Rời bỏ nhà cửa vì biến đổi khí hậu

QUỐC HƯNG 11/12/2019 19:48

(QNO) - Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng khắc nghiệt khiến số người buộc phải rời bỏ nhà cửa càng tăng cao.

Siêu bão Irma gây lũ lụt nghiêm trọng tại Cuba vào năm 2017. Ảnh: CNN
Siêu bão Irma gây lũ lụt nghiêm trọng tại Cuba vào năm 2017. Ảnh: CNN

Nhiệt độ bề mặt trái đất liên tục tăng trong suốt 40 năm qua khiến băng tan hàng loạt, nước biển dâng, nhiều vùng duyên hải và vùng trũng thấp đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm hoàn toàn. Cuộc sống biến đổi cùng khí hậu đứng trước thách thức vô cùng lớn, trong đó nhiều người phải tìm kiếm mưu sinh, chốn ở nơi khác.  

Theo báo cáo mới nhất của Oxfam (liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công), thảm họa khí hậu trên toàn cầu buộc 20 triệu người phải rời bỏ nhà cửa mỗi năm, diễn ra trong suốt một thập kỷ qua. Điều này có nghĩa rằng khí hậu là nguyên nhân lớn nhất của sự dịch chuyển trong giai đoạn này.

Đáng lưu ý, các quốc gia nghèo nhất thế giới lại bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) dù đóng góp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít hơn các quốc gia giàu có và phát triển.

Cảnh báo trên của Oxfam được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị Liên hiệp quốc về BĐKH (COP25) chính thức được khai mạc hôm nay (2.12) tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Ngay trước thềm hội nghị, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố nồng độ khí nhà kính đạt mức kỷ lục. Cụ thể, nồng độ CO2 trung bình toàn cầu đạt 407,8 phần triệu (ppm) trong năm 2018, tăng từ mức 405,5ppm vào năm 2017; cao hơn 50% so với năm 1750.

Hội nghị COP25 tại Tây Ban Nha kêu gọi hành động ngăn chặn BĐKH. Ảnh: COP25#gallery
Hội nghị COP25 tại Tây Ban Nha kêu gọi hành động ngăn chặn BĐKH. Ảnh: COP25#gallery

Hội nghị COP25 diễn ra từ ngày 2 - 13.12. Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau tìm hướng đi, mà cụ thể là hành động để thúc đẩy các nỗ lực giảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong khi nhiều nước công bố các sáng kiến ​​mới nhằm ngăn chặn BĐKH. Hội nghị thu hút sự tham gia của các quốc gia đã tham gia và phê chuẩn Thỏa thuận Paris, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ...

Oxfam kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn để tài trợ cho các chương trình phục hồi cho các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp khí hậu ngày càng khốc liệt cả về tần suất và cường độ.

Cố vấn chính sách của Oxfam về BĐKH Tim Gore dẫn chứng, mực nước biển dâng cao, lũ lụt ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến đất nông nghiệp ở vùng thấp, ven biển khiến người dân không thể canh tác, do vậy đã đẩy họ rời khỏi khu vực này mãi mãi.

Oxfam nhận định, phần lớn những người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì BĐKH sẽ tìm kiếm nơi ăn chốn ở mới ở thành thị khiến nhiều đô thị phải chịu áp lực quá tải cho phát triển bền vững.

Sau khi thế giới chứng kiến siêu bão Idai, có thể là nguy hiểm nhất trên thế giới năm nay, đổ bộ vào Mozambique và các nước láng giềng ở đông nam châu Phi vào tháng 3.2019 ước tính cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, Tim Gore nói: “Các nước giàu cũng không tránh khỏi nguy cơ dịch chuyển này”.

Một báo cáo của Liên hiệp quốc cho hay, tình trạng BĐKH không được kiểm soát sẽ khiến khoảng 200 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vào giữa thế kỷ này, trong khi các hệ thống cảnh báo sớm sẽ giảm được nhiều rủi ro do thiên tai gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rời bỏ nhà cửa vì biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO