Giao thương, đầu tư rộng cửa khi Việt Nam - Hoa Kỳ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Quảng Nam làm gì để tận dụng cơ hội song phương này?
Thị trường xuất khẩu lớn
Năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO) xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước đạt 120 triệu USD, trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Quảng Nam có mối quan hệ đối tác kinh doanh tốt với doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Là tập đoàn công nghiệp đa ngành, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, THACO đã ký kết hợp tác với khoảng 20 khách hàng Hoa Kỳ, xuất khẩu sang thị trường này các sản phẩm chủ lực gồm sơmi rơmoóc, thiết bị, sản phẩm cơ khí, linh kiện phụ tùng trong và ngoài ngành ô tô.
Nhiều năm qua Hoa Kỳ được xem là thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp Quảng Nam (hoặc đóng chân trên địa bàn tỉnh). Tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn), khảo sát sơ bộ cho thấy khoảng 60% doanh nghiệp có hàng hóa xuất sang Hoa Kỳ.
Tại Công ty TNHH Việt Vương (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc), hơn 90% đơn hàng may mặc được xuất sang Hoa Kỳ, góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.900 công nhân của doanh nghiệp.
Hoa Kỳ không chỉ là đối tác thương mại lớn mà còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh (chiếm khoảng 56,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh/năm).
Trong 10 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu của Quảng Nam sang Hoa Kỳ đạt 438,45 triệu USD, hàng hóa chủ yếu gồm sản phẩm may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, thiết bị điện tử, bóng đèn, chip điện tử, sơmi rơmoóc, sản phẩm cơ khí, linh kiện phụ tùng ngành ô tô...
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, với việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, doanh nghiệp Quảng Nam sẽ có nhiều cơ hội đưa hàng hóa vào thị trường quốc gia này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Quảng Nam cũng sẽ đối diện không ít khó khăn bởi nhiều quy định, thủ tục phức tạp, nhất là các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Ông Christopher Allan Vanlion - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam chi hội Đà Nẵng cho rằng đa số doanh nghiệp quy mô lớn ở Hoa Kỳ đều rất quan tâm đến công nghiệp bền vững. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam có quy mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI, năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng, do đó thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng toàn diện yêu cầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Nhiều dư địa hợp tác
Tháng 8/2023, lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn THACO đã đón tiếp, làm việc với đoàn quan chức, doanh nghiệp bang California (Hoa Kỳ) đến tìm hiểu, hợp tác phát triển các lĩnh vực cảng, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu…
Kết quả, một biên bản ghi nhớ (MOU) thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Thaco Industries với cảng Oakland và Công ty California Waste Solutions đã được ký kết, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm hiểu, đầu tư vào Quảng Nam.
Trước đó, ngày 13/4/2023, Công ty Ultimate Earth Inc (Hoa Kỳ) cũng đã đến Quảng Nam khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất dầu diesel sinh học (biodiesel), thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ từ cây bèo lục bình.
Ngày 3/8/2023, đoàn quan chức và doanh nghiệp lớn bang California đã “bất ngờ” chọn Quảng Nam (cùng Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Long An), mong muốn hợp tác phát triển cảng, năng lượng sạch và “dành chỗ” hợp tác hai chiều về xuất nhập khẩu, chống biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng xanh...
Dù vậy, những “sự kiện” trên được cho là khiêm tốn nếu so với tiềm năng, lợi thế. Tính đến cuối năm 2023, trong số 194 dự án FDI đầu tư vào Quảng Nam (tổng vốn đầu tư 6,06 tỷ USD), chỉ có 7 dự án FDI Hoa Kỳ (tổng vốn đăng ký 5,86 triệu USD).
Đây hầu hết là dự án được cấp từ năm 2021 trở về trước. Nếu so sánh với TP.Đà Nẵng (81 dự án đầu tư từ Hoa Kỳ với tổng vốn hơn 487,85 triệu USD) thì số dự án các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Nam quá ít.
Cơ hội lại được mở ra khi ngày 10/9/2023, Hoa Kỳ - Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Quảng Nam làm gì để đón làn sóng đầu tư và mở rộng giao thương Hoa Kỳ?
Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hoa Kỳ đã ghi nhận tiềm năng, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Quảng Nam sẽ xúc tiến đầu tư thành lập khu công nghiệp Quảng Nam – Hoa Kỳ.
Khu công nghiệp này sẽ ưu tiên thu hút ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành kinh tế số (công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, năng lượng sạch...).
Ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ với sự tham gia của doanh nghiệp địa phương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
“Các doanh nghiệp Quảng Nam thêm cơ hội giao thương thuận lợi. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ quyết định rót vốn vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hàng không, công nghiệp xanh, năng lượng xanh, phát triển bền vững.
Đây là định hướng của Quảng Nam trong việc chuyển hướng thu hút FDI chất lượng cao. Tiềm năng thu hút đầu tư của địa phương rất lớn, khi còn nhiều dư địa để phát triển, từ đất đai, hạ tầng, nhân lực trẻ tay nghề cao, chi phí lao động thấp...” - ông Hồ Quang Bửu nói.