Ríu rít giọng quê...

BẢO ANH 18/03/2017 08:08

Tám người, kẻ nguyên quán Tam Kỳ, người quê gốc Nông Sơn, kẻ sinh ra ở Hiệp Đức, người gốc gác Điện Bàn, kẻ chào đời ở tận Gio Linh (Quảng Trị), đều thuộc thế hệ 5X và đặc biệt, đều ít nhiều có duyên nợ với Tam Kỳ, vừa gom góp cảm xúc và kết nối tình yêu thi ca qua một tập thơ chung có tên “Xóm trăm năm” (*).

Những 8 người in chung một tập thơ, đòi sự “đồng giọng” là hơi khó. Nhưng ở “Xóm trăm năm” có cái “đồng” nổi bật: Đồng điệu và đồng cảm. Đó là tình yêu quê xứ thênh thang và những mảnh tình riêng vừa đằm thắm, dịu ngọt, vừa nồng nàn, đắng đót... với Tam Kỳ. Như với Nguyễn Bá Hòa, nỗi riêng cũng chính là nỗi quê một thời đã xa, bùi ngùi, thao thức: “Ngày lập mùa trở tiết xa xôi/ Đòn gánh mẹ cong hai đầu nóng lạnh/ Thúng mê cha nặng nỗi buồn đặc quánh/ Giật mình đêm ngủ mớ tụt vành nôi” (Nợ quê). Như với Phạm Dương Nam, một khúc sông thôi cũng đã là cả một trời quê mênh mang cùng ấu thơ mê mải: “Bạn thuở ấy làm sao ta nhớ hết/ Thằng Cầu Treo, thằng An Thổ, Thạch Bàn/ Bơi qua sông có bao giờ về nhất/ Ta như còn phần thưởng mẹ trên mông” (Về một khúc sông). Hay như với Nguyễn Thị Phương Dung, không thể giấu được nỗi bơ vơ, không thể kìm được nước mắt thấm nỗi hoài hương khi phải trở thành người xa quê ở “cuối chặng rừng già”: “Ta thấy mình như con nai lạc gió say trăng cuối chặng rừng già/ Ta có quê mà chẳng có nhà/ Buổi về lại Quảng Nam đứng ở đầu sông ta khóc”. Rồi ngay như Bình Địa Mộc, một kẻ “ngụ cư” ở Tam Kỳ sau mấy bận bôn ba sương gió học đòi thú/thói giang hồ vặt, cũng có lúc chùng lòng xuống với cũ xưa: “Chỉ còn lại trang cổ tích tròn vo/ Mảnh vườn xưa lòng vòng mùi hương cũ/ Cơn lốc trái mùa hất nỗi buồn cỏ cú/ Lòi câu thơ không hẳn viết cho mình” (Không hẳn).

Tam Kỳ, không biết tự bao giờ, đã là vùng đất để yêu, để nhớ. Kiểng quê, bình lặng vậy mà dữ dội vô chừng. Hiền lành, dung dị vậy mà thật là “ghê gớm”. Tam Kỳ riết róng đến mức: “Có ai bắt tội bắt tình quặn thắt câu thơ/ Có ai biểu anh phải lòng Tam Kỳ đứt ruột/ Cái xứ chẳng kiểng quê chi mà ghê gớm thiệt/ Yêu đương sơ sơ rồi chết ngã ba đường” (Tam Kỳ - Nguyễn Đức Dũng). Có phải vì Tam Kỳ từng một thời thơm ngát vị trà, nồng đượm cà phê? Có phải vì ở đó có dòng sông hiền hòa chạy men thềm phố: “Tam Kỳ trong ta thơm màu hoa sưa/ Cà phê Đợi, người chờ như tượng cổ/ Tháp Khương Mỹ, ta áp vào gạch vỡ/ Một dòng sông lưu bóng cả đôi bờ” (Tam Kỳ, ảnh cũ - Trần Xuân An). Có phải vì ở đó - Tam Kỳ, có một nét “giọng quê” rất riêng?... Không rõ. Chỉ biết, cứ thấy vui lây cùng người con ly hương Vũ Khắc Tĩnh khi về lại Tam Kỳ đã bật lên thảng thốt: “Còn sống trên đời còn vui/ Trà xanh nóng quyện với mùi cà phê/ Tam Kỳ - Quảng Nam đường về/ Quanh tôi ríu rít giọng quê hương mình” (Đường về Quảng Nam). Và, Tam Kỳ hẳn còn là vùng đất của đầy chật ký ức, của lắng đọng cũ càng? Đến mức, người thơ có tiếng “cà chớn”, ưa bỡn cợt như Nguyễn Tấn Sĩ cũng không thể tung tẩy, phá rào. Anh đã có những câu thơ nền nã, đằm dịu như bức tranh mùa xuân: “Sông nương xóm, xóm nương chiều gọi gió/ Những thầu đâu tim tím giục yêu đương/ Và khi trống Dinh Bà rưng rức gió/ Là đã vàng hoa cải dọc Trường Giang” (Xóm trăm năm).

_____________
 (*) Tập thơ 8 tác giả, NXB Văn học 2017.

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ríu rít giọng quê...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO