Réhahn và phụ nữ Việt

SONG ANH 14/08/2016 08:49

Những khuôn hình đặc tả chân dung người phụ nữ Việt Nam của nhiếp ảnh gia Réhahn, đang tiếp tục truyền đi nhiều cảm xúc cho người xem.

  • Nhà nhiếp ảnh Réhahn trưng bày ảnh "Phụ nữ Việt Nam" tại Hội An
  • Việt Nam qua ống kính Réhahn
Khuôn hình của Réhahn. Ảnh: S.ANH
Khuôn hình của Réhahn. Ảnh: S.ANH

Triển lãm ảnh “Phụ nữ Việt Nam” của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn bắt đầu từ 20.7 và sẽ kéo dài trong vòng một tháng. Trưng bày ngoài trời và không giới hạn người xem, Réhahn cùng những bức ảnh đặc biệt của ông, trên một con phố, khiến nghệ thuật trở nên dung dị hơn. Bởi, chính chủ thể trong những khuôn hình của Réhahn, tự thân đã dân dã, gần gụi và chân thành với những lấm lem.

Đàn bà Việt Nam vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Họ toan lo cho gia đình, gánh trên vai cuộc đời của những đứa con; thậm chí cả chồng. Và Réhahn, đồng cảm với suy tư về hình ảnh những người mẹ tảo tần, người chị “lưng ong” da diết ngóng trông về đàn em thơ… Những khuôn hình mà như Réhahn chia sẻ, “tôi luôn bị ấn tưởng bởi vẻ đẹp và tinh thần của những người phụ nữ Việt Nam. Họ luôn làm việc cật lực và chăm chỉ tại bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi muốn tôn vinh những phẩm chất quý giá đó qua các bức ảnh về người phụ nữ Việt được chụp trên khắp mọi miền đất nước”. Bốn mươi bức ảnh là những góp nhặt của một người mê chụp ảnh và yêu Việt Nam. Hơn hết, Réhahn nói ông yêu những vẻ đẹp mộc và thuần khiết toát lên từ mỗi ánh mắt của những người lao động khổ cực, và sống xa đô thị. Sống ở những nơi cheo leo, đèo núi mà có khi phải đi bộ hơn nửa ngày Réhahn mới tới được, như người đàn bà Cơ Tu 86 tuổi ở vùng tây Quảng Nam mà ông may mắn được gặp. Hay những người phụ nữ vùng Tây bắc, Đông bắc, ở những nơi địa hình hiểm trở, như người Lô Lô, Bố Y, Tà Ôi, Pà Thẻn, Dao Mán, Phù Lá, Sán Chí... cùng trang phục truyền thống và những đôi mắt sâu thẳm, dẫu đã trầm đục bởi thời gian, tuổi tác.

Chân dung phụ nữ Việt của Réhahn, phần lớn là những người già, và nghèo khổ. Bà cụ Bùi Thị Xoong, người lên trang bìa của cuốn sách ảnh “Vietnam - Mosaic of Contrasts” của Réhahn, là điển hình trong hơn 30.000 tấm ảnh về Việt Nam mà vị nhiếp ảnh gia này lưu giữ. Đôi tay nhăn nheo, ánh mắt trầm đục, cả những nếp nhăn cũng đã lặm thật sâu vào gương mặt – những đường nét ghi đậm dấu ấn thời gian, như lời chia sẻ của Réhahn, luôn có sức hút đặc biệt với ông. Và với Réhahn, những người nghèo của Việt Nam, hay đúng hơn là những người đang phải lao động tay chân dù tuổi đã rất cao, ở những miền quê nghèo, hay cả ở thành phố, đều là những người mang vẻ đẹp tinh thần thuần túy.

Người già và trẻ em Việt Nam. ảnh: R.P.Page
Người già và trẻ em Việt Nam. ảnh: R.P.Page

“Những nhân vật trong bức ảnh của tôi dù chỉ là gặp gỡ tình cờ trong các chuyến đi đều cho tôi niềm tin về một cuộc sống hạnh phúc, nơi mà vật chất và tiền bạc không phải là điều quan trọng và ý nghĩa nhất”, cũng chính điều này khiến Réhahn quyết định ở lại Việt Nam lâu dài, chứ không phải là Cuba hay Ấn Độ - hai đất nước ông đã có khá nhiều trải nghiệm với những tấm hình đặc sắc. Riêng với 40 bức ảnh trong cuộc triển lãm “Phụ nữ Việt Nam” lần này của Réhahn, không hẳn chỉ là những bức ảnh đặc tả chân dung. Sau mỗi bức ảnh là những câu chuyện về con người và vùng đất. Bởi với mỗi chân dung, Réhahn đều dành cho họ những sự yêu mến. Ông tìm hiểu, cùng trò chuyện và lao động với họ, sau đó mới chụp ảnh. “Khi bạn trò chuyện với họ, hiểu họ, thì mới bắt được thần thái của họ. Lúc đó, một tấm ảnh chân dung đẹp xuất phát từ tình cảm chân thành từ cả người chụp lẫn người được chụp” - Réhahn chia sẻ.

Được mệnh danh là “người lưu giữ linh hồn nhân vật” từ truyền thông, thế mạnh và cũng là điều làm nên dấu ấn của Réhahn, là những khuôn hình đầy thần thái, toát lên từ đôi mắt hay nụ cười của nhân vật. Riêng với Việt Nam, ông đặc biệt thích chụp trẻ con, người già và một ít Hội An. “Vietnam - Mosaic of Contrasts”, tạm dịch là Việt Nam – những mảnh ghép đối lập, với việc ra đời phiên bản thứ 2 vào đầu năm 2016, đã thật sự cho thấy mối duyên giữa Réhahn và Việt Nam.

Hơn 5 năm tại đất nước này, Réhahn đã có một gia tài ảnh đồ sộ, từ mọi miền đất nước, với mọi cảnh sắc và văn hóa, phong tục độc đáo, đủ để làm nên một bộ sưu tập văn hóa Việt bằng ảnh. Từ ảnh, Réhahn bắt đầu để tâm đến cách người Việt ứng xử với văn hóa truyền thống, đầu tiên là từ những sắc phục hằng ngày của họ. Và ông khá đau đáu, khi cho rằng, ngày càng ít người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình. Cũng như nhiều người yêu văn hóa truyền thống, Réhahn sợ rằng nhiều năm sau nữa, những giá trị văn hóa cổ truyền sẽ mai một dần. Hiện Réhahn thu thập trang phục truyền thống của các dân tộc ít người ở Việt Nam để chuẩn bị cho Hội chợ quốc tế Caen ở thành phố Caen, cũng là quê hương anh ở Pháp, sẽ diễn ra vào tháng 9.2016.

Cùng với việc mê say chân dung Việt Nam, Réhahn còn là một nhà nhiếp ảnh đầy trách nhiệm với những câu chuyện sau ảnh của mình. Ông tìm cách giúp đỡ những cuộc đời mình bắt gặp trên chặng hành trình, không phải bằng cách cho tiền nhân vật sau khi chụp ảnh, mà bằng những hoạt động dài hơi, truyền thêm cảm hứng với công việc họ đang làm hàng ngày. Từ những suy nghĩ trân trọng và đồng cảm, có lẽ ngay cả khi bấm máy nhân vật, ông cũng bắt đầu từ cảm xúc của trái tim, nên mới có một Réhahn mang dòng máu Pháp nhưng lại khắc họa thành công những tâm hồn Việt.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Réhahn và phụ nữ Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO