Rối rắm hồ sơ đất đai vùng đông - Bài 1: Chất chồng hồ sơ

TRẦN HỮU 25/05/2020 09:17

Từ khi các dự án động lực bắt đầu triển khai, hầu hết địa phương vùng đông đều gặp rào cản từ công tác bồi thường (BT), giải phóng mặt bằng (GPMB). Không ít dự án bị trì trệ, chậm tiến độ vì không có quỹ đất sạch. Thế nhưng, các cấp chính quyền và ngành chức năng rất lúng túng khi thu hồi đất bởi nhiều nơi thất lạc hồ sơ, giấy tờ, rắc rối xác định nguồn gốc sử dụng đất. Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai vùng đông đã triển khai và nhiều bất cập về quy hoạch, quản lý hiện trạng, sử dụng đất cũng lộ rõ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiểm tra thực địa hiện trạng đất ở xã Tam Tiến (Núi Thành) hồi cuối năm ngoái.Ảnh: T.H
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiểm tra thực địa hiện trạng đất ở xã Tam Tiến (Núi Thành) hồi cuối năm ngoái.Ảnh: T.H

BÀI 1: CHẤT CHỒNG HỒ SƠ

Hơn 3 năm trước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương sớm hoàn tất đo đạc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) từ dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu vùng đông. Tuy vậy, khối lượng giải quyết hồ sơ đất đai vẫn chưa đảm bảo tiến độ và chỉ tiêu đề ra.

“Treo” bìa đỏ

Năm 2016, để siết chặt quản lý hiện trạng vùng đông, nhiều địa phương được chọn thực hiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. Tại các xã Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng và phường An Phú (Tam Kỳ), người dân đồng loạt kê khai, đăng ký đo đạc để cấp mới bìa đỏ, hoặc chỉnh lý giấy tờ cũ cho phù hợp với những biến động. Thế nhưng, hơn 10 năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống ở làng tái định cư (TĐC) trên địa bàn xã Tam Phú vẫn mỏi mòn chờ bìa đỏ. Tại xã này, hơn 15 năm trước, Chi cục Định canh định cư (thuộc Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư các dự án TĐC. Ra vùng đất mới an cư có nhiều hộ thuộc diện hưởng lợi dự án TĐC (đối tượng trong vùng sạt lở sông), các cá nhân mua bán, chuyển nhượng lại đất rồi xây dựng nhà ở ổn định.

Nhiều địa phương vùng đông được hỗ trợ dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.Ảnh: T.H
Nhiều địa phương vùng đông được hỗ trợ dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.Ảnh: T.H

Dù thuộc trường hợp nào, tất cả hộ dân TĐC tại thôn Phú Bình, Phú Đông (xã Tam Phú) thời điểm này, vẫn chưa được cấp bìa đỏ. Lãnh đạo chính quyền TP.Tam Kỳ nhiều lần chỉ đạo gấp rút giải quyết thủ tục cấp đất cho người dân TĐC, song cuối cùng hồ sơ của họ vẫn bị từ chối. Trước đây, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đầu tư dự án nhưng “bỏ quên” các thủ tục hồ sơ pháp lý như quyết định thu hồi đất, giao đất, hồ sơ địa chính, xác định tứ cận cho các hộ dân. Mặt khác, hiện có biến động lớn trong hiện trạng sử dụng đất đai so với thời điểm ban đầu. Đây là nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng TP.Tam Kỳ lúng túng xác định, lập thủ tục cấp bìa đỏ cho người dân.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, đến nay khối lượng hồ sơ cần giải quyết của các xã Tam Phú, Tam Thăng, Tam Thanh và phường An Phú là 34.348 (cấp mới 9.125 hồ sơ, cấp đổi 25.223 hồ sơ); hồ sơ đủ điều kiện và đã viết 26.883 bìa đỏ; chưa đủ điều kiện 7.495 hồ sơ (cấp mới 4.789 hồ sơ, cấp đổi 2.706 hồ sơ). Tại xã Tam Phú, trong số 6.802 bìa đỏ đã ký, cơ quan chức năng đã bàn giao cho địa phương 6.591 bìa đỏ. Tuy nhiên, xã chưa phát cho dân 1.032 bìa đỏ. Tương tự, xã Tam Thăng có 1.187 bìa đỏ còn “giữ” trong tủ hồ sơ của xã, chưa phát cho dân; còn ở xã Tam Thanh là 692 bìa đỏ. Lý giải nguyên nhân xã “giữ” bìa đỏ của người dân, ông Nguyễn Văn Trí – cán bộ địa chính xã Tam Phú cho rằng, trước đây cán bộ xã phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh TP.Tam Kỳ đã xuống các thôn bàn giao, nhưng có hộ ở xa không đến nhận, số hộ có bìa đỏ cũ thế chấp ở ngân hàng. Hơn 100 bìa đỏ loại đất nuôi trồng thủy sản của địa phương vừa được cấp mới, đang chuẩn bị bàn giao cho dân.

Tại xã Bình Dương (Thăng Bình), từ năm 2016 đến nay cấp phát được 2.565 bìa đỏ (đạt hơn 71,3% bìa đỏ đã ký); năm 2017 còn lại 957 bìa đỏ cất giữ trong tủ hồ sơ. Tuy nhiên, theo UBND xã Bình Dương, đến ngày 14.5.2019, trên địa bàn còn 134 bìa đỏ vẫn nằm ở xã hầu hết có nguồn gốc đất sử dụng trước ngày 18.12.1980, 39 bìa đỏ in có công nhận đất ở tăng thêm nhân khẩu theo Quyết định 12 của UBND tỉnh và 38 bìa đỏ in công nhận toàn bộ đất ở trước thời điểm 18.12.1980. Cán bộ địa chính xã Bình Dương giải thích, sở dĩ người dân chưa chịu nhận bìa đỏ do đi làm ăn xa, bìa đỏ cũ thế chấp ngân hàng, hoặc yêu cầu Nhà nước công nhận toàn bộ diện tích đất ở của nguyên thửa, chứ không cấp theo hạn mức đất ở theo quy định.

Khối lượng cấp đất ở đạt thấp  

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, đến nay tiến độ cấp bìa đỏ tại các xã vùng đông Tam Kỳ đạt hơn 83%; Thăng Bình hơn 95,7% và Duy Xuyên gần 82%. Khối lượng bìa đỏ chưa phát cho nhân dân do liên quan về nghĩa vụ tài chính, một số trường hợp thế chấp ở ngân hàng, nhân dân không làm thủ tục bàn giao. Điều đáng lưu ý, nhiều hộ không chịu nhận bìa đỏ do trước đây diện tích công nhận là đất thổ cư (đất ở lâu dài), nay cấp theo Luật Đất đai mới là chỉ công nhận theo hạn mức nhất định về đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Bị ảnh hưởng nhiều diện tích để triển khai dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, nhưng 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) vẫn chưa đảm bảo khối lượng, tiến độ cấp bìa đỏ cho dân. Báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường cho thấy, đến đầu tháng 4.2019, cơ quan có thẩm quyền đã chuyển về các địa phương 3.212 bìa đỏ trong tổng số 3.547 bìa đỏ đã ký (đạt hơn 90,5%). Trong đó, giao cho người dân 2.908 bìa đỏ (đạt gần 82%), còn lại chưa phát cho nhân dân 639 bìa đỏ.

Triển khai dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, 6 xã Bình Dương, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Minh và Bình Nam (Thăng Bình) tiếp tục đăng ký kê khai hồ sơ đất đai. Trong số 24.186 hồ sơ đã kê khai đăng ký tại 6 xã, có 3.158 hồ sơ bị loại bỏ do liên quan đến các dự án nằm trong vùng quy hoạch, không lập thủ tục cấp bìa đỏ. Theo thống kê của UBND huyện Thăng Bình, UBND các xã đã nhận vào đơn đăng ký và bàn giao cho đơn vị tư vấn 56.844 hồ sơ (đủ điều kiện 46.083 hồ sơ, không đủ điều kiện 10.761 hồ sơ). Tổng số hồ sơ các địa phương vùng đông của huyện Thăng Bình chuyển cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đăng ký thẩm định là 45.678 hồ sơ. Đến nay, địa phương thẩm định 43.790 hồ sơ, trong đó đủ điều kiện 38.238 hồ sơ, chưa đủ điều kiện cần bổ sung 4.602 hồ sơ; chưa thẩm định 1.888 hồ sơ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường - ông Trần Thanh Hà nhận xét, khối lượng cấp bìa đỏ liên quan đến đất ở tại đô thị và đất ở tại nông thôn còn thấp, thời gian qua các địa phương chủ yếu tập trung vào việc cấp bìa đỏ đất nông nghiệp. Đối với 6 xã của huyện Thăng Bình còn 1.296 hồ sơ chưa đăng ký, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Trung và Bình Nam do Xí nghiệp 201 (đơn vị tư vấn đo đạc) thực hiện. Trong khi đó,  xã Hương An (Quế Sơn) còn 400 hồ sơ chưa kê khai đăng ký do Xí nghiệp Tài nguyên và môi trường 3 (đơn vị tư vấn đo đạc dự án) thực hiện. Hiện, còn 1.331 hồ sơ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã thẩm định đủ điều kiện nhưng các đơn vị tư vấn chưa viết bìa đỏ. Xí nghiệp Tài nguyên và môi trường 3 cho biết, do bản đồ cũ và hồ sơ lưu trữ địa chính tại một số xã vùng đông bị thất lạc, chính quyền chậm xác nhận tình trạng pháp lý của thửa đất, nên việc định vị, đo đạc, giải thửa đất đai tốn nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc.

Lý giải tình trạng nhiều bìa đỏ bị giữ lại ở cơ quan nhà nước, ông Trần Thanh Hà cho biết, nguyên nhân chủ yếu do nhân dân chưa kê khai, nộp thuế, đem bìa đỏ cũ thế chấp tại ngân hàng, đi làm ăn xa, vướng về công nhận hạn mức đất ở theo Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013.

_______

Bài 2: Chờ gỡ vướng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rối rắm hồ sơ đất đai vùng đông - Bài 1: Chất chồng hồ sơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO