Những ngày cuối tháng Chạp, phiên chợ vùng cao Tây Giang tấp nập người mua bán. Mặt hàng chủ yếu là các loại nông sản mà người dân nơi đây tự trồng hay khai thác từ rừng.
Bà Zơrâm Thị Chơn (thôn Aró, xã Lăng, Tây Giang) tâm sự, xưa nay bà con mình làm chi biết buôn bán, làm ra hạt lúa, củ sắn, bó rau là để ăn, nhiều thì đem tặng nhau. Nay, mình học theo “người đồng bằng”, sản phẩm làm ra nhiều đem đi bán kiếm tiền mua sắm thứ khác trang trải cuộc sống gia đình, nhất là trong dịp tết.
“Trước đây, bà con mình ngại chỗ đông người, thế là họ tự lập ra nhóm nhỏ bán riêng tại góc đường gần trường mầm non. Khách hàng thường là những phụ huynh đón con đi học về nên họ tranh thủ mua luôn. Ở đây bất cứ thứ gì cũng năm ngàn hết, đừng trả chi. Bà con mình bán không nói thách đâu” - bà Chơn nói.
Từng là khách hàng lâu năm của phiên chợ này, chị Phương (một người dân địa phương) cho biết, từ khi “chợ năm ngàn” ra đời, chị thường xuyên đến đây mua vì giá rẻ hơn ngoài chợ huyện. Các mặt hàng nông sản đảm bảo “sạch”. Ngoài mua về dùng, chị còn mua gửi tặng bạn bè đồng bằng như rau, sắn, măng rừng.
Còn anh Hường (công tác tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Tây Giang) thì cho biết, cuối tuần nào anh cũng ghé chợ mua rau củ đem về đồng bằng. Anh nói: “Mình mua vì nông sản ở đây đảm bảo chất lượng, mặt khác cũng giúp bà con giải quyết đầu ra nông sản, có thêm nguồn thu nhập”.
Nhằm giúp người dân có chỗ buôn bán ổn định, năm 2017, UBND huyện Tây Giang đã tiến hành xây chợ tạm ở khu vực này. Ông Alăng Tối - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho biết, trước nhu cầu buôn bán ngày càng cao của bà con, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chọn vị trí, mặt bằng thuận lợi để xây chợ tạm, nhằm khuyến khích người dân tiếp cận dần với nghề mới, có thêm nguồn thu nhập.
“Huyện đã đầu tư 200 triệu đồng để làm chợ tạm. Chợ không chỉ giúp người dân thuận lợi buôn bán mà cái quan trọng là giúp họ thay đổi tư duy sản xuất, từ tự cung tự cấp sang hàng hóa, thị trường. Nông sản làm ra, bán được, có thu nhập sẽ là nguồn động viên, khuyến khích người dân địa phương hăng hái sản xuất, phát triển kinh tế gia đình” - ông Tối nói.
Trước sức hút của “chợ năm ngàn”, nhất là ngày càng nhiều khách du lịch đến mua, huyện Tây Giang đã khuyến khích người dân bán thêm một số mặt hàng đặc sản của địa phương như củ đẳng sâm, sâm ba kích, mật ong, củ cun, nấm lim xanh, nấm ngọc cẩu và cả mặt hàng thủ công như tấm tuốt, các loại áo quần truyền thống, các đồ dùng được đan từ mây, tre...
Ông Alăng Tối cho biết thêm, huyện tuyên truyền vận động bà con không được thay đổi giá bán. Chi cục Thuế huyện cũng thống nhất không thu thuế của bà con, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân làm ăn.
“Chợ năm ngàn” ở vùng cao Tây Giang ra đời đã kích thích phát triển thị trường địa phương và trở thành điểm nhấn về dịch vụ, du lịch. Những ngày cuối năm, chợ càng thêm rộn ràng. “Tiểu thương” phấn khởi vì sức mua tăng, có thêm nguồn thu nhập để sắm tết.