Rối rắm hồ sơ đất đai vùng đông - Bài 2: Chờ gỡ vướng

TRẦN HỮU 25/05/2020 09:17

Địa phương bị thất lạc hồ sơ địa chính, sai lệch giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) với thực tế sử dụng, trong khi cơ quan chức năng chậm hướng dẫn giải quyết, dẫn đến nhiều vướng mắc trong quản lý hiện trạng, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Các địa phương vùng đông tạm thời chưa thực hiện tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng. Ảnh: T.H
Các địa phương vùng đông tạm thời chưa thực hiện tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng. Ảnh: T.H

Thất lạc hồ sơ

Tại một số xã thuộc TP.Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, hồ sơ bản đồ địa chính 299 (Bản đồ 299 được lập ra dựa trên Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ ngày 10.11.1980 về “Công tác đo đạc, phân hàng và đăng ký ruộng đất trong cả nước) bị thất lạc, không còn dữ liệu để quản lý.

Ví dụ, tại xã Tam Phú (Tam Kỳ), theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, không còn lưu giữ bản đồ 299, nên hồ sơ đất đai không xác định được các trường hợp có thửa đất ở trước ngày 18.12.1980 hay không. Ở xã Bình Dương (Thăng Bình), cơ quan thực thi bồi thường (BT) “bó tay” khi giải quyết các trường hợp thất lạc hồ sơ 299.

Chưa hướng dẫn giải quyết trường hợp bị thất lạc hồ sơ

Theo ông Huỳnh Bửu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam, tính đến nay, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có tổng diện tích đất BT, giải phóng mặt bằng hơn 353ha. Trong đó, trước năm 2015 giải tỏa hơn 70,3ha; sau 2015 diện tích đã giải phóng mặt bằng là 283ha. Tuy nhiên, thực tế chỉ bàn giao cho nhà đầu tư diện tích 224ha. Lúng túng của cơ quan BT là đến nay chưa có ngành chức năng nào hướng dẫn giải quyết các trường hợp bị thất lạc hồ sơ 299, trong khi thực tế diện tích đất ở của người dân được chính quyền xác nhận trước thời điểm 18.12.2080.

Ông Nguyễn Thùy (thôn 5, xã Bình Dương) được cấp bìa đỏ thửa đất có diện tích 2.209m2 (gộp chung đất ở và đất vườn), cơ quan chức năng chưa thể tiến hành thực hiện BT được, bởi thực tế gia đình ông Thùy sử dụng đất trước thời điểm ngày 18.12.1980. Trong khi ông Thùy yêu cầu Nhà nước công nhận toàn bộ diện tích trên là đất ở, thì cơ quan chức năng lại cho rằng không có cơ sở hồ sơ giải quyết.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Hạnh (thôn 5, xã Bình Dương) có diện tích thửa đất rộng 2.805m2, thực tế sử dụng nguyên thửa trước thời điểm ngày 18.12.1980. Khó khăn cho cơ quan chức năng là không xác định cụ thể từng loại đất mà ông Hạnh quản lý, sử dụng vì không còn lưu giữ hồ sơ 299.

Trên địa bàn huyện Thăng Bình, cũng như nhiều địa phương khác, sổ địa chính được lập sau ngày 15.10.1993, sổ đăng ký ruộng đất được lập theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ không còn lưu trữ.

Ở vùng đông Thăng Bình, những thửa đất ở trước ngày 18.12.1980 có diện tích lớn hơn hạn mức giao đất nhưng không có hồ sơ bản đồ 299 và chỉ được xác định diện tích đất ở là 300m2, dẫn đến không có cơ sở để thực hiện thu hồi đất và BT.

Ông Hồng Quốc Cường - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhìn nhận, việc chậm giải phóng mặt bằng các xã vùng đông của huyện có nguyên do lúng túng xác định nguồn gốc đất; hồ sơ đất đai thất lạc.

Tại xã Duy Hải (Duy Xuyên), khi triển khai khu tái định cư của xã giai đoạn 3, cơ quan BT phát hiện 20 trường hợp cấp bìa đỏ không chính xác cần phải thu hồi và điều chỉnh.

Phần lớn số thửa đất ở trước ngày 18.12.1980 có diện tích sử dụng thực tế lớn nhưng chỉ được cấp 300m2 đất ở. Trong đó, có 8 thửa đất ở trước ngày 18.12.1980 có trong bản đồ, hồ sơ 299 và trong sổ mục kê nhưng không có trong sổ đăng ký ruộng đất nên hiện nay chỉ được xác định diện tích đất ở là 300m2.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam - ông Huỳnh Bửu thông tin thêm, tại xã Bình Dương có 15/15 hộ đã xét có nguồn gốc đất ở trước ngày 18.12.1980, diện tích đất lớn nhưng theo quy định tại Điều 100, Luật Đất đai 2013 thì không đủ cơ sở để thu hồi đất và công nhận BT theo diện đất ở trước thời điểm nêu trên.

“Công ty đang chờ hướng dẫn giải quyết của cấp có thẩm quyền về việc địa phương thất lạc hồ sơ 299. Ngoài khó khăn về giải quyết các hộ bị ảnh hưởng đất ở trước thời điểm 18.12.2080, thì rất nhiều trường hợp chủ hộ đứng tên trong bìa đỏ đã chết, việc triển khai xác lập hồ sơ thừa kế tốn thời gian, công sức nên chưa thu hồi đất được dẫn đến giải tỏa mặt bằng kiểu... da beo” – ông Bửu nói.

Khó quản lý

Luật Đất đai 2013 quy định, một trong các loại giấy tờ được căn cứ để xác định công nhận hạn mức đất ở, cấp bìa đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất là bìa đỏ tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15.10.1993. Tuy nhiên, nhiều huyện, thành phố chưa xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai vì đến nay cả tỉnh chỉ thực hiện thí điểm dự án ở TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành, vùng đông sông Trường Giang thuộc huyện Thăng Bình và huyện Duy Xuyên.

Xã Bình Dương (Thăng Bình) có nhiều thửa đất thực tế sử dụng trước ngày 18.12.1980, nhưng bị thất lạc hồ sơ 299 gây khó khăn cho cơ quan chức năng giải quyết bồi thường. Ảnh: T.H
Xã Bình Dương (Thăng Bình) có nhiều thửa đất thực tế sử dụng trước ngày 18.12.1980, nhưng bị thất lạc hồ sơ 299 gây khó khăn cho cơ quan chức năng giải quyết bồi thường. Ảnh: T.H

Để tăng cường quản lý đất đai vùng đông nam, ngày 2.7.2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 06. Theo đó, hơn 1 năm qua, các địa phương chỉ được cấp mới, cấp đổi bìa đỏ, còn hầu như hộ gia đình không được thực hiện các quyền của người sử dụng đất như tách thửa, chuyển nhượng đất, xây dựng nhà ở (nhất là nhiều thế hệ ở chung trong một gia đình).

Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương - ông Hoàng Văn Tửu cho rằng, địa phương đang lúng túng về quản lý đất đai. Với Chỉ thị số 06 của UBND tỉnh, các hộ dân sử dụng đất ngoài vùng dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng, tách thửa cho con cái làm nhà ở cũng không được thực hiện. Cạnh đó, việc công nhận đất ở đối với những trường hợp đang sử dụng đất trồng cây lâu năm có nguồn gốc từ đất vườn, ao gắn liền với nhà ở được sử dụng ổn định trước ngày 18.12.1980 vẫn chưa được thực hiện, dẫn đến khó khăn trong thu hồi đất.  

Từ năm 2017 đến tháng 6.2018, giá đất các xã vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, nhất là khu vực ven biển tăng đột biến, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh các địa phương gần như quá tải trước nhiều trường hợp tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây không ít bất cập cho công tác quản lý nhà nước.

Trong giai đoạn này, giá đất được đẩy lên cao ở các khu vực từ dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục pháp lý, khu vực trung tâm thị trấn, thành phố đến vùng nông thôn. Ngành chức năng xác nhận, giá đất tăng liên tục nhưng lượng giao dịch thực tế rất hạn chế, chủ yếu là chuyển nhượng sang tay giữa các “cò” môi giới. Hoạt động buôn bán bất động sản ngầm để lại không ít hệ lụy, khiến thị trường đất đai cạnh tranh thiếu lành mạnh. Vì vậy, Chỉ thị 06 ngày 2.7.2018 ra đời với mục đích làm giảm sức “nóng” đất đai ven biển, song cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát giao dịch ngầm, đẩy rủi ro, thiệt thòi quyền lợi về phía người dân.

Ông Bùi Việt (thôn Phú Đông, xã Tam Phú) nói: “Tôi tuổi cao sức yếu, nhà đông con đã lập gia đình, có nguyện vọng tách khu đất mà gia đình đang canh tác ra nhiều thửa, sau đó chuyển đổi mục đích sang đất ở cho các con xây nhà ở ổn định. Ấy vậy mà một năm nay chính quyền địa phương từ chối  khi tôi đến bộ phận một cửa mua hồ sơ”.

Các xã vùng đông Tam Kỳ hơn 1 năm nay hầu như cấm hoàn toàn việc tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này, theo chính quyền các địa phương sẽ kéo theo hệ lụy, dân xây nhà trên đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất nông nghiệp, rất khó khăn cho quản lý hiện trạng.

___________

Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rối rắm hồ sơ đất đai vùng đông - Bài 2: Chờ gỡ vướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO