Rối rắm hồ sơ đất đai vùng đông - Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ

TRẦN HỮU 25/05/2020 09:17

Các ngành chức năng đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, siết chặt quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất, đồng thời từng bước hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khảo sát thực tế chuẩn bị thu hồi hiện trạng đất nuôi trồng thủy sản tại xã Tam Hòa (Núi Thành) để xây dựng dự án đường ven biển 129 giai đoạn 2.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khảo sát thực tế chuẩn bị thu hồi hiện trạng đất nuôi trồng thủy sản tại xã Tam Hòa (Núi Thành) để xây dựng dự án đường ven biển 129 giai đoạn 2.

Phối hợp “3 bên”

Trước đây, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An qua 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), xã Bình Dương (Thăng Bình), các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt, hàng tuần hội đồng tư vấn họp xét đất đai cấp xã, có sự tăng cường phối hợp của tổ công tác đặc biệt để giải quyết hồ sơ đất đai. Các hộ kê khai đăng ký hồ sơ nhiều, trong khi nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất khá phức tạp. Trách nhiệm của xã là xác nhận 100% tình trạng pháp lý của thửa đất (như quy hoạch, tranh chấp, thời điểm sử dụng đất, hoặc phổ biến đến các thôn và hộ sử dụng đất có trách nhiệm xác định tứ cận ranh giới, đo mốc giới thửa đất).

Theo các xã vùng đông, mỗi ngày chính quyền xử lý nhiều công việc liên quan đến hành chính. Cán bộ chuyên ngành mỏng, trong khi quy trình giải quyết hồ sơ đất đai rất rườm rà, như lập biên bản họp thông qua hội đồng tư vấn đất đai, biên bản công khai, biên bản kết thúc công khai niêm yết, phiếu lấy ý kiến khu dân cư. Trong khi đó, lực lượng đơn vị tư vấn mỏng, đo đạc, giải thửa hiện trạng chưa kịp thời. Việc chậm trễ giải quyết hồ sơ cho công dân do “3 bên” (đơn vị tư vấn đo đạc, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và UBND xã) chưa có kết luận cụ thể về cách xử lý những trường hợp có nguồn gốc đất sử dụng trước năm 1980.

Chủ tịch UBND xã Bình Dương - ông Phan Thanh Vân đề xuất:  “Xã đề nghị cuộc họp các bên cần có kết luận cụ thể về cách xử lý những trường hợp có đất sử dụng trước ngày 18.12.1980, để địa phương giải quyết hồ sơ cho công dân kịp thời. Những trường hợp như sai sót, thay đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú… liên quan đến thông tin cá nhân của người sử dụng đất, cần phối hợp nhịp nhàng giữa 3 bên”.

Giá đất “leo thang” từng ngày nên các hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chia tách thửa, lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển, đất công ích (đất 5%). Vì vậy, từ tháng 7.2018 đến nay, chính quyền tỉnh công khai những khu vực đã được cơ quan nhà nước công bố quy hoạch sử dụng đất vào các công trình, dự án đầu tư xây dựng để xây dựng vùng đông, vừa tăng cường quản lý hiện trạng.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ việc chậm tiến độ đo đạc, cấp bìa đỏ theo dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, Giám đốc Sở TN&MT - ông Trần Thanh Hà cho rằng, các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn và Thăng Bình, TP.Tam Kỳ cần tiếp tục vận động các hộ dân còn lại kịp thời kê khai đăng ký; đồng thời tiến hành cấp phát bìa đỏ cho nhân dân đúng theo quy định. Trường hợp nhân dân không đến nhận bìa đỏ hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tiếp tục thông báo cho nhân dân được biết, thực hiện đầy đủ thủ tục và khép lại hồ sơ đưa vào lưu giữ theo quy định.

Hiện đại hóa cơ sở dữ liệu

Các trường hợp đã xây dựng nhà ở sẽ được ưu tiên cấp bìa đỏ

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Nguyễn Trường Sơn, chủ trương chung của thành phố là tập trung cấp bìa đỏ cho tất cả trường hợp đã xây dựng nhà ở, sử dụng liên tục, ổn định, không tranh chấp từ trước ngày 1.7.2004 theo hạn mức quy định tại Quyết định số 12, ngày 1.6.2015 của UBND tỉnh. Cũng theo ông Sơn, địa phương thống nhất chủ trương không thu tiền sử dụng đất khi cấp bìa đỏ với những trường hợp đã chấp hành tốt việc tháo dỡ nhà ở, vật kiến trúc tại nơi ở cũ di chuyển TĐC đến nơi ở mới; đối với trường hợp còn lại phải nộp tiền sử dụng đất khi thực hiện cấp bìa đỏ theo quy định. Riêng với 50 trường hợp di dời theo hình thức tập trung, thống nhất cấp bìa đỏ theo hạn mức đất ở 300m2; phần diện tích đất tăng còn lại cấp theo loại đất cây lâu năm. Đối với các trường hợp thuộc khu cài dân Phú Thạnh, Ngọc Mỹ thống nhất cấp bìa đỏ theo hiện trạng sử dụng đất. Xã Tam Phú có trách nhiệm tham mưu UBND TP.Tam Kỳ giải quyết dứt điểm việc cấp bìa đỏ cho dân trong quý III.2019.

Theo Sở TN&MT, trong khi chưa có văn bản bổ sung, điều chỉnh Chỉ thị 06 của UBND tỉnh, thì các địa phương nghiêm túc thực hiện yêu cầu cấm sử dụng đất làm thay đổi mục đích sử dụng, làm biến động ranh giới thửa đất, tự ý chia tách thửa đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Bên cạnh đó, dừng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đối với các loại đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản cho đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Để siết chặt quản lý quy hoạch, hiện trạng, sắp đến tỉnh sẽ quy định chi tiết đối với các khu chỉnh trang, khu hiện trạng giữ nguyên, khu quy hoạch mới và biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm, nhất là biện pháp kiểm soát việc tách một thửa hoặc nhiều thửa đối với đất nông nghiệp, đất vườn ao liền kề thành nhiều thửa nhỏ và chuyển mục đích sử dụng sang đất ở để chuyển nhượng, cho thuê. Trường hợp người dân đủ điều kiện chia tách thửa, hoặc xây nhà trên đất dự án theo đúng quy định pháp luật, thì thống nhất cho người dân thực hiện.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai và cung cấp các dịch vụ công. Năm 2019, các địa phương trong tỉnh bước đầu tiếp cận triển khai dịch vụ cung cấp thông tin đất đai và dịch vụ chuyển phát hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai từ văn phòng đăng ký đất đai đến các chi nhánh. Năm 2019, ngân sách tỉnh tiếp tục bố trí nguồn kinh phí thực hiện xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai các xã vùng đông của các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn và TP.Tam Kỳ.

Ngoài ra, Sở TN&MT tiếp tục xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại xã Bình Nguyên, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình); các xã Quế Xuân 1, xã Quế Xuân 2, xã Quế Phú (Quế Sơn); các xã Điện Minh, xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh.

Sở TN&MT yêu cầu dừng công nhận thêm diện tích nằm ngoài quy định

Giai đoạn 2017 - 2018, huyện Thăng Bình ban hành hàng trăm quyết định xác định lại diện tích đất ở với hơn 600 hồ sơ (thửa đất). Đồng thời địa phương đề nghị Sở TN&MT cấp đổi lại bìa đỏ cho dân, theo hướng tăng nhiều lần so với hạn mức giao đất ở theo quy định hiện hành (hạn mức đất ở nông thôn được giao tối đa không quá 300m2) đối với các thửa đất có nguồn gốc sử dụng trước ngày 18.12.1980. Tuy nhiên, Sở TN&MT cho rằng, việc xác định lại đất ở của UBND huyện Thăng Bình là không đảm bảo, nằm ngoài những quy định của pháp luật về đất đai. Hầu hết hồ sơ mà Thăng Bình đề nghị Sở TN&MT cấp đổi thực tế là đất trồng cây lâu năm có nguồn gốc sử dụng từ vườn ao gắn liền với nhà ở được sử dụng ổn định trước ngày 18.12.1980, nhưng không có hồ sơ giấy tờ chứng minh do bị thất lạc.

Ông Phạm Công Chung - Phó Giám đốc (phụ trách) Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho rằng, để giải quyết những bức xúc đất đai vùng đông, trước đây Tỉnh ủy chủ trương nếu trường hợp không có giấy tờ, thì địa phương phảithành lập hội đồng để họp xét đất. Nhưng, Thăng Bình căn cứ vào thực tế sử dụng đất có nguồn gốc trước ngày 18.12.1980 mà công nhận vượt quá quy định hạn mức đất ở là không đúng pháp luật về đất đai hiện hành; khi phát hiện ra sai sót thì Sở TN&MT đã yêu cầu dừng lại toàn bộ việc xác định lại diện tích đất ở vượt hạn mức quy định. Theo ông Chung, Quảng Nam nhiều lần xin ý kiến của Bộ TN&MT, kể cả Thủ tướng Chính phủ về giải quyết các trường hợp thực tế có nguồn gốc đất sử dụng ổn định trước ngày 18.12.1980 nhưng không chứng minh bằng hồ sơ, giấy tờ, tuy vậy đến nay vẫn chưa được phản hồi, hướng dẫn. “Thực tế người dân sử dụng ổn định, đất có nguồn gốc trước 1980, nếu không công nhận vì lý do mất hồ sơ thì dân sẽ chịu thiệt. Vì vậy, tỉnh đề xuất Chính phủ cho xác nhận trên hồ sơ địa chính sau ngày 15.10.1993” - ông Chung nói.  


(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rối rắm hồ sơ đất đai vùng đông - Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO