Rộn ràng chuyến biển xuyên tết

NGUYỄN QUANG 13/01/2023 07:48

Những ngày này, ngư dân huyện Núi Thành rộn rã vươn khơi trong chuyến biển xuyên tết. Họ mang theo khát vọng làm giàu từ biển, đi cùng với tinh thần bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu cá của ngư dân Lê Minh Trí mua đá cây để vươn khơi bám biển xuyên tết. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Tàu cá của ngư dân Lê Minh Trí mua đá cây để vươn khơi bám biển xuyên tết. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Tất bật, kỳ vọng

Từ những ngày đầu tháng Chạp, ngư dân Nguyễn Thanh Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91636 dành thời gian gặp gỡ, vận động bạn biển tham gia chuyến khai thác hải sản xuyên tết. Bởi nghề lưới vây cần 15 lao động trong khi các ngư dân muốn ở nhà đón tết sum vầy với vợ con sau cả năm đằng đẵng bám biển.

“Anh em ai cũng có tâm lý ở nhà đón tết, nhưng chúng tôi đã gắn bó với nhau trên biển cả năm, nên khi mình quyết tổ chức chuyến biển xuyên tết, sau một hồi vận động, mọi người cũng lần lượt đồng ý tham gia” - ông Thành nói.

Khi bài viết này lên trang, ông Thành cùng các bạn biển cũng vừa cho tàu nhổ neo vươn khơi đánh bắt hải sản xuyên tết. Chuyến biển dự kiến hơn 20 ngày ở ngư trường Hoàng Sa, ông Thành chuẩn bị 10 nghìn lít dầu, đầy đủ gạo, mắm, muối, nước uống, gần 1.000 cây đá,... chi phí hơn 300 triệu đồng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 2.741 tàu thuyền, trong đó 672 chiếc (tàu dài 15m trở lên) sản xuất ở vùng khơi. Năm 2022, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân toàn tỉnh đạt gần 93 nghìn tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch và vượt so với năm 2021. Toàn tỉnh có 9 nghiệp đoàn nghề cá (720 tàu/4.879 lao động tham gia), 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển (1.040 tàu/8.063 lao động tham gia) quy tụ ngư dân gắn bó tương trợ, liên kết sản xuất.

Tại xã Tam Hải, tàu lưới vây QNa-91035 của ngư dân Lê Minh Trí (thôn Tân Lập) cũng đã vươn khơi bám biển xuyên tết ở ngư trường Hoàng Sa. Trong hành trình bám biển của ông Trí và 17 bạn biển, ngoài các vật dụng thiết yếu còn mang theo gà, thịt heo, bánh, mứt, bia, nước ngọt để cúng giao thừa trên biển.

Trước khi tàu nhổ neo, gặp chúng tôi, ông Trí chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng thu được sản lượng cá ngừ, cá nục, cá thu khá để anh em sau những ngày gian khổ bám biển có được nguồn thu tốt. Đáng mừng là thời tiết dự báo yên ắng thuận lợi cho chuyến biển dài ngày”.

Tương tự, tàu cá của các ngư dân Huỳnh Ngọc Vũ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang), Ngô Ri (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) cũng đã vươn khơi bám biển xuyên tết.

Các chủ tàu cho biết, nhờ có máy định vị, định dạng xác định tọa độ ngư trường nên chuyến biển giảm chi phí nhiên liệu. Các hầm bảo quản hải sản được làm từ vật liệu PU nên hải sản không xây xước, ít hao hụt, giữ chất lượng, nhờ đó bán được giá.

Rất mừng là các chủ tàu huyện Núi Thành dù là Tam Hải hay Tam Quang đều đoàn kết nên chia sẻ ngư trường có nhiều cá mực hoạt động, chia sẻ giá bán hải sản và giúp đỡ nhau hạn chế các tình huống xấu trên biển.

“Chuyến biển xuyên tết năm ngoái tôi thu được 20 tấn hải sản. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được gần 200 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia hơn 20 triệu đồng, rất phấn khởi. Mong chuyến biển xuyên tết lần này bội thu cá mực để anh em bạn biển có nguồn thu ổn định” - ông Ngô Ri nói.

Giữ chủ quyền biển đảo

Trong cuộc gặp với chúng tôi trước đó, ông Thành chia sẻ, nhiều năm qua đều bám biển xuyên tết, ngư dân Nguyễn Thanh Thành rất nhớ những thời khắc giao thừa trên vùng biển chủ quyền Hoàng Sa.

Ngư dân Lê Minh Trí trước khi xuất bến đánh bắt hải sản xuyên tết. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Ngư dân Lê Minh Trí trước khi xuất bến đánh bắt hải sản xuyên tết. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Trước đó, chiều cuối năm, những tàu cá đều thả neo, liên lạc với nhau qua bộ đàm hỏi thăm sức khỏe, diễn biến đánh bắt hải sản và gửi lời chúc tốt đẹp cho nhau vào năm mới sắp đến.

“Thời khắc giao thừa mọi nghi thức cúng tế thần biển được thực hiện đầy đủ như trên đất liền. Sau đó, các bạn biển cùng ngồi lại bên nhau nhâm nhi chén trà, ly rượu hay khui lon bia cùng uống và gửi lời chúc tốt đẹp cho nhau.

Qua giao thừa là lúc các ngư dân lại bắt tay vào công việc để thực hiện những mẻ lưới với nhiều kỳ vọng. Các tàu tỏa ra theo mỗi hướng đánh bắt mong khai thác đạt để sớm vào bờ sum họp, ăn tết muộn cùng gia đình” - ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang nói, bám biển xuyên tết là truyền thống quý của ngư dân trên địa bàn. Những tàu cá, ngư dân và lá cờ đỏ sao vàng hiện diện ở vùng biển Hoàng Sa là những cột mốc chủ quyền rất đáng tự hào.

Ông Dũng kể về tấm gương ngư dân một đời bám biển quanh năm, luôn có mặt ở Hoàng Sa vào cuối năm, dịp tết là ngư dân Huỳnh Văn Tạo. Tuổi cao, lao động nặng, ông Tạo không may bị tai biến khi đang sản xuất trên biển, được các ngư dân và các lực lượng chức năng sơ cứu, cứu chữa kịp thời trước khi đưa về đất liền. Ông Tạo không đi biển được nữa thì con trai ông là ngư dân Huỳnh Ngọc Vũ (như đã nhắc ở phần trên) thay cha có mặt trên biển sản xuất xuyên tết.

Bà Hồ Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải cho rằng, ngư dân đi biển xuyên tết không chỉ đơn thuần là đánh bắt, kiếm con cá, con mực mà còn là nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo mà bao thế hệ cha ông đã ngã xuống trên hành trình gìn giữ đến hôm nay.

Theo bà Thương, ngư dân bây giờ đi biển rất khó nhọc, ra khơi chuyến được chuyến không. Trong khi đó giá dầu, chi phí chuyến biển tăng cao chóng mặt. Rồi trữ lượng hải sản ở các vùng biển xa suy giảm. Nói vậy để thấy những chuyến biển xuyên tết của ngư dân là quý giá vô cùng.

“Ngư dân nặng lòng gắn bó với nghiệp biển vì là nghề của cha ông để lại. Làm ăn trên biển, cúng biển đầu năm mới cũng là nghĩa cử rất đáng trân quý” - bà Thương nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rộn ràng chuyến biển xuyên tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO