(QNO) - Robot Ai-Da không chỉ thông minh về mặt toán học mà còn sử dụng trí thông minh của mình vào nghệ thuật.
Năm 2019, robot Ai-Da được giới thiệu là một “nhà thơ”, “họa sĩ” và “nhà điêu khắc”. Ngoài cánh tay robot, cô ấy còn có một khuôn mặt giống như thật với đôi mắt nhấp nháy.
Robot được đặt theo tên nhà toán học và máy tính Ada Lovelace - người được xem là lập trình viên đầu tiên của nhân loại. “Chúng tôi đã không tốn nhiều thời gian và tiền bạc để tạo ra một họa sĩ thông minh như Ai-Da” - ông Aidan Meller - một nhà buôn nghệ thuật tại Anh, người sáng tạo ra Ai-Da chia sẻ với The Guardian.
Đôi mắt của Ai-Da hoạt động như một ống kính máy ảnh để chụp ảnh đối tượng. Sau đó, cô ấy sử dụng hình ảnh như một tài liệu tham khảo để bắt tay vào vẽ tranh chân dung của người mẫu. Các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) giúp Ai-Da lựa chọn, đưa ra quyết định và cuối cùng là tạo ra một bức tranh chân dung hoàn thiện.
Ai-Da mất khoảng 45 đến 75 phút để tạo ra một bức chân dung và khoảng 5 giờ cho một tác phẩm nghệ thuật lớn hơn, TRT World đưa tin.
Năm 2019, Ai-Da đã thực hiện triển lãm nghệ thuật cá nhân đầu tiên của mình.
Một cuộc tranh luận trong giới nghệ thuật đã nổ ra sau hiện tượng của Ai-Da, đó là liệu những tác phẩm của Ai-Da có được coi là nghệ thuật không khi cô chỉ có khả năng lấy cảm hứng từ những gì đã có.
Người hâm mộ Ai-Da và những người gièm pha chắc chắn sẽ còn tranh luận rất lâu về sự tồn tại của cô ấy khi Ai-Da ra mắt triển lãm cá nhân tiếp theo tại Venice Biennale 2022 vào cuối tháng 4 này.
Theo tờ báo tiếng Tây Ban Nha El País, Biennale - một triển lãm quốc tế về kiến trúc, phim, âm nhạc, khiêu vũ, sân khấu và nghệ thuật thị giác - sẽ chào đón Ai-Da với tư cách là nghệ sĩ robot đầu tiên trong lịch sử 120 năm tổ chức.
“Đây là một dự án đạo đức được tạo ra để đặt ra các câu hỏi về việc sử dụng công nghệ và tác động của nó đối với xã hội của chúng ta, đồng thời đánh giá xem chúng ta có thực sự muốn giới thiệu thứ gì đó tương tự như thế này trong tương lai hay không” - ông Aidan Meller nói với tờ El País.
Những nghi ngờ về Ai-Da không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong một chuyến đi vào năm ngoái để triển lãm một trong những tác phẩm điêu khắc của cô tại Đại kim tự tháp Giza, Ai-Da đã bị các quan chức hải quan Ai Cập giam giữ 10 ngày vì lo ngại cô có thể đang giấu các công cụ gián điệp bí mật, theo BBC.