(QNO) - Cuộc cách mạng tự động hóa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới, song có nguy cơ khiến hàng chục triệu lao động tại nhiều nơi, kể cả các nước phát triển có nguy cơ bị mất việc làm.
Rô bốt hiện được sử dụng rộng rãi tại các nhà máy sản xuất ô tô. Ảnh: actemium |
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris, Pháp vừa cho biết, cuộc cách mạng rô bốt sẽ cướp đi kế sinh nhai của 66 triệu lao động tại các nước phát triển trong những năm tới. Ngoài ra, cứ 1 trong 7 lao động cần được đào tạo kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc mới trong dây chuyền hệ thống tự động hóa. Cũng theo OECD, nguy cơ số người lao động bị mất việc do được thay thế bằng rô bốt ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng lao động tay nghề thấp và lao động trẻ tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Hiện nay, rô bốt được sử dụng phổ biến trong các nhà máy sản xuất, ngành nông nghiệp và một số lĩnh vực dịch vụ. Liên đoàn Rô bốt thế giới cho hay quá trình ứng dụng rô bốt trong các nhà máy sản xuất tăng lên ít nhất 15%/năm trong giai đoạn 2018-2020 nhờ vào tính năng ngày càng hiệu quả của rô bốt. Tuy nhiên, điều đó cũng làm dấy lên làn sóng tranh cãi về mối quan hệ giữa rô bốt và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trong tương lai.
Tự động hóa được cho diễn ra chỉ trong giai đoạn mới bắt đầu tại hầu hết các nước công nghiệp mới nổi châu Á nhưng theo tờ Nikkei Asian Review, quá trình này cũng đang đe dọa công ăn việc làm của người lao động trong những ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo và diễn ra rất nhanh. Tổ chức Lao động quốc tế mới đây khuyến cáo, hơn 80% công nhân ngành dệt may ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc do tự động hóa. Đây là mối đe dọa lớn cho những người lao động ở các khu vực tập trung sản xuất để xuất khẩu như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Các nước ở giai đoạn phát triển đầu như Myanmar, Campuchia, thậm chí cả Ấn Độ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì trình độ sản xuất của họ đang dựa nhiều vào lao động, trong đó có nhiều lao động có tay nghề thấp.
Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, không ít công việc trong tương lai sẽ bị thay bởi rô bốt nhưng con người vẫn còn nhiều việc khác để làm. Tuy nhiên, để một nền kinh tế mà người lao động không phải lo sợ rô bốt cướp đi công việc của mình trong thời đại công nghiệp 4.0 thì đào tạo vẫn là chìa khóa then chốt để giải quyết mối đe dọa trên. Bởi tự động hóa là xu hướng tất yếu. Do đó, OECD kêu gọi các chính phủ cần có kế hoạch đối phó với làn sóng thất nghiệp do rô bốt thay thế và khẳng định tầm quan trọng của việc tái đào tạo kỹ năng cho người lao động, nhất là lao động trẻ tuổi. Ngoài ra là sự chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành giáo dục của các quốc gia.
QUỐC HƯNG