Rồi mai đất có trở mình...

TRUNG VIỆT 30/09/2022 08:20

Tôi gặp lại ông Hồ Văn Điều - nguyên Trưởng ban Dân tộc miền núi Quảng Nam, sức khỏe không còn như xưa nhưng những trăn trở với đất và người vùng cao vẫn ắp đầy trong tâm trí ấy…

Ông Hồ Văn Điều.
Ông Hồ Văn Điều.

Ông thả cây gậy xuống, nheo mắt nhìn, tôi nhắc mà ông không nhớ, hồi đó, năm 1999, tôi có đi nhờ xe ông một chuyến lên Tây Giang. “Ừ, lâu rồi”. Còn tôi ngó ông, thời gian không buông tha ai hết, còn đâu bước chân thẳng băng chắc nịch lội rừng, mà giờ thì dẫu ông vẫn đi được nhưng căn bệnh tai biến đã trì kéo. Chỉ có giọng ông vang, trong, tiếng cười sang sảng không lẫn vào đâu được. Người xưa nói chẳng sai, là nghe tiếng nói, biết người…

1. Bây giờ, ngó đâu cũng thấy tai biến mạch máu não, thứ bịnh mà người ta chua chát kết luận là sát thủ vô hình.

“Ừ, sáng dậy, đứng xé tờ lịch, rứa là bị, may cấp cứu được - ông nói - do tôi bị đau tim trước đó, đã đặt 1 stent. Sáng đi làm keo, nắng quá, bị nhồi máu, ngã ngay trên rẫy, cũng may là tôi đã thủ sẵn thuốc tự cấp cứu, xịt vào họng. Bà con đi rẫy thấy được, họ cõng về. Đó là năm 2011, bão lớn làm ngã keo hết, mình phải đi dọn dẹp, đỡ chống nó dậy… Đợt 2 bị nhồi máu não”.

Ông đẩy ly nước về phía tôi, bỗng cười hè hè: “Bây giờ đặt 5 cái stent rồi, hết chỗ chen rồi đó”. “Bác dễ chi, phải 10 năm nữa”. “Có thể - ông cười to - bữa xuống Đà Nẵng, bác sĩ nói ông chưa chi mô, phải 10 năm nữa. Chẳng biết nữa, trước đây nghe nói tim hẹp, nay lại hở…”.

Nghe ông nói, tôi nhớ ông Lương Văn Hận - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Cũng nói năng như lão nông tri điền, cũng đánh vật với bệnh tật, cũng khề khà dễ chịu, giản đơn, cũng ngụp lặn dưới bùn đất ở Tam Giang (Núi Thành) nuôi tôm khi từ giã quan trường, chẳng nhà lầu xe hơi xênh xang như bao người.

“Ừ, ông Hận, ừ, chuyện ông Hận nuôi tôm tôi cũng biết - ông Điều cười hà hà - tôi về, lúc đó gia đình khó khăn quá nên tôi làm 4 - 5 tấm rẫy chi đó. Mượn rẫy trồng keo.

Hồi đó keo có giá lắm, mình chưa biết kỹ thuật mà cứ làm liều. Mưa tầm tã mà vẫn đi trồng, keo chết hết. Đúng là mình dốt. Hướng dẫn bà con làm giàu mà mình giàu không nổi…”. Có cảm giác chuyện tự giễu mình của ông như người vừa uống xong chén rượu, tự trào mà không hề cay đắng, bởi biết mình chừng đó, vậy đó.

Về hưu năm 2002, giờ vẫn trú ngụ trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng ở thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) một thuở đầy gỗ và vàng, thì đó đúng là ông Hồ Văn Điều - nguyên Trưởng ban Dân tộc miền núi Quảng Nam, chứ không ai khác.

“Bữa đầu tiên khi về hưu, bác nghĩ chi ?”. “Có nghĩ chi dài dòng, chỉ biết chừ mình về lo gia đình, con cháu, vợ chồng vui vẻ trong nhà thôi”. “Không mang cái chi về à?”. “Chỉ có sổ hưu với cái xác mình chứ chi” - ông cười lớn.

“Lương hưu bác bao nhiêu?”. “10 triệu, mang về lương hưu là phấn khởi rồi. Sống rứa là được. Làm giàu phải có sức có đầu. Mình có lương thì lễ, cưới, tết, giỗ là có đồng bạc để đi, không lẽ đi tay không?”. Của hiếm, thì càng ngày càng hiếm…

Một góc thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn. Ảnh: T.V
Một góc thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn. Ảnh: T.V

2. Với ông Điều, xã hội bây giờ khác trước nhiều, dân tình nhận thức cao hơn, đời sống khá hơn, con nít học hành nhiều hơn, đó là cái mừng lớn nhất, phải học mới nâng cao nhận thức, bỏ dần hủ tục lạc hậu.

Khi tôi đánh bạo hỏi ông về mặt bằng kinh tế đời sống thông qua tay… cầm cương của chính quyển, thì ông trầm ngâm: “Làm kinh tế trong dân không tốt, chưa bền vững, chưa có tích lũy. Thị trấn ngó vậy chứ cũng quẩn quanh.

Lo nhất vẫn là văn hóa khi tiếng nói đã bị pha loãng, tiếng dân tộc mất rồi, dân gặp nhau vẫn nói tiếng phổ thông. Trung ương, tỉnh, nói đầu tư văn hóa nhưng chưa đưa chữ viết vào trường học, chỉ mới dạy cho công chức, mà muốn nói thì phải dạy chữ. Áo quần thì lễ hội mới mặc để quay phim chụp ảnh…”.

Mọi thứ đã khác rồi. Nỗi lo lắng của một già làng từng trải và uy tín như ông, nó có từ máu thịt một đời lặn lội với từng nếp nhà ở miền núi Quảng Nam. Cái gì cũng có nguyên do của nó.

“Ừ, dân vận hả, cán bộ bây giờ ít gần dân. Thời buổi đã khác, xe ô tô chạy xuống tận xã, nhưng phải xuống xe để ăn, ở với dân, người dân tộc ít nói lắm, phải uống rượu thức đêm với họ, họ mới cho mình biết họ cần chi.

Văn bản giấy tờ, có vô lỗ tai dân không? Lâu lâu tiếp xúc cử tri, có kiện cáo thì đối thoại, chẳng giải quyết được chi. Thời nào cũng thế, nói cho dân hiểu, hành động cho dân làm theo, đó là điều cần ở cán bộ”. Ông nói một mạch. Bài học không mới nhưng chưa bao giờ cũ.

Biết làm sao được, chuyện của những ai là cán bộ, nhất là cán bộ có liên quan đến miền núi, đến không gian sống đặc thù của những tộc người vùng cao, mà bao năm rồi mọi thứ cứ nổi nênh.

“Tôi lo nhất là tham nhũng, chừ mình ít ra ngoài, hạn chế thông tin, chỉ biết dặn con cháu làm nhà nước, chớ có tham nhũng cây kim sợi chỉ của dân, của tập thể. Cấp trên hãy sát dân hơn, tin tưởng lớp trẻ, sử dụng người tài giỏi, làm sao Phước Sơn và cả miền Tây của tỉnh phải bứt lên, hãy không ngừng nghĩ để không giậm chân tại chỗ, chứ không lẽ ca mãi bài huyện nghèo?”. Giọng ông trĩu nặng.

Một đời đi làm cán bộ, nay đã 80 tuổi rồi, ám ảnh nghèo khổ chưa dứt ở ông, có lẽ đây là điều dày vò nhất ở một người tâm huyết đặt ở việc công. Tôi hỏi ngược: “Theo bác, làm chi thoát nghèo được?”. “Tôi nghĩ miết, cũng không ra. Huyện thử nghiệm đủ thứ, cuối cùng cũng không được. Làm chi mà không có nhà máy thu mua, vận chuyển, là thua…”.

“Bác ưng ở nhà sàn không?”. “Già rồi, ưng cũng chịu, tai biến, ở chi được. Năm 1965, 1966, tôi là người phát động bà con vùng Phước Năng, Phước Chánh, Phước Thành bỏ nhà sàn đó”.

Tiếng cười của ông làm tôi sững sờ. Ông già người dân tộc này, từ thuở lâu lắc đã suy nghĩ khác, làm ngược, là sao, bởi tôi vẫn nghĩ người miền núi mà không nhà sàn, thì còn cái chi khác biệt chứ?

“Bỏ, vì nó dễ trúng bom đạn, lúc đó trốn hầm không có thì chỉ có chết. Làm nhà trệt, đào hầm luôn. Nhà sàn mình lại thấp, dưới gầm sàn nhớp nhúa, heo gà ở, mất vệ sinh, không dọn dẹp được. Ở nhà đất, lót gạch sạch sẽ, không sướng hơn sao… Bảo tồn nhà sàn thì làm cái nhà mẫu là được rồi.

Chừ dân không được khai thác gỗ làm nhà. Ở nhà lợp tole thì nóng, làm nhà bê tông thì không có tiền. Sống phải có nhà. Ở rừng mà cấm lấy gỗ là khó, mà lấy thì ở tù. Tôi về hưu, ngồi ghế hội thẩm nhân dân ở tòa án huyện 7 năm, xử nhiều vụ như thế, thấy thương dân lắm, nhưng luật, đành chịu. Dân chỉ làm nhà ở chứ có bán buôn chi đâu, không cho người ta làm, trong khi họ không tiền, tội quá…”.

Giọng ông buồn tênh. Bất giác tôi như hiểu ra, đằng sau nụ cười hào sảng cố hữu của cụ già như cây chò cổ một thuở, là tâm tư trĩu nặng mà biết đến bao giờ mới giải tỏa được…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rồi mai đất có trở mình...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO