Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao

NGUYỄN ĐIỆN NAM 26/09/2020 12:34

Cuối tuần này, đúng mùng 10.8 ÂL, mới tròn kỷ niệm 200 năm đại thi hào Nguyễn Du thác về cõi lạc (1820 – 2020). Tuy nhiên, thời gian qua, đã diễn ra các sự kiện sinh hoạt học thuật của giới nghiên cứu Truyện Kiều (Kiều học), làm dậy lên những mối quan tâm thú vị.

Đình đám nhất có lẽ là Hội thảo “minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt” được Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức vừa qua. Tại hội thảo này nổi lên vấn đề gây chú ý về nguồn gốc Truyện Kiều. Theo các tài liệu, sách vở lâu nay người ta mặc định Nguyễn Du đã mượn cốt truyện từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc để viết Truyện Kiều. Nhưng tại hội thảo nói trên, nhà nghiên cứu Lê Nghị đã phản bác điều đó, làm nhiều người “sửng sốt” khi cho rằng “dựa vào các văn bản, chúng tôi phát hiện ra Truyện Kiều mới là gốc của Kim Vân Kiều truyện ở Việt Nam. Rồi từ Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam người ta mới phóng tác Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc”. Báo Tuổi trẻ đã đưa ngay bài tường thuật “Thử “giải mã” lại Truyện Kiều” (cùng đăng trong loạt dài kỳ “200 năm, hậu thế nhớ Tố Như”), có nêu ý kiến gây chấn động dư luận của nhà nghiên cứu Lê Nghị. Vấn đề cần xới xáo ở đây, nếu đúng theo khẳng định của nhà nghiên cứu Lê Nghị, thì sẽ phải chỉnh lý văn học sử về Nguyễn Du và Truyện Kiều, hiệu đính cả sách giáo khoa và rất nhiều tài liệu nữa.

Câu chuyện nguồn gốc Truyện Kiều hẳn sẽ chưa dừng lại ở đây, các nhà Kiều học sẽ còn phải mất công tìm kiếm nhiều tài liệu cổ để xác tín. Hy vọng Hội thảo khoa học quốc gia về “Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương, nghệ thuật” (dự kiến do Viện Văn học tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm nay) sẽ có thêm nhiều tư liệu được công bố, với những phát hiện mới về văn bản, các thông tin/diễn giải mới về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du; vấn đề chuyển ngữ, tái tạo Truyện Kiều trong các ngôn ngữ khác…

Rõ là việc tìm hiểu giá trị tinh anh của văn chương Nguyễn Du vẫn tiếp diễn sau mấy trăm năm tác phẩm của thi hào đi cùng dâu bể thời gian. Điều thực chứng với Truyện Kiều đã vượt cả thời gian và không gian, như ngọc càng mài càng sáng. Truyện Kiều cùng với nhiều tác phẩm khác đã làm nên “từ điển” văn chương Nguyễn Du, có thể dùng “tra cứu” về thân phận con người, mà từ văn nhân đến quan chức, anh hùng và giai nhân, người ác và kẻ thiện… đều có thể tìm thấy mình trong đó. Bởi tác phẩm được viết nên từ trái tim của người nghệ sĩ tài hoa đã trải cùng nỗi đau nhân thế, nghiền ngẫm đến nát lòng về chữ hiếu, chữ tình, chữ trinh, cùng bao chuyện sinh tử, đạo và đời. Và lạ thay như một sự tiên giác ngay cho số phận tác phẩm văn chương của mình, Nguyễn Du dự cảm với dấu hỏi về 300 năm có lẻ “thiên hạ ai người khóc Tố Như?”. Viết đến đây chợt nhớ có dịp về tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Du, chúng tôi ấn tượng với nơi trưng bày cả nghìn tài liệu hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bộ sưu tập sách viết về Nguyễn Du... Đặc biệt với Truyện Kiều, có bản Kiều in khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, tập thư pháp Truyện Kiều viết trên giấy khổ lớn (1,2m x 1,6m), nặng 75kg.Vậy mà mới đây, lại nghe còn có thêm những bản Kiều cổ được phát hiện ở các thư viện nước ngoài như Anh, Mỹ... Như câu Kiều đã vận, “tưởng bây giờ là bao giờ/ rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”, còn bao điều mà ta chưa biết!

Cần biết bao sự tri âm để tiếp tục việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và cả tác phẩm văn chương của Nguyễn Du, “gìn vàng giữ ngọc cho hay” mà bảo tồn di sản của thi hào và của dân tộc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO