Rõ hơn vị trí, quyền hạn của Quốc hội

(BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG) 25/08/2014 08:24

Các quy định về Quốc hội (QH) trong Hiến pháp 2013 đã có những điều chỉnh theo hướng làm rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH, các chủ thể có liên quan trong tổ chức và hoạt động của QH.

Hiến pháp 2013, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, quy định rõ và hợp lý hơn trách nhiệm, thẩm quyền của Quốc hội. Ảnh internet
Hiến pháp 2013, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, quy định rõ và hợp lý hơn trách nhiệm, thẩm quyền của Quốc hội. Ảnh internet

Trong điều kiện các cơ quan như Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước đã được bổ sung rõ quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong một chương riêng - Chương X, Hiến pháp 2013 đã có các điều chỉnh tương ứng liên quan đến thẩm quyền của QH. Theo đó, thực hiện quyền giám sát tối cao của QH, Hiến pháp 2013 đã bổ sung quy định “xét báo cáo công tác của Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do QH thành lập” (điểm 2 Ðiều 70). Cũng trong Điều 70 quy định, QH có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do QH thành lập; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia… Hiến pháp 2013 còn bổ sung quy định về thẩm quyền của QH trong việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (điểm 7 Ðiều 70). Có thể nói, quy định này thể hiện vị trí, vai trò quan trọng ngày càng tăng của chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong mối tương quan với các chức danh khác trong bộ máy nhà nước. Ngoài ra, so với quy định tại điểm 8, Ðiều 84 Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 cũng đã quy định bổ sung theo hướng đầy đủ, chặt chẽ hơn về thẩm quyền của QH không chỉ giới hạn ở việc thành lập, giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, mà còn bổ sung cả việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; bổ sung quy định việc QH có thẩm quyền thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật (điểm 9 Ðiều 70).

Hiến pháp 2013 quy định theo hướng rõ và hợp lý hơn về trách nhiệm, thẩm quyền của QH trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. QH có thẩm quyền “quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước” (điểm 4 Ðiều 70). Như thế, so Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 đã có những điều chỉnh quan trọng, như đối với chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, QH chỉ tập trung vào quyết định các chính sách cơ bản; các nội dung quan trọng khác cũng được bổ sung, minh định rõ hơn, như việc quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ… Những quy định này thể hiện thẩm quyền của QH trong việc bảo đảm tính thống nhất về mặt Nhà nước đối với các vấn đề tài chính, tiền tệ, kinh tế... quan trọng của quốc gia. Đồng thời mở ra khả năng thực hiện phân cấp, phân định nhiệm vụ, quyền hạn hợp lý hơn giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong những vấn đề có liên quan đến kinh tế - xã hội nói chung của quốc gia trong thời gian tới.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn gì?

- Trả lời: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật.

2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

3. Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

5. Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước.

6. Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập. (Còn nữa)  

(BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN (Tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rõ hơn vị trí, quyền hạn của Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO