Rõ hơn trách nhiệm của Công đoàn

(BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG) 30/07/2014 08:52

Trong xu thế hiện nay, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Ðảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân sẽ ngày càng trở thành lực lượng chủ yếu trong nguồn lực lao động xã hội. Do đó, Công đoàn Việt Nam - tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân - ngày càng có vai trò quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội hài hòa, ổn định, tiến bộ trong quan hệ lao động. Điều này cũng đã được Hiến pháp 2013 quy định rõ ở Điều 10.

Thành lập công đoàn cơ sở và kết nạp đoàn viên tại Công ty Thực phẩm Quang Hiếu, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (huyện Điện Bàn). Ảnh: D.LỆ
Thành lập công đoàn cơ sở và kết nạp đoàn viên tại Công ty Thực phẩm Quang Hiếu, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (huyện Điện Bàn). Ảnh: D.LỆ

Ðiều 10 Hiến pháp 2013 khẳng định, Công đoàn Việt Nam là “tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện”. Ðây là nguyên tắc rất quan trọng của tổ chức công đoàn, lần đầu tiên được khẳng định và thể hiện trong Hiến pháp, và đây cũng là thông lệ chung được quy định trong các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 đã bỏ cụm từ “Công đoàn cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp...” trong Hiến pháp 1992 là hoàn toàn phù hợp. Vì một trong những yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thể hiện và phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; cũng là để phân định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với người lao động, tránh chồng chéo dẫn đến tình trạng “có thành tích thì tất cả đều nhận về mình, có khuyết điểm thì đùn đẩy không ai chịu trách nhiệm”.

Nếu Ðiều 10 Hiến pháp năm 1992 quy định công đoàn các cấp chỉ tham gia kiểm tra, giám sát, thì lần sửa đổi này, Hiến pháp 2013 không chỉ quy định công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát mà còn tham gia “thanh tra” hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Ðiều này hoàn toàn phù hợp, vì công đoàn là do người lao động tự nguyện lập ra để tham gia quản lý và chăm lo, bảo vệ người lao động. Nếu công đoàn không tham gia thanh tra việc tuân thủ và thực thi pháp luật liên quan đến người lao động, thì không thể tham gia quản lý nhà nước và cũng khó có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích người lao động.

Hiến pháp 2013 cũng đã quy định đầy đủ, cụ thể và rõ hơn về trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật. Ðây là những quy định mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, phù hợp với Cương lĩnh của Ðảng về phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Như vậy việc tuyên truyền vận động nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của công đoàn, thực hiện tốt nhiệm vụ này cũng chính là chăm lo và bảo vệ tốt nhất cho người lao động.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi:Công đoàn Việt Nam được quy định như thế nào?

- Trả lời: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Hỏi: Hiến pháp quy định về Tổ quốc Việt Nam, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh, Thủ đô như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về Tổ quốc Việt Nam, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh, Thủ đô như sau:

1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.  

3. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

4. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca.

6. Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.

7. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.

(BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rõ hơn trách nhiệm của Công đoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO