Ronald Haeberle - cựu phóng viên chiến trường Mỹ, tác giả chùm ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai vừa trở lại Việt Nam và mang theo cuốn sách “Tranh đấu cho hòa bình”.
Qua câu chuyện kể và đọc hết cuốn sách, tôi nhận ra, ông là một phần rất quan trọng của bức tranh “Join the revolt!” (cùng tham gia nổi dậy) của binh sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng ở mặt sau của sự tôn vinh, ông phải đối mặt với lời cáo buộc.
Ký ức phản chiến
Ronald Haeberle đáp xuống sân bay Đà Nẵng vào một ngày cuối tháng 2/2025. Ánh mặt trời làm ông nhớ lại 58 năm trước, lần đầu tiên bước ra khỏi phi cơ ở cạnh núi Dàng, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Nơi này giống như một phần thu nhỏ của Căn cứ Chu Lai ở Quảng Nam, với sân bay dã chiến, kho hậu cần phục vụ chiến tranh, máy bay lên xuống suốt ngày đêm.
Trong cuốn sách “Tranh đấu cho hòa bình” ông mang theo, trang đầu tiên là bức ảnh lính Mỹ phản chiến với dòng chữ khẩu hiệu “Join the revolt”.
Phần mở đầu, Giáo sư David Cortright viết, năm 1971, tạp chí uy tín của sĩ quan quân đội Mỹ Armed Forces Journal đã đăng bài “Sự sụp đổ của lực lượng vũ trang”, đề cập rằng, trừ một số trường hợp hiếm hoi, thì tinh thần kỷ luật, sức chiến đấu của quân đội Mỹ hiện ở mức thấp nhất, tồi tệ nhất trong thế kỷ này, thậm chí trong lịch sử nước Mỹ”.
Lính Mỹ trên các tàu sân bay còn phản chiến bằng cách tự phá hoại phương tiện, với 488 vụ, binh sĩ thường vắng mặt không phép (gọi là AWOL) để phản chiến gia tăng.
Giai đoạn từ năm 1966 - 1971, tỷ lệ đào ngũ trong lục quân Mỹ là 400%, tỷ lệ vắng mặt không phép là 17%, có năm 70.000 binh sĩ đào ngũ, có khoảng 300 tờ báo phản chiến đã ngầm được phát hành và được các binh sĩ Mỹ bí mật chia sẻ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lính Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam, trong đó, vụ thảm sát Mỹ Lai do phóng viên chiến trường Ronald Heaberle công bố như dầu đổ vào đống lửa phản chiến.
Cuốn sách viết: Cuộc bạo loạn xảy ra trên tàu sân bay USS Kitty Hawk vào tháng 10/1972 khi tàu này được lệnh đến Vịnh Bắc Bộ để ném bom. Kết cục 47 lính bị thương vong.
Cựu quân nhân Mỹ - Chuck Searcy kể lại việc đã bị gọi nhập ngũ năm 1966 khi đang học Đại học Georgia. Ông làm việc tại Trung tâm Tình báo Liên hợp Việt Nam đóng tại Sài Gòn. Khi đọc các tài liệu và bản Tuyên ngôn độc lập, Chuck Searcy nhận ra cuộc chiến này quá phi nghĩa.
Sau này trở về, ông đã thành lập Hội Cựu chiến binh phản đối chiến tranh Việt Nam. Cha mẹ ông thấy con xuất hiện trên ti vi kêu gọi phản chiến nên đã nổi giận và nói rằng, con trở về từ Việt Nam và đã thành cộng sản. Nhưng 2 năm sau đó cha mẹ của ông nói rằng, điều con làm là đúng, cuộc chiến này thật tồi tệ.
Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, các binh sĩ Mỹ đóng quân tại Fort Knox, bang Kentucky đã ngầm đăng tải thông tin trên tờ báo FTA. Ngoài ra còn có những tờ báo khác được các cựu binh Mỹ viết và truyền tay nhau như Up against the bulkead.
Chưa bao giờ nguôi
Vụ thảm sát Sơn Mỹ (My Lai Massacre - thảm sát Mỹ Lai) do Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lục quân Hoa Kỳ gây ra vào sáng ngày 16/3/1968.
Cựu Trung úy William Calley, người trực tiếp chỉ huy vụ tàn sát đã từng nói lời xin lỗi trước khi qua đời vào tháng 4/2024. Trước đó, ngày 8/4/2018, cựu Đại úy Ernest Medina, từng phụ trách Tiểu đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn 11 và là cấp trên ra lệnh cho Trung úy William Calley cũng đã qua đời.
Ronald Heaberle, nhân chứng quan trọng nhất thì vẫn đều đặn đi về giữa bang Ohio và Quảng Ngãi. Những người đi cùng ông cho biết, ám ảnh Mỹ Lai vẫn luôn trở thành ác mộng hàng đêm đối với Ronald Heaberle.
Từ năm 1997, Ronald Heaberle quay trở lại Việt Nam. Báo chí dành cho ông sự thiện cảm vì ông đã không ngần ngại, tố cáo tội ác của đồng đội mình. Trong cuốn sách “Tranh đấu cho hòa bình”, ông chia sẻ rằng, tất cả chúng tôi đều có tội.
Ronald Heaberle thuật lại, đi trên tỉnh lộ 521 và thấy lính Mỹ đang canh một đám người, rồi sau đó xả súng bắn. Hình ảnh lính Mỹ, Nam Triều Tiên gom dân tới một điểm và canh chừng mà ông miêu tả là hình thức khá phổ biến ở nhiều miền quê Quảng Ngãi và Quảng Nam trước năm 1975.
Nông dân thời đó gọi là tập trung dân và chong súng. Mỗi khi lính Mỹ và Nam Triều Tiên đi càn, người dân thường bị tập trung để tra hỏi về tình hình Việt cộng.
Trong đám đông này, nếu phụ nữ còn trẻ thì sẽ quẹt lọ nồi, bùn lên mặt để xấu xí, hôi hám; trẻ con được lính Mỹ phát kẹo. Phần lớn thanh niên, phụ nữ trẻ tuổi đều không có mặt, chỉ có người già, phụ nữ lớn tuổi và trẻ em.
Năm đó, Ronald Heaberle 27 tuổi, ông viết rằng, tôi không đứng về phía lực lượng phản chiến và không ủng hộ bạo lực, nhưng khi biết nạn nhân là các trẻ em gái, phụ nữ và độ tuổi của họ thì tôi không thể chấp nhận được.
Trong cuốn sách “Tranh đấu cho hòa bình”, Ronald Heaberle kể về vụ thảm sát Mỹ Lai: “Tôi đã chụp 21 tấm ảnh màu bằng máy ảnh của mình và thêm 40 tấm ảnh đen trắng bằng máy ảnh của quân đội. Tôi đã hủy 2 tấm, vì nhìn vào đó thì bạn sẽ biết họ là ai và đang giết người”.
Qua những cuộc nói chuyện của người thân thường gần gũi với ông, tôi nhận ra những tấm ảnh mà ông đã hủy chính là một phần của cơn ác mộng hàng đêm.
Sử học vẫn xét lại
Liên tục đi về giữa Mỹ và Việt Nam, Ronald Heaberle có vẻ thích một thứ bánh không có trong từ điển và ông gọi là bánh quy lớn. Ngồi vào bàn ăn, ông ra hiệu, muốn 1 cái bánh quy lớn (bánh tráng).
Trong ngôi nhà của ông ở Mỹ cũng có những biểu tượng về Việt Nam, trên tường nhà treo Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ 1954, người phụ nữ Việt Nam màu gụ, cảnh chài lưới trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, hình con trâu được khắc trên gỗ.
Nhiều bài báo viết về ông và tình cảm dành cho Việt Nam, nhưng có những nhà sử học ở Mỹ lệch lạc xem đó là sự phản bội Tổ quốc. Ronald Heaberle nói rằng, mình không tham gia phong trào phản chiến, nhưng nhìn cuốn sách ông cầm trên tay và đọc những dòng tự sự, tôi nhận ra, ông chính là một đốm lửa.
Những câu chuyện trong sách là một phần phiên bản của ông. Ví dụ như cựu phi công F4 là Gene Wilber, một nhân vật được đề cập trong sách. Ông cất cánh từ tàu sân bay USS America để ném bom miền Bắc vào ngày 16/6/1968, sau đó máy bay bị bắn rơi.
Ngồi ở nhà tù Hỏa Lò, Gene Wilber tiếp cận nhiều thông tin về chiến tranh. Chính quyền Hà Nội thường chia sẻ với tù binh về những vụ thảm sát do lính Mỹ, Nam Triều Tiên gây ra ở miền Nam, trong đó có vụ thảm sát Mỹ Lai, 504 nạn nhân, vụ thảm sát Bình Hòa (Quảng Ngãi) 430 nạn nhân, vụ thảm sát ở Hà My huyện Điện Bàn, 135 nạn nhân...
Gene Wilber bắt đầu nhận ra vấn đề và phản chiến, lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh của ông được phát sóng trên Đài Phát thanh Hà Nội. Gene Wilber được trao trả và trở về Mỹ sau 4 năm 9 tháng bị giam giữ tại Hà Nội, ông đã đối mặt với nhiều lời cáo buộc tại Mỹ là đã ủng hộ Cộng sản.
Ông bị gạt ra khỏi danh sách tặng Huân chương tù binh của Hải quân Hoa Kỳ. Năm 2007, một số nhà sử học người Mỹ đã xuất bản sách về tù binh chiến tranh và đã bóng gió nói cạnh khóe rằng, những người tù phản chiến sẽ phải sống trong hổ thẹn đến hết cuộc đời.
Lời bóng gió đó không chỉ ám chỉ Gene Wilber, mà còn dành cho những cựu binh như Ronald Heaberle, người đã đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng.