Rồi mai thức giấc

Ghi chép của THÀNH CÔNG 31/12/2018 07:02

Đã có nhiều năm tháng dài chơ vơ như một “bán đảo” lặng lẽ bên bờ sông Thu, người dân Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) hẳn chưa quên bao nhọc nhằn vất vả của một thời khoai sắn. Nhưng rồi, như chạm vào một giấc mơ khác, họ bước ra khỏi bữa cơm của khó nghèo, chọn lấy cho mình nhịp sống phố thị, ngay trên quê hương.

“Cơ cực của Duy Nghĩa ngày trước, không biết dùng câu chữ nào cho đủ để mà kể” - ông Nguyễn Tấn Phúc, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa sau giải phóng. Ảnh: THÀNH CÔNG
“Cơ cực của Duy Nghĩa ngày trước, không biết dùng câu chữ nào cho đủ để mà kể” - ông Nguyễn Tấn Phúc, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa sau giải phóng. Ảnh: THÀNH CÔNG

Những ngày cuối năm. Gió thổi ràn rạt từ phía sông Thu Bồn. Không im ắng trên lối về chợ Nồi Rang như tôi đã từng đi qua chừng 5 năm trước, ngay ngả rẽ từ chân cầu Cửa Đại lên trung tâm xã Duy Nghĩa đã thấy rộn ràng những bán mua từ dãy hàng quán ken kín. Sự ồn ào ở nơi này như một âm hưởng thú vị của vùng đông, gợi nhắc về ngày khánh thành cầu Cửa Đại. Tôi nhớ, hàng nghìn người dân của hai xã đổ kín trên cầu. Trong đám đông, có không ít ông già bà cả đứng nhìn về phía mái nhà của mình mà rơi nước mắt. Họ “thoát” rồi, cảnh lụy đò ngồi trông về phố Hội ngưỡng vọng thèm thuồng cái sự nhộn nhịp của phố. Hôm nay, đã là một ngày rất khác.

Ngày cũ…

“Cơ cực của Duy Nghĩa ngày trước, không biết dùng câu chữ nào cho đủ để mà kể” - ông Nguyễn Tấn Phúc mở đầu câu chuyện với tôi trong căn nhà ở thôn Hội Sơn, nằm gần chợ Nồi Rang. Ông Phúc nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa những ngày sau giải phóng, từng hoạt động cách mạng trên quê hương từ trong kháng chiến. Lịch sử cách mạng của vùng đất ghi dấu từ ngày 15.2.1941, khi chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, hoạt động đơn tuyến giữa vùng cát. Đi qua hai cuộc kháng chiến, là trường kỳ đấu tranh, trường kỳ khói lửa. Ngọn lửa cách mạng khi thì bùng cháy thành những cuộc tranh đấu, khởi nghĩa, khi thì âm ỉ ngay giữa ác liệt của cuộc chiến, của bao trận càn. “Có thời điểm, địch càn dữ, nhà dân Duy Nghĩa thành giường bệnh, cả xã là bệnh viện. Hạt lúa mọc lên giữa làn đạn, nhưng tất thảy bà con đều dành cho bộ đội, cho du kích. Nồi cơm được mấy hạt gạo đâu, mà vén qua bên, dân ăn khoai, nhường cơm cho thương binh, bộ đội” - ông Phúc kể, rồi ngâm: “Khen cho Duy Nghĩa cũng tài/ Nấu “sét” bát gạo nồi hai cũng đầy”.

Đường sá được mở rộng, giao thông thuận lợi giúp đổi thay bộ mặt của xã Duy Nghĩa. Ảnh: THÀNH CÔNG
Đường sá được mở rộng, giao thông thuận lợi giúp đổi thay bộ mặt của xã Duy Nghĩa. Ảnh: THÀNH CÔNG

Tuổi hơn sáu mươi, dù đuôi mắt đã chi chít dấu chân chim của năm tháng và cơ cực, ông Phúc vẫn rắn rỏi như cây phi lao, còn trí nhớ thì thuộc diện siêu phàm. Ông nhớ tới từng chuyến nửa đêm chèo đò đưa bộ đội qua sông đánh vào Hội An, hay đợt quần nhau 21 ngày đêm năm 1972 với giặc càn, ác liệt đến nỗi đứng từ cồn cát ngó thấu ra biển, tầm mắt không đụng một bóng cây ngọn cỏ nào. Dân Duy Nghĩa đóng bè chuối, bè tre đưa bộ đội sang sông, bao lần trở đi trở về trụ bám, giữ đất giữ làng làm cơ sở cách mạng. Sau giải phóng, từ nơi sơ tán, quày quả nhau về làng cũ với tài sản duy nhất là… đôi quang gánh, khá hơn chút thì có được vài ba tấm tôn tháo dỡ trong khu dồn. Năm ông Phúc còn làm bí thư xã, bà con dựng nhà, phải lội xuống đốn lá dừa lợp, rồi đánh cỏ cụm làm vách. Không biết bao nhiêu người đã chết, hoặc mất đi một phần thân thể, vì làm đồng dính phải mìn. Bà con đắp một con đập từ dọc An Lương lên tới Tây Thành, dài hơn chục cây số để ngăn mặn, rồi cũng chừng đó con người, đào từng cái ao để lấy nước tưới cho từng mảnh vườn, đám ruộng. “Đất cát, bàn chân bước tới cứ trụt về phía sau, một bước chân chỉ còn được nửa. Dân Duy Nghĩa bơi ghe lên tới Duy Thành, Cẩm Thanh, chở từng ghe đất về đắp đường. Lãnh đạo tỉnh về thăm xã, khen Duy Nghĩa điều dân như điều quân, kêu đâu là có đó. Vô hợp tác xã, đất nghèo là rứa, bạc màu là rứa mà năm nào cũng hoàn thành nghĩa vụ lương thực. Bà con góp công, chứ thời đó bữa ăn còn độn đầy khoai sắn, tay lấm cát mà ngồi ăn giữa đồng, vì lý tưởng chung, vì cách mạng” - ông Phúc nói. Hình như thời đó, trước cơ cực, sức người là vô hạn…

Bước ra phố thị

“Phải ở đây, mới thấy hết ý nghĩa của những cây cầu. Không chỉ là việc đi lại thôi đâu, cây cầu là biểu tượng của kết nối. Duy Nghĩa hết phận mồ côi”.

Tâm tư của một thời xa vắng như được dịp trở lại trong câu chuyện của tôi với những người Duy Nghĩa. Anh bạn đồng nghiệp nhà ở ngay đất này, thuở còn học phổ thông, mỗi cuối tuần là đạp xe rạc cẳng về quê chở củi chở khoai đi trọ học. Hoặc là Nam Phước, hoặc là Hội An, học hết 3 năm cấp ba chân cẳng không khác gì vận động viên điền kinh chuyên nghiệp. Cha mẹ thì khỏi nói, nuôi một đứa học phổ thông mà bằng chỗ khác nuôi con đại học. Rồi đò ngang, đò dọc. Trời nắng thì không sao, đụng bữa sông nước giận dỗi, bão gió, lật thuyền như chơi. Sông Trường Giang, sông Thu Bồn, cả những nổng cát cháy mênh mông phía biển như vây lấy, trói chặt phận số của người dân nơi đây vào một định mệnh chung là khổ, khổ từ đồng khổ về bữa cơm, giấc ngủ. Năm tháng, lưng người càng gần với đất, áo con chật, áo cha mẹ cứ rộng lần. Có một chuyện vui anh này kể, hồi phổ thông, học sinh Duy Nghĩa lên cấp ba mới được học môn Tiếng Anh, có người bạn cùng quê đứng dậy đọc từ vựng mà ngọng líu ngọng lo, bị gọi là cư dân “Duy Nghĩa City”. Không biết có phải vì tức khí không mà anh bạn đó học rồi về làm giáo viên dạy ngoại ngữ, một buổi tới trường, một buổi qua Hội An làm hướng dẫn viên không chuyên cho khách du lịch. Cầu Cửa Đại xong một cái, anh qua luôn bên kia, bỏ nghề giáo viên, chuyển hẳn sang hướng dẫn du lịch.

“Phải ở đây, mới thấy hết ý nghĩa của những cây cầu. Không chỉ là việc đi lại thôi đâu, cây cầu là biểu tượng của kết nối. Cầu Trường Giang xong năm 2011, tới cầu Cửa Đại, cộng thêm con đường ven biển 129, Duy Nghĩa hết phận mồ côi. Đổi thay là rõ rồi, mà đâu cần ngó xa, ở nhà nào cũng thấy. Xưa trời chưa sáng phải mò dậy nấu cơm, đơm ra đồng, chứ bây giờ thì ra tiệm ăn sáng, làm ly cà phê rồi tành tành qua phố” - anh bạn tôi quả quyết.

Mọi thứ chừng trở nên lấp lánh, từ những cây cầu. Anh Nguyễn Trường Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa nói chắc, rằng đất này đang có một cuộc đổi đời rất lớn, từ sự ra đời của cây cầu Cửa Đại. Khu tái định cư mọc lên, quy hoạch đúng kiểu phố xá, cộng thêm các trục giao thông khép kín phá thế cô lập cho Duy Nghĩa. Mới 3 năm thôi, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên hơn 20%, hơn 80% cư dân hoạt động phi nông nghiệp. Số làm nông cũng đã bắt đầu tập trung cho rau sạch, tìm cách nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị tiền đề cho đề án phát triển sản xuất rau an toàn và nuôi trồng thủy sản theo định hướng của địa phương.

Duy Nghĩa chờ đợi những dự án đầu tư. Nhưng trong cuộc đợi đó, họ không thụ động với thời cuộc. Bao người tìm về bên kia phố, xin vào làm trong nhà hàng, khách sạn, tìm kiếm công việc với thu nhập ổn định hơn rất nhiều so với trước. “Trước đây, trên địa bàn có một xí nghiệp may với hàng trăm lao động. Từ ngày làm cầu, họ có nhiều lựa chọn hơn với mức lương ổn định, công việc bớt vất vả đi. Duy Nghĩa nằm trong vùng động lực của tỉnh, dịch vụ vận tải, thương mại bắt đầu phát triển, tầm nhìn từ 2020 - 2030 sẽ là đô thị loại 5 cùng với xã Duy Hải. Tư duy kinh tế của người dân cũng bắt kịp rất nhanh với sự phát triển đó” - anh Năm nói.

Từ quê ra phố. Thức giấc, không còn những sắn khoai củi lửa gói sau ba-ga xe đạp của một thời nhọc nhằn đi tìm con chữ, hay lênh đênh như con thuyền nhỏ nổi trôi giữa sóng nước Cửa Đại, mà là một cuộc đời khác.

Phố thị, không chỉ còn trong giấc mơ…

Ghi chép của THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rồi mai thức giấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO