Hằng năm, cứ đến tháng Ba là các vị lão thành cách mạng của Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức đi thăm những gia đình từng nuôi giấu họ trong những ngày đầy đen tối, khi bốn bề là giặc và tay sai. Thời gian cứ trôi đi, các vị cũng theo thời gian mà "thưa vắng" dần. Ai còn sống và còn nhớ thì thay nhau đi thăm các gia đình từng cưu mang họ. Đến mùa xuân Giáp Ngọ - 2014 này, số cán bộ chủ chốt trụ lại sau năm 1954, khi có Hiệp định Giơ-ne-vơ chia đôi đất nước, ở Quảng Nam - Đà Nẵng đếm chỉ “một đầu ngón tay” là ông Trần Thận từng làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà đã bước vào tuổi tám mươi tám. Và trường hợp rời quê ra đi sau năm 1954, sau đó trở lại miền Nam năm 1959 cũng chỉ còn hai người là Nguyễn Duy Hưng - nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, nay vượt tuổi chín mươi và Phan Đấu, từng làm thư ký của Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công, đang ở tuổi tám mươi tám...
Cuộc gặp gỡ giữa cán bộ lão thành cách mạng với các gia đình nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến. Ảnh: H.D.L |
Hướng đến kỷ niệm 39 năm giải phóng quê hương và 60 năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, tôi có dịp cùng ông Trần Thận và Phan Đấu đi thăm bà con cơ sở ở làng Thanh Tam, xã Cẩm Thanh và xóm Chiêu, xã Cẩm Châu của TP.Hội An. Đây là những gia đình cơ sở từng được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chọn làm nơi đóng cơ quan trong năm 1955.
Ông Trần Thận nhớ và kể lại:
Tháng 7.1955, tôi nhận được giấy đi dự Hội nghị Tỉnh ủy. Theo giao liên, đi thuyền từ bến Mậu Hòa, xã Duy Trung, Duy Xuyên, theo sông Bà Rén xuống thôn 1 Cẩm Thanh, nhập với đoàn anh Nguyễn Kim Khánh, Bí thư Hội An, ra Cẩm An, Cẩm Châu, lên vùng Trà Quế đến Cẩm Sa, lên Điện An. Đến Điện Hòa thì gặp Ngô Bang, Bí thư, và Phạm Ký đang là Phó Bí thư Điện Bàn. Đoàn đi qua đất Điện Tiến quê của Mười Khôi, qua đất Hòa Vang, lên Phú Túc - Trung Man. Chuyến đi hội nghị này là lần đầu tôi dừng lại ở Cẩm Thanh. Sau năm 1975, tôi từng đi với các anh Ngô Xuân Hạ, Võ Hiên, Phan Đấu… về thăm bà con ở Cẩm Thanh. Rồi anh Hạ mất, anh Võ Hiên thì quá yếu…
Hội nghị đầu tháng 7.1955 ấy, Tỉnh ủy bầu Phan Tốn làm Bí thư Tỉnh ủy, bổ sung Hai Chế, Bốn Hương và Đỗ Duy Tư vào Tỉnh ủy. Giữa năm 1955, cơ quan Tỉnh ủy cánh bắc ở Hội An chuyển ra Sùng Công - Điện Tiến của Điện Bàn, sau đó lại chuyển lên khu vực Trung Man - Hòa Vang. Cuộc họp lần đó có Mười Khôi, Trần Thận, Hai Chế, Trương Trọng Cảnh - cán bộ Đà Nẵng, Nguyễn Quang Lâm - cán bộ quân báo, Tưởng Cơ - cán bộ xây dựng căn cứ của tỉnh. Lúc bấy giờ, anh Phan Tốn làm Bí thư, Cao Sơn Pháo làm Phó Bí thư. Họp nghe anh Phan Tốn phổ biến Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị ban hành từ ngày 1.9.1954! Tinh thần cơ bản của nghị quyết này là nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, trong đó có lưu ý phương châm hoạt động “hợp pháp và bán hợp pháp”, “phải khéo che giấu lực lượng”...
Ông Phan Đấu nhớ và kể lại:
Đầu năm 1955, Liên khu ủy 5 họp mở rộng, anh Mười Khôi đại diện Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng vào dự. Cuộc họp được tổ chức tại xóm Gò Dưa, thôn Tài Lương, tỉnh Bình Định, nơi đóng cơ quan Ban Tổ chức Khu ủy 5. Anh Mười Khôi gặp tôi, bấy giờ có tên là Phan Nghị. Biết tôi là con trai đầu của ông Phan Thảng, anh hỏi rất chân tình: “Mình đã bàn với các anh Tổ chức Khu ủy, nhất trí để Nghị về Quảng Nam - Đà Nẵng công tác. Em đi ra Bắc hay ở lại, về Quảng Nam? Về, thì đi với mình, đi ngay ngày mai, sau khi hội nghị kết thúc”. Tôi nói với anh Mười Khôi: “Cho em ở lại. Nhưng sao về gấp thế anh?”. Anh Mười Khôi rất vui, nói: “Ở lại thì ngay ngày mai lên đường, vì phải theo chuyến thuyền mình từ Quảng Nam vào, nay quay ra, nếu chậm sẽ bị gió chướng. Mình đã xin được ít súng, cậu sang nhận, kể cả mỳ chính, chè, thuốc lá... của miền Bắc gửi cho Khu ủy 5”.
Hôm ấy, trời đang chuyển gió mùa đông bắc. Dự trù, nếu không gặp gió mùa, thuyền thả buồm chạy một đêm một ngày là có thể đến nơi. Cơm nước xong, chiều xuống nhanh, như sắp tối, tôi theo anh Mười Khôi ra phía biển, đi dưới rừng dừa bạt ngàn của Tam Quang, đến cửa biển Cửu Lợi thì thấy một chiếc thuyền đánh cá đang đợi bên mép nước, sóng đánh nhấp nhô. Đây là chiếc thuyền đưa anh Mười Khôi từ Thuận Tình, Cẩm Thanh, Hội An vào mấy hôm rồi, giả làm thuyền đánh cá, có ba ngư dân người Hội An. Vừa bước xuống thuyền thì trời tối mịt, gió thổi mạnh dần và lạnh. Thuyền bắt đầu căng buồm rẽ sóng ra khơi, anh em lấy kẹo dừa và bánh tráng dừa ra ăn, nghe anh Mười Khôi nói chuyện. Thuyền về đến hải phận Quảng Nam, anh Mười Khôi dặn lái thuyền đề phòng hải thuyền. Anh em liền tấp thuyền vào mé núi đá Cù Lao Chàm, rúc vào hóc núi đá ngồi nghỉ và nắm tình hình. Đợi đến tối mới lọt qua Cửa Đại vào vùng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh, gặp Năm Ừ, phụ trách trạm giao liên, đưa về cơ quan của Tỉnh ủy cánh Nam. Anh Mười Khôi nói với tôi: “Cậu ở lại đây với anh Trân, tức là anh Nguyễn Văn Trân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách cánh bắc, sẽ cùng anh Bắc, tức là Trần Bắc, còn có tên Trần Hưng Thừa, phân công nhau phụ trách Văn phòng phân ban Tỉnh ủy. Bây giờ cậu tự đặt cho mình một cái bí danh”. Tôi suy nghĩ một lúc, bảo chưa biết lấy tên gì, thì anh Mười Khôi nói: “Anh là Quyết - Mười Quyết, vậy cậu là Đấu. Từ hôm nay, anh em mình Quyết - Đấu đến cùng!”.
Chia tay anh Mười Khôi trong đêm, tôi theo Năm Ừ đến chỗ ở của anh Trần Bắc. Hai anh em cùng sống trong một căn nhà tranh nhỏ, có một cái hầm bí mật được xây dưới đống gạch vụn của nhà bác Chánh Quy ở Thanh Tam. Sau hai tháng cùng làm việc bên nhau, anh Trần Bắc chia tay tôi về Văn phòng Thường vụ Tỉnh ủy, tôi chuyển sang một căn nhà khác ở cuối xóm Thanh Tam. Lúc bấy giờ anh Ngô Xuân Hạ phụ trách đường dây ở phía nam, trú trong nhà bà Bốn ở Thuận Tình, thường gọi là cồn Bà Bốn. Bấy giờ anh Bảy Tân đưa Đặng Việt về giúp một tay với tôi lo công việc văn phòng. Đặng Việt phụ trách giao liên nội bộ cơ quan Phân ban Tỉnh ủy nối về Thường vụ Tỉnh ủy trú ở xóm Lương Bằng, gần đầu cầu Phước Trạch. Đặng Việt là anh em chú bác với Đặng Tiên. Sau này, Đặng Việt làm thư ký cho anh Mười Khôi. Một trận vấp mìn, anh Mười Khôi bị gãy một chân còn Đặng Việt hy sinh.
…Trong hồi ký của mình, ông Ngô Xuân Hạ ghi: “Lúc đó tôi vừa phụ trách giao thông liên lạc vừa là ủy viên Ban căn cứ giao thông của Tỉnh ủy. Chỗ đứng chủ yếu của tôi là thôn 1, Thuận Tình, xã Cẩm Thanh, để triển khai tổ chức giao liên, đưa người, tài liệu và thông tin trên các sông đến trạm Bà Rén, Trà Đình huyện Quế Sơn, trạm Lò Rèn ở Bình Dương huyện Thăng Bình, trạm Cửa Lở ở Tam Kỳ. Ở Thuận Tình tôi có một tổ giao liên chủ lực do anh Hiến phụ trách và các chị Tại, chị Lộ, chị Giỏi. Gia đình cha con ông Trĩ và gia đình ông Siêng đã tận tình nuôi giấu tôi...”.
Kể từ ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, nay đã tròn 60 năm. Trong buổi gặp mặt, xã Cẩm Thanh có đại diện của 34 gia đình, còn ở xóm Chiêu phường Cẩm Châu có 22 gia đình. Cuộc gặp để các vị thăm và tặng quà (do Thành ủy Đà Nẵng tài trợ) diễn ra trong thời gian ngắn, vì vậy tôi chú ý hỏi thăm ai là đại diện cho ông Năm Ừ, bà Bốn, ông Chánh Quy… Những người đại diện được mời đến dự cuộc gặp mặt là con, là cháu, nên hầu như không ai biết ngày ấy ông, cha mình đã làm gì cho Tỉnh ủy, Thị ủy. Chỉ biết là gia đình mình từng có công với cách mạng. Vâng. Công với cách mạng thì làm sao đong đếm. Khi liều mình giúp ích cho cách mạng không ai nghĩ sẽ được trả công. Ngày ấy, địch vây ráp bốn bề, hăm he, hù dọa, bắt cóc, bỏ tù… vậy mà bà con dám nuôi giấu cán bộ nằm vùng trong nhà thì cái công này quý lắm, đáng trân trọng, phải nhớ ơn và không được quên!
Có thể, sẽ không còn ai nhớ nữa. Nhưng, những ai nhân danh là cán bộ của Đảng thì phải luôn tỏ lòng biết ơn những người có công với Đảng, với cách mạng.
HỒ DUY LỆ