Những ngày này dạo quanh các vườn hoa trên địa bàn TP.Hội An và thị xã Điện Bàn đều bắt gặp không khí chộn rộn tại những vườn hoa phục vụ tết. Nhiều nông dân đang vui vì hoa năm nay được giá, trúng mùa.
Trồng mai cho thuê
Gần 100 chậu mai thế của nhà bà Trần Thị Lý, khối phố Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) đã nhú nụ sau những ngày mưa lạnh, báo hiệu hoa ra kịp tết. Từ 3 tuần trước, nhiều khách hàng đã đến đặt cọc thuê chưng tết bởi mai vườn bà Lý nổi tiếng đẹp và ra hoa trúng ngày.
Với giá thuê từ 8 – 15 triệu đồng cho 10 ngày tết (25 tháng Chạp đến mùng 5 tết), năm nay bà Lý hy vọng sẽ thu được 200 triệu đồng. Gia đình bà Lý được xem là một trong số ít người trồng mai lâu năm ở Hội An. Đến nay, cây mai cổ thụ nhất trong vườn nhà bà đã gần 50 tuổi. Mai vườn bà Lý không chỉ lâu năm mà còn được biết đến bởi cánh hoa đẹp và hình dáng bắt mắt nên rất nhiều người sành chơi mai thích thú.
Hầu như bà Lý không bán mai mà chủ yếu cho thuê, mặc dù có chậu được trả giá đến 100 triệu đồng. Những năm thời tiết thuận lợi, gia đình bà có thể thu vài trăm triệu đồng tiền cho thuê mai. Bà Lý cho rằng, nghe thì dễ nhưng có làm nghề mới thấy không hề đơn giản, nhất là kỹ thuật chăm sóc, thông thường để có cây mai ra hình ra dáng thời gian chăm sóc cũng mất hàng chục năm trời.
“Mùa tết năm nào trời nắng quá thì mình phải mua lưới về che để mai không bung sớm. Còn nếu hoa nở trễ thì phải nâng chậu lên khỏi mặt đất đặt lên đôn nhằm cắt đứt rễ của cây với mặt đất, sau đó bón phân nhẹ và tưới nước lạnh liên tục để cây nuôi hoa. Đến rằm tháng chạp chỉ cần hoa mai bung vỏ xanh thì chắc chắn trúng” - bà Lý nói.
Hoa được giá
Nghề trồng hoa tết được nhiều hộ nông dân xem như của để dành nên ai cũng tập trung cao độ vào những ngày cuối năm. Tại làng hoa Hà Đông (xã Điện Hòa, Điện Bàn), năm nay niềm vui được giá hiện diện khắp các vườn.
Bà Nguyễn Thị Có (tổ 4, thôn Hà Đông, xã Điện Hòa) chia sẻ, năm nay vườn nhà bà trồng 500 chậu cúc nhưng từ nửa tháng trước thương lái từ Đà Nẵng, Duy Xuyên, Đại Lộc… đã đến vườn đặt mua tất cả, dự kiến tầm 20 tháng chạp bắt đầu đến chở. Bà Có ước tính, trừ chi phí, năm nay gia đình có thể thu khoảng 100 triệu đồng, đủ cho một cái tết đầm ấm vui vẻ.
Dù trên địa bàn tỉnh nhiều nơi trồng hoa cúc nhưng hoa cúc Hà Đông vẫn được khách hàng ưa chuộng hơn cả, nên dường như năm nào cũng được người mua đến đặt cọc từ rất sớm. Theo ông Nguyễn Văn Sáu (tổ 4, thôn Hà Đông), hiện tại 100% cúc chậu trong vườn nhà đã được đặt mua, giá cũng cao hơn năm ngoái tầm 50 nghìn đồng/chậu, ngoại trừ những chậu lớn, đẹp giá 1,5 – 2 triệu đồng thì số chậu còn lại giá bình quân khoảng 800 nghìn đồng (chậu đường kính 70cm).
Năm nay, vườn ông Sáu trồng 1.500 chậu cúc, ngoài ra ông còn trồng 300 chậu vạn thọ và 500 chậu dạ yến thảo. Trong đó, vạn thọ được đặt mua hơn một nửa, còn dạ yến thảo đã bán lai rai hơn nửa tháng nay do thời gian hoa ra bông kéo dài. Nếu suôn sẻ, tết này vườn hoa sẽ mang lại cho gia đình ông Sáu khoảng 400 triệu đồng, khá cao so với trồng lúa hoặc các loại hoa màu khác.
Tuy vui vì được giá, nhưng ông Sáu cũng lo lắng vì không có người làm, nhất là lặt búp cho cây. Để làm sạch một chậu cúc, bình quân một ngày mỗi lao động lặt được 5 chậu, tiền công phải trả là 150 nghìn đồng. Từ rằm tháng 11 âm lịch ông Sáu đã kêu người làm, kể cả sinh viên nhưng rất hiếm người, chưa kể do không quen nên hiệu quả công việc không đạt, thậm chí gãy búp.
“Nghề này tính ra có lời nên trồng bao nhiêu cũng được, chỉ sợ kêu công không ra thôi. Vài ngày nữa tôi phải ra Phước Tường (Đà Nẵng) thuê người về lặt búp cho kịp, chậm nhất đến mùng 10 tháng chạp phải xong” - ông Sáu cho biết.