Rồi sẽ... say ba kích không phải ở xã Lăng

TRUNG VIỆT 19/11/2022 09:41

Theo thói quen, tôi chạy cái ào vào trụ sở ủy ban xã Tr’Hy. Vắng ngắt. Cỏ rác ngập đầy. Nhà hoang. Trụ sở mới ở đâu? Có trạm kiểm soát biên phòng đối diện, tôi hỏi thì được chỉ là chạy 3km nữa. Lâu rồi không lên, nên… lạc hậu, vậy đó, ý nghĩ lạ lẫm với rừng chưa từng dứt, và hình như chỉ có những đứa con ở rừng mới thôi ngạc nhiên những cái nhìn đâu đó từ mắt lá.

Người dân thôn Voòng chăm sóc ba kích. Ảnh: T.V
Người dân thôn Voòng chăm sóc ba kích. Ảnh: T.V

1. Trụ sở mới đang xây bề thế, ngổn ngang đất đá. Bí thư Đảng ủy xã Lê Hoàng Linh dừng điện thoại và thở dài: “Vậy đó, họ điện tới đang nói chuyện thì ngắt, chập chờn quá, trung tâm xã mà liên lạc thế này thì hỏi làm sao chỉ đạo điều hành kịp thời. Nhiều khi ở huyện trách anh em sao cứ dập máy khi đang nói chuyện, nhưng đâu phải, có sóng đủ đâu.”

Sốt ruột là phải, thời buổi thông tin đâu có kiểu chạy ngựa đưa thư. Tôi nói với anh rằng, thôi lướt qua trăm thứ khó về địa lý, dân trí, cung cách làm việc, sinh hoạt vùng biên, bởi nó nằm ở mẫu số chung vùng cao ai cũng biết, vậy đâu là “đường máu” để bài ca đói nghèo bớt vang lên điệp khúc, khi ở đây có 1.582 miệng ăn mà đã có đến 60% đói nghèo? Cái riêng có, khác biệt nằm ở đâu? Tôi định nói rằng vùng này tôi cũng có biết chút ít, nhưng nghe anh nói, thì tôi bèn… im thin thít, hóa ra mình chẳng tường tận điều chi hết.

Anh Lê Hoàng Linh nói: “Làm chi cũng không ra ngoài định hướng của huyện là phát triển vùng dược liệu. Tr’Hy có ba kích, chè dây, sâm 7 lá 1 hoa là loại cây quý hàm lượng chất bổ chỉ sau sâm Ngọc Linh, rồi cam…”.

“Chỗ khác cũng tương tự” - tôi nói - “Ba kích ở xã Lăng lâu nay là từ khóa tìm là thấy ngay và dày đặc trên Google…”.

“Không sai, nhưng chưa đúng hoàn toàn, xã Lăng diện tích ba kích nhiều, nhưng phân tán, còn ở đây, riêng thôn Voòng, diện tích tập trung đã lên tới 50ha. Ở Lăng, nếu đưa ba kích vào trồng dưới tán rừng keo hay cao su là thất bại. Có người thử nghiệm nhưng thất bại rồi đó. Đất trồng trọt diện tích lớn ở Tr’Hy không thiếu, màu mỡ, có nơi như khu G’hơ có cả 100ha đất tốt.

Theo tôi, đây chính là át chủ bài để phát triển vùng dược liệu, cây ăn quả ở Tr’Hy. Vấn đề là cần thời gian sắp xếp, quy hoạch, định hướng cho đúng. Chúng tôi cần con đường nối thôn An Ranh và A Riêu hơn 10km với số tiền hơn 25 tỷ đồng, nó sẽ xóa được ách tắc đi lại, vận chuyển. Cạnh đó, đừng bao giờ quên chuyện giữ rừng, bởi nó sẽ gắn liền với dịch vụ, du lịch,  dược liệu” - anh Linh nói thêm.

Đến 500 ngàn đồng/kg ba kích tươi nhưng nhu cầu thì không đáp ứng nổi. Ảnh: T.V
Đến 500 ngàn đồng/kg ba kích tươi nhưng nhu cầu thì không đáp ứng nổi. Ảnh: T.V

Tôi “lấn” qua chuyện nông thôn mới, bởi cụm từ này mà đem… chẻ ra, đúng nghĩa của nó, e rằng các báo cáo thành tích khó viết lắm. “Đúng” - anh nói - “Nông thôn mới khó nhất là thu nhập, việc làm, hộ nghèo. Nếu những cái này không đạt, nghĩa là nó không tạo ra được hàng hóa, không có cái ăn, để dành.

Ở đây chăn nuôi không thể là hàng hóa, vì bà con có bán đâu, không ai làm giàu từ heo gà cả. Làm ra sản phẩm là sinh tử. Làm du lịch, nếu không có sản phẩm bán thì thua, khi đây là miền đất đầy tiềm năng du lịch bởi có Lộc Trời, Đỉnh Quế… Ba kích chỉ có ở đây xuống Lăng, chứ vùng trên không có…”. Anh Linh bỏ lửng chuyện ba kích, hình như nói nhiều cũng ngại…

2. Chuyện sinh tử trên là bài toán lơ lửng câu trả lời bao nhiêu năm ở miền núi. Hôm sau tôi ngồi với một cán bộ huyện đã nghỉ hưu, anh nói rằng nếu không thay đổi cung cách làm thì 20 năm nữa, dân miền núi vẫn vậy.

Cung cách đó là chi nếu không phải là phá bỏ khuôn mẫu trong tư duy, hãy hỗ trợ vốn cho người giàu và có tâm, biết làm ăn, chính họ sẽ đứng mũi chịu sào, nghĩ cách làm, tập hợp lao động và tạo sản phẩm, chứ giao hộ riêng lẻ thì thất bại cái chắc, bởi đưa cây giống thì bỏ vứt bầu đất rồi đem cắm, đưa bò thì về thả đại, dây quấn cổ, chết hết. Tất nhiên, cơ chế và nguồn lực tại địa phương, nhà nước nắm, nhưng hãy mở đường và định hướng cho họ.

Hình như Tr’Hy đang đi theo đường đó. Trên đường về, tôi ghé nhà ông Clâu Blao, lại không gặp, ông già đi rừng rồi. Bữa trước tôi nhớ ông nói đang trồng ba kích và cam. “Đúng rồi” - anh Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN-PTNT huyện  nói - “ông già Blao là 1 trong 16 hộ “máu” trồng ba kích nhất xã”.

Hôm qua anh Ta lên Tr’Hy nghiệm thu dự án liên kết chuỗi giá trị… Anh kể, khi làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tr’Hy từ năm 2014, anh thấy ở đây chỉ có ba kích dây, đến 2015 mới có ba kích tím. Các năm sau diện tích trồng ba kích tím tăng dần, nay đã có 75ha.

Dự án liên kết là câu chuyện bắt tay làm ăn giữa Hợp tác xã Dược liệu và Nông sản sạch Cách mạng xanh (giám đốc hợp tác xã này là người Tr’Hy, trụ sở ngay tại đây - NV) với 16 hộ dân, họ đã trồng được 20ha tại thôn Voòng, theo hướng tạo vùng nguyên liệu tập trung. Khi nghiệm thu, kết quả cho thấy hơn 95% cây trồng sống.

Chỉ có phát triển vùng nguyên liệu thì lao động trẻ tại địa phương mới có việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh: T.V
Chỉ có phát triển vùng nguyên liệu thì lao động trẻ tại địa phương mới có việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh: T.V

“Thôn Voòng mở rộng liên vùng liên thửa, tập trung nguyên liệu tới 50ha. Nói thiệt, tôi lên, ngỡ ngàng vì bà con làm hiệu quả quá, họ đã bán được ba kích tím nhiều năm rồi, có hai hộ là Zơ Râm Hướp và Coor Tân từ khi đưa ba kích tím lên trồng đến nay đã thu hoạch hai lần, thu nhập mỗi hộ 100 triệu đồng. Họ làm đầy đam mê, tự làm, tự đầu tư” - anh Ta nói.

“Liên kết này cụ thể là chi, bởi nhãn tiền cờ giong trống thúc hay lắm, đến lúc bể ra, đốt đuốc đi tìm giám đốc, hàng hóa cho bò ăn…?” - tôi hỏi. “Không, hợp đồng giấy tờ ràng buộc trách nhiệm hẳn hoi, huyện làm trung gian, không giỡn được” - anh Ta nói - “hợp tác xã cam kết đầu tư giống, phân, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, cụ thể củ to 300 ngàn đồng/kg, vừa 250 ngàn đồng, nhỏ 200 ngàn đồng. Tất nhiên bà con phải tuân theo và bán cho hợp tác xã”. “Huyện hỗ trợ gì?”. “Không có chuyện cho không nữa, mà hướng tới liên kết, có điều kiện, để tư nhân làm, hỗ trợ một phần từ cơ chế chính sách”.

3. Vậy là… lạ rồi, bởi ở xã Lăng hiếm thấy chuyện này. “Dân đã thấy lợi ích” - anh Ta khẳng định – “bây giờ đã có nghị quyết của tỉnh, huyện về hỗ trợ sản xuất theo chương trình mục tiêu, chắc chắn bà con sẽ làm mạnh. Tôi chắc chắn, Tr’Hy là điểm sáng dược liệu dưới tán lá rừng”. Tôi vẫn lấn bấn chuyện ba kích ở xã Lăng, không lẽ rồi nó sẽ bị… soán ngôi vương?

“Chúng tôi xác định vùng Tr’Hy là vùng nguyên liệu tập trung. Ban đầu xã Lăng có tiện lợi là rốn ba kích tím, tổng diện tích 150ha, nhưng không có chỗ nào tập trung được hơn 5ha, thì khó làm liên kết bởi phải thuận tiện trong kiểm soát các khâu theo một quy trình tập trung. Đảm bảo với anh, hiện nay ở xã Lăng, khó mà mua được nhiều, chứ anh lên Tr’Hy mua mấy có mấy, ba kích tím thứ thiệt đàng hoàng, giá 1kg tươi hiện nay 400 - 500 ngàn đồng…”.

Tối, tôi uống rượu ba kích tím ở nhà Quân. Lần lên trước hứng chí tôi kêu ra quán, cũng ba kích, mới uống chừng 3 ly đã choáng váng. Quân nói  đừng uống quán, giả nhiều lắm. Anh Ta cho tôi hay, có đến 6 loại ba kích.

Tôi nghe nói ở Tây Giang, người ta nói lùng mua thứ thiệt khó lắm chứ không tràng giang đâu, bởi thứ mô mô từ Quảng Ninh chở vô trà trộn cũng hô ba kích tím xứ này, mình thì có biết đâu. Dông dài chuyện ba kích này, chẳng phải là chuyện mê rượu mà phiền nhau, mà là câu chuyện áo cơm của người miền núi, là ánh xạ sinh động và gay gắt cho những bàn thảo nát nhừ hàng chục năm qua về phát triển cây gì con gì ở miền núi.

Ba kích là… căn cước dược liệu của Tây Giang. Xác định đúng, làm đúng, bắt mạch được đâu là cái có và khả thi, thì câu chuyện thiếu gạo ở vùng cao sẽ không xảy ra, lúc đó có say, tỉnh dậy cũng không muộn phiền…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rồi sẽ... say ba kích không phải ở xã Lăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO