Lũ về, khắp nơi tơi tả. Phố cổ cũng chộn rộn trong lũ với bao nhiêu chuyện mới, cũ. Hội An dễ tổn thương mà cũng dễ thích nghi.
Xà quần với… rác
Mưa rát mặt. Xóc từng hùn, từng hùn. Dấu hiệu mà người miền Trung ai cũng biết là lũ lụt sắp về. Mấy tốp thợ hì hục xúm lại dỡ biển hiệu, người kéo dây thừng, người khơi dòng chảy trên cầu An Hội. Hai bên cầu nước lũ đã ngập tới gối. Tre nứa, rác thải, xà bần ùn ùn từ thượng nguồn kéo về từ mấy hôm nay. Nhiều đến nỗi ùn ứ tắc cả dòng chảy sông Hoài. Mấy anh công nhân môi trường leo ra đứng trên vệt rác hì hục nạy cho thông dòng chảy. Họ đứng đó một hồi lại lững thững leo ra leo vô thành cầu tự nhiên như đứng trên bờ. Có lẽ rác đã bện nhau chặt xuống tận đáy sông.
Ông Nguyễn Quốc Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Công trình công cộng Hội An nói: “Hầu như năm nào có lụt là lại như vậy. Giờ chúng tôi phải nâng khoảng thông thuyền của cầu An Hội lên để đẩy rác qua chứ để lâu là cây cầu chịu tải không nổi. Qua đoạn này xuống dưới một chút thì rác, bèo lại tiếp tục mắc kín cầu Cẩm Nam. Anh em lần quần với mấy vụ này thôi đã đủ hết ngày”.
Rác theo con nước túa ra mọi nơi. Luồn lách mọi ngóc ngách của phố. Chúng dạt vào thành đống ngay kênh Chùa Cầu. Vòng ra phía sau Chùa Cầu, cũng ken đặc thùng cạc tông, túi ni lông. Góc nào cũng bốc mùi.
Ông Vinh – một người dân sinh sống trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đang gom rác trong hẻm ngán ngẩm nói: “Có lẽ phía thượng nguồn nhiều người dân cứ tranh thủ lụt là có bao nhiêu rác là đem quẳng hết theo dòng nước cho trôi đi đâu thì đi miễn sạch nhà mình là được. Cuối cùng rác dạt xuống hết dưới đây chứ đi đâu”.
Tại nhiều hội thảo về quản lý rác thải, các chuyên gia đã cảnh báo thực trạng Hội An không chỉ là “túi lũ” mà còn là “túi đựng rác” bất đắc dĩ của tỉnh do nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Ngặt nỗi, điểm cuối trong hành trình rác di chuyển lại là Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – hệ sinh thái quý giá rất cần được bảo vệ.
Cảnh báo thì cứ... cảnh báo, rác vẫn cứ tràn về sau từng cơn lụt. Thông được dòng chảy, rác lại lập lờ trôi tiếp về cuối dòng. Lòng vòng một hồi sóng lại đánh cấp tập vào mạn Cửa Đại, An Bàng thậm chí trôi dạt miết lên vệt bờ biển Điện Bàn. Hội An vừa tiếp tục phối hợp với một số tổ chức triển khai thí điểm chương trình “Không phát sinh chất thải trong cộng đồng” tại xã Cẩm Thanh và xã Tân Hiệp. Và, nó cũng chẳng thấm vào đâu so với những nơi phát sinh chất thải còn lại. Ngó lên thượng nguồn, quá trình nhân rộng mô hình này xem chừng còn gian nan. Từ đầu nguồn xuống biển – cách tiếp cận đã được phổ biến mấy năm nay để quản lý vùng một cách khoa học, có hệ thống. Nhưng rác, thì vẫn lập lờ trôi… từ đầu nguồn xuống biển.
Tham quan… lụt
Nước tràn bờ, lênh láng nhiều cung đường phố Hội. Người, xe lõm bõm trong lũ. Ấy thế mà ai ngang qua cũng phải dừng lại rút điện thoại chụp một tấm lưu dấu kỷ niệm. Đây đó ở góc hẻm, trên sân thượng, các nhiếp ảnh gia đang say sưa tác nghiệp. Lác đác vẫn có khách cầm ô lững thững dạo trong màn mưa. Mái ngói rêu phong, bức tường vàng ngả màu trầm mặc soi bóng lên dòng nước. Lụt trong phố lên chậm. Nước không xiết. Phố vẫn... đẹp mơ màng. Giữa con nước, nhịp sống của Hội An cũng chầm chậm, chẳng vồn vã.
Xem ra cái này có thể làm du lịch được và làm tốt. Mà là sản phẩm đặc thù mới “oách”. Thực ra thì từ năm 2011, TS-KTS.Nguyễn Thu Hạnh – Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững đã đề xuất ý tưởng xây dựng sản phẩm này với miền Trung, nhất là Huế và Hội An - hai điểm đến đẹp thơ mộng... bất chấp thời tiết. Nhận định của bà Hạnh rằng “chúng ta không thể cưỡng lại yếu tố thiên nhiên bất lợi và cần có tư duy để khai thác cơ hội trong mùa mưa lụt” vẫn còn nguyên tính thời sự.
Chớm trưa. Phố đi bộ suốt nhiều hôm rày thành “phố đi ghe”. Ướt sũng trong bộ áo mưa nhưng vợ chồng bà Lê Thị Cúc (phường Minh An) vẫn nói cười rổn rảng. Họ vốn sống nhờ vào nghề đưa khách tham quan trên sông Hoài nhưng gần một năm nay điêu đứng vì “Cô vít”. May nhờ… lụt, họ có việc thời vụ. Hai con người đã đứng tuổi với mớ áo phao lầm lũi rong ruổi quanh phố bắt khách. Đôi vợ chồng nhẩm tính, sáng giờ mới được hai “cuốc” hơn chục khách đi tham quan… lụt.
Nghe chúng tôi hỏi tình hình ở nhà, bà Cúc bộc bạch: “Nước cũng xêm xêm hiên nhà mà đồ đạc dọn dẹp từ hồi khuya nên không lo. Chừ tranh thủ kiếm thêm đôi ba “cuốc” chớ một hai bữa nữa là nước rút rồi”. Xen giữa câu chuyện, ông chồng tóc đã lấm tấm sợi bạc kể thêm: “Nhớ đận lụt năm 2017, cả ngàn khách mắc kẹt bên An Hội đợi cánh ghe tụi tui vận chuyển người, hành lý ra ngoài mới bắt xe rời khỏi thành phố được”.
Đăm chiêu nơi nhà cổ
Trông trước, ngoái sau, cả dãy phố cài then im lìm. Phía xa xa trên đường Hoàng Văn Thụ có cụ ông bắc ghế ngoài hiên ngồi uống cà phê đăm chiêu ngó lụt. Lằn nước lũ đợt trước vẫn còn hằn lên bức tường vàng xỉn màu. Áng chừng cũng gần 1 mét nước. Nghe tôi hỏi chuyện nhà cửa, ông cụ thủng thẳng kể: “Nhà cổ ở đây ớn nhất là thời tiết với côn trùng. Mối mọt thì mình còn phòng ngừa được chớ mưa bão thì năm mô cũng lãnh đủ. Bão ngó rứa chớ không tác động bằng lụt. Năm mô nước cũng dâng lên, giựt xuống, rồi ngâm như ri thì tường nhà hư hết”.
Thực ra mấy năm gần đây, chế độ bảo vệ hệ thống di tích nhà cổ ở Hội An đã được cải thiện khá nhiều. Từ năm 2014, chủ sở hữu của di tích ở vùng liền kề với di sản cũng được xem xét hỗ trợ 40% kinh phí trùng tu thay vì chỉ có các di tích ở vùng lõi như trước kia. Khổ nỗi, để đương đầu với thiên tai “đến hẹn lại lên”, biết bao nhiêu là đủ.
Chúng tôi lội lòng vòng. Mấy ngôi nhà trên đường Bạch Đằng vẫn còn ngâm trong nước. Tiệm vải ở nhà cổ số 7 Phan Châu Trinh khóa trái cửa. Vài căn khác trên phố Tiểu La cũng không có người ở. Rêu mốc lấm tấm trên cánh cửa gỗ, bám phủ đầy trên mấy lối bậc thềm. Họ hoặc đã tạm di dời đi trước đó tránh lũ hoặc chẳng buồn buôn bán từ đầu năm đến nay.
Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay: “Vừa rồi chúng tôi đã phối hợp hạ giải nhà thờ tộc Huỳnh vì không còn khả năng chống đỡ cộng thêm tu bổ lại di tích số 7 Nguyễn Huệ. Còn đâu mười mấy cái khác qua khảo sát còn khả năng chống chịu thì tiếp tục lên phương án chống đỡ, bảo vệ thôi”.
Hiện tại, riêng khu phố cổ Hội An đang có hơn 1.100 di tích, nhà cổ. Cứ mỗi năm lại có chừng 100 lượt tu bổ. Bà Nguyễn Thị Điểm (trú phường Tân An) nhớ lại: “Hồi đó cứ tới mùa mưa thì nhà thấm dột. Gỗ, đòn tay, rui lách, kèo hư hỏng, mối mọt tùm lum. Muốn tu sửa cũng không theo ý mình được vì phải giữ kết cấu cũ. Nhọc nhằn quá nên gia đình bán xới, ra ngoại ô ở cũng chục năm nay rồi”.
Ở vùng rốn lũ này, nhà tấm kiên cố dãi dầm qua vài mùa mưa còn te tua với lụt nói chi dãy nhà cổ kính, rêu phong trải mấy trăm năm thăng trầm. Thế mới thấy, để giữ được hình hài thơ mộng, làm khách thập phương xuýt xoa, chiêm ngưỡng thường ngày thì khu phố cổ, dân phố cổ và những người làm công tác bảo tồn đã chật vật “gồng gánh” để giữ lại hồn phố. Đáng buồn là số cư dân bản địa bám trụ sinh sống trong khu phố cổ cứ vơi qua từng năm.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có hơn 200 di tích nhà cổ (trên tổng số 784) không có người sinh sống qua đêm. Điều này đồng nghĩa với việc số người kinh doanh trong khu vực này tăng lên. Nguy cơ khu phố cổ Hội An dần dà sẽ chỉ còn là một khu phố thương mại đơn thuần đang dần hiển hiện. Dễ khi đó, ta lạ lẫm lần dò chính nơi góc phố thân quen…