngành công nghiệp thẩm mỹ luôn cố tránh. Tôi nhận ra rằng vẻ đẹp đối với tôi phải là thứ chạm tới trái tim và mang lại cảm xúc” - Réhahn tâm sự.

Và có lẽ, Réhahn đã “chạm tới trái tim và cảm xúc” khi đêm khai trương, nữ nhà văn Nam Phi - Rene Leen đã không khỏi háo hức và thốt lên rằng: “Tôi luôn cảm thấy vui và hào hứng khi đến đây và được nhìn thấy những sắc màu khác nhau của các dân tộc Việt Nam, có thể thấy được những đa dạng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tôi học được rất nhiều điều từ bảo tàng này”.

MINH QUÂN - XUÂN THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Réhahn và những câu chuyện về di sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO