Rơm rạ mùa…

NGUYÊN NGUYÊN 09/06/2013 07:24

Tháng năm, nắng trải vàng trên mọi ngả đường quê. Bầu trời cao xanh lộng gió như tô điểm thêm cho sắc trời vào hạ. Thỉnh thoảng trời về chiều chuyển dông. Thường cả làng vào mùa là ai nấy như “vắt chân lên cổ”, í ới ra đồng từ sớm. Những sân phơi vàng óng lúa, và trên khắp các ngả đường từ nhà đến đồng bãi, đâu đâu cũng một màu vàng ươm của rơm rạ. Bất giác tôi còn nhớ những ngày thơ trẻ, buổi trưa nằm võng ở hàng hiên nhà lắng nghe trong tiếng gió vi vu, thoang thoảng mùi hương nồng nàn từ những cọng rơm vàng… Khi lúa trên đồng đã bắt đầu chín đều là lúc hương lúa chín ngào ngạt trong gió sớm, ấy là khi mọi người dân quê tôi nhộn nhịp ra đồng cắt lúa. Và trên đám ruộng còn trơ lại những gốc rạ là những hàng rơm vằng được phơi ngay ngắn, mong được nắng trời để đem về chất thành cây rơm cao, để chụm (đun) hoặc làm thức ăn cho trâu bò trong những ngày mưa, lũ…

 Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh bà nội tôi ngồi trước hiên nhà, tự tay bà vuốt, lựa ra những thân rơm vàng óng, cứng cáp rồi lấy lạt tre buộc lại, làm thành những chiếc chổi rơm xinh xắn. Bà làm cẩn thận, tỉ mẩn từng loại chổi, vừa làm vừa thủ thỉ kể đủ thứ chuyện cho đám cháu nghe. Chỉ tay vào những chiếc chổi rơm vàng xinh xắn, nội bảo, chổi này chỉ dùng để quét bàn thờ ông bà cho sạch sẽ, tinh khiết, chổi kia dùng để quét bàn ăn cơm, chổi nọ quét bếp... Bà nội khéo tay lắm. Lúc ấy còn nhỏ, tôi đâu biết rằng bà nội miệt mài làm trong sự thành kính với cả tấm lòng phả vào từng đồ vật, dù chỉ từ những cây chổi rơm quê nhà... Rồi hình ảnh ông nội đến mùa tháng năm gặt lúa là vớt tre đã ngâm được chừng non nửa năm trời dưới ao làng lên. Ông lựa những thân tre thẳng, cưa ra, lấy đoạn giữa chẻ hom, vuốt rạ và đánh thành những tấm lợp nhà, hoặc để lợp chuồng trâu, chuồng bò...

Tôi nhớ ngôi nhà mình ngày xưa lợp bằng tranh rạ, mùa hè thì mát mẻ vô cùng và mùa đông thì ấm áp lắm. Nhưng nội bảo tranh rạ thì chịu mưa chịu nắng chỉ hơn một năm thôi nên năm nào ba và ông cũng loay hoay chọn vài đám ruộng lúa chín không bị gió làm ngả rạp, thân rạ hãy còn cứng cáp lắm để đến sau mùa gặt tháng tám âm lịch là lợp lại nhà, chuồng trâu, bò... Sau này lớn lên xa quê đi học, tôi càng thấm thía hơn hai câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa” “Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ Thấm bao mưa nắng mà thành quê hương”. Tôi nhớ mãi lời ông nội dạy: Hạt lúa là hạt ngọc của trời, cây lúa là lộc của trời đất sinh ra, còn cái rơm cái rạ, cũng chẳng bỏ đi mà còn có nhiều cái lợi lắm, như lợp nhà, nhóm lửa, cho trâu bò ăn, trát vách... Cho nên, cỗ cúng ông bà tổ tiên, trời đất thì không thể không có chén cơm trắng ngần. Lời ông  đã đi vào thế giới tâm hồn tuổi thơ tôi, thấy đồng lúa vàng trước nhà mỗi mùa gặt về như bức tranh đồng quê có nhiều phép nhiệm màu.

Nhắc đến rơm vàng, không thể quên những “cây rơm” mà nhà nào ở quê cũng có.  Một cây trụ chính bằng tre chôn sâu ở góc vườn nhà, rơm khô được nắng thơm lựng chất thành cây để “dự trữ” cho đủ thứ việc như đun bếp, cho trâu bò ăn, lót ổ gà đẻ... Mùa đông, cứ sau những trận mưa thế nào quanh gốc cây rơm sẽ mọc nấm. Thứ này hái vào, rửa sạch, nấu canh với rau, thứ xào qua…, vị ngòn ngọt của nấm cứ theo mãi.

Vẫn thế, những sợi rơm vàng ngày nào đến bây giờ còn nguyên trong ký ức tuổi thơ tôi ở quê nhà dấu yêu. Rơm đã cùng những đứa trẻ chúng tôi vui đùa hay chơi trốn tìm sau những cây rơm từ nhà này sang nhà khác quanh xóm. Rơm đã đón bước chân trẻ thơ tôi dịu êm, ấm áp trên những con đường làng đến lớp, ra đồng, ra bãi. Những ngày mưa gió, bão lụt không giong bò, giong trâu ra đồng được, đứng bên cây rơm trong vườn nhà rút từng nạm rơm khô giòn, thơm lựng cho trâu bò ăn, tôi có cảm giác như cái lành lạnh của gió heo may không còn nữa, đúng là như bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” thời nhỏ ê a học ở trường làng.

Bây giờ đang là mùa gặt, dù không nhiều như ngày xưa nhưng trên con đường về quê vẫn vàng ươm những con đường rơm thơm ngát. Chạm khẽ lại trong tôi ký ức của thời hồn nhiên thơ bé vô tư. Tôi nhớ và yêu vô cùng cánh đồng lúa vàng trải dài trước nhà với biết bao kỷ niệm. Tôi đã xa quê nhưng không thể nào quên được những sợi rơm vàng. Nó như nhân chứng vắt ngang qua tuổi thơ với miền ký ức đầy nắng gió. Miền ký ức ấy có ông bà, cha mẹ, có bạn bè dấu yêu, ngọt ngào, đằm thắm biết bao. Sợi rơm óng ánh, vàng rộm nắng trời như níu bước chân tôi về với đồng đất quê nhà. Nơi ấy là con mương nước chảy rào rào vào từng đám ruộng, là đám trẻ con vạch từng rãnh lúa đầy bùn lầy bắt cá rô đồng, là ngồi trên lưng trâu hát nghêu ngao. Lại được nghe giữa cảnh đồng quê bình yên có tiếng chim cu gáy xa xa. Biết bao kỷ niệm tinh khôi của những ngày xa lắc...

Thầm biết ơn phù sa sông mẹ Thu Bồn đã bồi đắp mỗi mùa cho cánh đồng thêm lúa trĩu hạt. Nhớ về ông bà, cha mẹ tần tảo sớm hôm, tôi càng hiểu hơn mỗi cọng rơm vàng ấy đã thấm đẫm bao giọt mồ hôi... Mỗi ngày, tôi vẫn nhẩm thầm câu thơ của anh bạn đang ở quê nhà” “Tôi còn rơm rạ mùa quê/ Thương sông con nước bộn bề phù sa”. Nao lòng khi bất chợt nhớ lại… rơm rạ mùa, lòng ai mà không lắng lại, để được sống yêu thương hơn.

NGUYÊN NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rơm rạ mùa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO