Rời núi đi may

HOÀNG LINH 05/04/2017 08:24

Bỏ lại núi rừng sau lưng, những lao động đầu tiên của huyện vùng cao Nam Trà My đã đến xưởng may. Họ rời bản làng, với nghề may công nghiệp trong tay, nắm lấy ước mơ của chính bản thân.

Quyết tâm rời núi

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH MTV Moon Chang Vina (KCN Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) dành hẳn một chuyền may thử cho những lao động được đào tạo nghề theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh đến từ huyện Nam Trà My. Bỏ lại núi rừng sau lưng, chị Hồ Thị Phai ở xã Trà Dơn, quyết tâm đi học nghề may theo lời vận động của Hội LHPN xã. Ban đầu, chị Phai còn lo sợ đi học không được, học nghề rồi không dám bỏ núi rừng đi xuống đồng bằng để làm việc. Chi hội phụ nữ thôn đến tận nhà vận động, chị Phai chưa quyết đi học liền, mà cầm tờ đơn xin học nghề để đó suy nghĩ lại. Được gia đình ủng hộ, chị Phai điền vào đơn xin học nghề, và cam kết đi học sẽ đi làm. Chị Phai nói: “Có nghề nghiệp, có việc làm thực sự là ước mơ của mình. Nhưng trong mình vẫn còn nỗi sợ xa nhà, xa thôn bản nên mới do dự. Lúc mới học nghề may công nghiệp, mình cũng lúng túng lắm! Được thầy cô chỉ bày cách xỏ chỉ vào kim, cách cắt vải, cách đạp máy may, mình mới biết đạp được những đường chỉ đầu tiên thôi. Học trên huyện được 2 tháng, mình được cho xuống công ty, vô xưởng may để làm quen với máy móc, và được mấy anh chị kỹ thuật bày thêm nên giờ mới biết may”.

Chị Hồ Thị Thể cùng những lao động khác của huyện Nam Trà My đang làm việc trong chuyền may. Ảnh: D.L
Chị Hồ Thị Thể cùng những lao động khác của huyện Nam Trà My đang làm việc trong chuyền may. Ảnh: D.L

Không dễ dàng quyết định đi học nghề may như chị Phai, vì bản thân đã có chồng và con nhỏ mới 2 tuổi, chị Hồ Thị Thể cũng ở xã Trà Dơn phải đấu tranh tư tưởng lắm mới dám quyết định đi học nghề may. Bởi như chị Thể tâm sự, học xong phải đi làm ở xa, không được ở nhà để lo cho con là thử thách lớn nhất đối với chị. “Rời xa núi rừng thì có thể được, nhưng xa con thì nhớ lắm! Mình xuống đây được hơn 2 tuần rồi, chưa về thăm con được, nhớ lắm! Nhưng mình đã quyết tâm đi học, đi làm, mình sẽ cố gắng chịu đựng để có nghề ổn định, có thu nhập về nuôi con. Ở quê, đi làm vừa cực khổ vừa bấp bênh, không có đủ tiền để nuôi con”. Cho đến tận lúc này, khi trò chuyện cùng chị Thể ở xưởng may, chị rưng rưng nước mắt vì nhớ con, nhớ nhà, nhớ núi. Chị Thể mong sau này khi công việc ổn định, công ty hỗ trợ thêm cho công nhân về chế độ giữ trẻ hoặc bố trí được nhà giữ trẻ, chị sẽ tính đến chuyện đón con xuống, cho con đi trẻ, còn chị đi làm, tối về ở cùng con. Cùng với 34 lao động khác của huyện Nam Trà My đến xưởng may lần này, họ đều có chung một ý chí quyết tâm đi học, đi làm, với ước mong có việc làm ổn định, có thu nhập để lo cho con cái, gia đình.

Sự hỗ trợ từ công ty

Lúc đầu vào xưởng may, chị Thể bị choáng ngợp bởi không khí làm việc rất nghiêm túc, có tính kỷ luật cao. Chị Thể, chị Phai cũng như 34 lao động khác của Nam Trà My đều rất lo lắng, sợ sẽ không may được. Vào chuyền may phải làm việc ngày 8 tiếng, đến cả những người quản lý của Công ty Moon Chang Vina cũng lo lắng, sợ người lao động ngồi ở máy may sẽ không quen. Nhưng được sự động viên từ những người có trách nhiệm của huyện Nam Trà My, và có sự hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm từ những kỹ thuật viên của Công ty Moon Chang Vina, những lao động đầu tiên ở Nam Trà My được đào tạo theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh đã dần quen hơn với máy may và thời gian làm việc mới. Đã hơn 2 tuần trôi qua kể từ ngày lao động đến xưởng may học việc, tập sự, không một lao động nào bỏ về là điều mà ai cũng mừng nhất.

Khi lao động Nam Trà My mới đến công ty, phía lãnh đạo Công ty Moon Chang Vina đã thuê nhà trọ giúp cho lao động ở, cách công ty khoảng 1km để người lao động có thể đi bộ về được. Công ty cũng liên hệ với đơn vị cung cấp suất cơm công nghiệp cho công ty vào buổi tối và mang đến cho người lao động tận phòng trọ trong thời gian đầu, khi họ chưa quen với đường sá đi lại. Phía công ty đã trực tiếp hỗ trợ riêng cho những lao động miền núi thêm 250 nghìn đồng/người tiền thuê nhà trọ, cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, họ có đủ tiền để ở trọ, ăn uống trong thời gian còn tập sự. Ông Hồ Ngọc Hậu - Quản đốc xưởng may của Công ty Moon Chang Vina thông tin, khi lao động mới đến xưởng, đơn vị bố trí cho lao động vào một chuyền may tập sự riêng nhưng vẫn nằm trong xưởng may chung. Các kỹ thuật viên của công ty hướng dẫn người lao động làm quen với máy móc hiện đại hơn ở công ty, giới thiệu về công nghệ may trên dây chuyền đang được sử dụng, và những chế độ đãi ngộ, chế độ thưởng và kỷ luật tại công ty.

Lúc đầu người lao động còn bỡ ngỡ, nhưng được hướng dẫn nên dần làm quen, đến nay đã có một số người được bố trí vào làm việc trong xưởng may thành phẩm. Ông Hậu cho biết: “Khi lao động đã ổn định, chúng tôi tiến hành cho kiểm tra tay nghề lần đầu. Với lớp ở Nam Trà My có 36 người, lúc đầu kiểm tra có khoảng 40% đạt yêu cầu tay nghề, vì thế chúng tôi cho vào xưởng may nhận hàng làm. 60% còn lại, chúng tôi tiếp tục đào tạo, sau 1 tuần kiểm tra lần hai đều đạt chất lượng. Chúng tôi nhận thấy lao động rất siêng năng làm việc, đã được vào chuyền làm nên sản phẩm họ rất cố gắng để theo kịp những lao động khác, không để công việc chung của chuyền bị ảnh hưởng. Mức lương của người lao động được xếp theo trình độ tay nghề, nhưng mức thấp nhất không thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng”.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rời núi đi may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO