Những lao động đầu tiên của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Giang đã tiếp cận được doanh nghiệp với nghề may. Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, chủ doanh nghiệp đã tiếp thêm sức mạnh, giúp họ ổn định tư tưởng để làm việc lâu dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thăm hỏi, động viên những lao động đầu tiên của Nam Giang đến làm việc tại doanh nghiệp sau khi học nghề.Ảnh: D.L |
Nhanh chóng bắt nhịp
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) vừa có thêm một số gương mặt mới ở chuyền sản xuất. Họ là những lao động của huyện Nam Giang đã hoàn thành khóa học nghề may công nghiệp theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh và vượt qua đợt kiểm tra tay nghề sau 10 ngày tập sự tại doanh nghiệp. Trong thời gian tập sự ở xưởng sản xuất, 34 lao động Nam Giang lần đầu tiên rời núi làm công nhân được Công ty Minh Hoàng 2 sắp xếp làm việc chung một chuyền. Tại đó, lao động được các kỹ thuật viên của công ty hướng dẫn làm quen với hệ thống máy móc, cách luồn kim xỏ chỉ, vận hành máy may công nghiệp. Điều đáng mừng, sau thời gian tập sự, cả 34 lao động đã vượt qua kỳ kiểm tra tay nghề và được rải đều đến các chuyền may, mà theo đại diện doanh nghiệp, làm như thế nhằm giúp họ hòa nhập với lao động khác ở công ty, học hỏi tác phong làm việc từ những người cùng chuyền may.
Vừa dứt đường may, chị A Hó Riếu (SN 1982, ở thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) cho hay, chị đến công ty tập sự và chính thức làm việc đã được 1 tháng, đang dần quen với nếp sống mới, môi trường làm việc mới. “Mình xuống đây làm, lúc đầu cũng không quen lắm, vì đi làm phải đúng giờ, ngồi suốt nên đau lưng. Dần dần quen, giờ thấy đỡ hơn rồi. Cả tháng nay mình chưa về nhà, nhớ con nhưng vì công việc nên phải cố gắng. Trước khi quyết định đi học nghề may, chồng mình đã khẳng định sẽ lo cho con được, mà mình thấy chồng lo được thiệt, nên giờ đi làm cũng yên tâm” - chị Riếu tâm sự. Cũng như chị Riếu, chị Blúp Thị Yến (SN 1989, xã Tà Pơơ, Nam Giang) cũng đã có chồng con. Dù con còn nhỏ, nhưng vì tương lai của con, không muốn con sau này cũng phải đi làm rẫy cực khổ như bố mẹ, nên chị Yến cùng chồng xác định phải đi học nghề, đi làm có thu nhập lo cho con. Chị Yến chia sẻ: “Lúc mới định đi học nghề may, ai cũng can ngăn, nói đi rồi ai nấu cơm cho con ăn, ai đưa con đi học, ai giữ con tốt hơn mẹ. Mình cũng lo lắm, sợ đủ thứ hết. Nhưng chồng khuyên, nói việc lo cho con có chồng, còn việc của mình là đi học, đi làm để có tiền lo cho con. Sau này công việc ổn định, công ty hỗ trợ thêm, chắc mình sẽ đưa con xuống dưới này, xin cho con đi học để con được ở gần mẹ”. Chị Yến nói thêm rằng, trước khi quyết định đăng ký học nghề, chị cũng rất lo lắng, không biết có học, có làm được không. Nhưng được nhà trường tư vấn và đưa tới doanh nghiệp tham quan tìm hiểu trước khi học nghề, rồi khi học tập trung ở trường, được rèn luyện làm quen với giờ giấc, tác phong lao động nên xuống công ty dù có bỡ ngỡ nhưng không đến nỗi quá xa lạ. Vì thế, Yến cũng như các lao động khác, dù lần đầu tiên rời núi làm công nhân nhưng nhanh chóng làm quen với nếp sống mới, công việc mới. Và quan trọng là công việc nhẹ nhàng hơn so với đi làm rẫy, nguồn thu nhập ổn định và cao hơn.
Đầy đủ quyền lợi
Thời gian qua, “luồng gió” mới từ Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, được cụ thể hóa bằng Quyết định 3577 của UBND tỉnh, đang len lỏi khắp thôn bản ở các huyện miền núi. Là địa phương đầu tiên mạnh dạn ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động học nghề may công nghiệp theo địa chỉ, Quảng Nam đã dành sự quan tâm, ưu ái cho lao động, nhất là khu vực miền núi. Dù tuyển sinh học nghề rất khó khăn, nhưng các địa phương đều đặt quyết tâm thực hiện, nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương. Những khóa đào tạo đầu tiên được xem là thực hiện “điểm”, sau đó sẽ dùng chính những lao động đã học nghề và đi làm có thu nhập về lại địa phương để tuyên truyền, vận động lao động đi học nghề.
Trong đợt bàn giao 74 lao động của huyện miền núi Nam Giang cho các Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton (Quế Sơn), TNHH May Minh Hoàng 2 (Điện Bàn), TNHH Max Planning Vina (Đà Nẵng), Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã đến tận xưởng sản xuất để động viên người lao động. Tại Công ty TNHH Minh Hoàng 2, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã tận tình thăm hỏi tình hình ăn ở, làm việc của lao động miền núi. Đồng thời bày tỏ tin tưởng nhóm lao động đầu tiên học nghề theo Quyết định 3577 sẽ vượt qua khó khăn, ở lại làm việc để có thu nhập ổn định đời sống gia đình, sau này góp phần làm đổi thay nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đi học nghề, làm việc tại các doanh nghiệp. Trao đổi với các chủ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn doanh nghiệp bằng những việc làm cụ thể, cùng chung tay trong công cuộc đổi thay nhận thức của người dân ở khu vực miền núi về học nghề, đi làm việc ở công ty, xí nghiệp. Sự quan tâm của doanh nghiệp còn ở việc chăm lo đầy đủ chế độ phúc lợi xã hội dành cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, và quan trọng là gần gũi, thăm hỏi, động viên tinh thần cho lao động để họ cảm thấy không bị phân biệt đối xử, yên tâm làm việc, không bỏ về giữa chừng.
Nói về chính sách của doanh nghiệp, bà Lê Thị Bé - Giám đốc Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 cho biết, ngoài các khoản hỗ trợ cho người lao động theo Quyết định 3577, công ty còn hỗ trợ thêm cho mỗi lao động đến thực tập mỗi ngày 3 bữa ăn, 150 nghìn đồng tiền trọ và đi lại. Lãnh đạo công ty còn dành thời gian đến khu nhà trọ lao động đang ở để động viên, quan tâm thăm hỏi điều kiện sinh hoạt, những khó khăn vướng mắc đang gặp phải để có cách giải quyết, giúp đỡ phù hợp. “Số lao động ở Nam Giang mà công ty tiếp nhận đã làm quen nhanh với môi trường sống mới; khi vào chuyền sản xuất cũng đã làm việc như các lao động khác. Chúng tôi cũng đã quán triệt đến nhân viên công ty không được phân biệt đối xử giữa lao động miền núi vừa tiếp nhận với các lao động khác. Mọi chế độ cho lao động, chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ, đúng quy định” - bà Lê Thị Bé nói.
DIỄM LỆ