“Rồng cuộn” Trung Phước

MẠC LY 25/05/2013 10:13

Theo phong thủy, nhiều bậc cao niên cho rằng thế đất Trung Phước là thế rồng cuộn. Đầu rồng gác bến Gành, sống lưng là con đất Gò Đồn còn đuôi rồng thả dài ở Bà Xù. Câu chuyện ở đất “rồng cuộn” Trung Phước dằng dặc kể từ thời lập ấp, xây đình và trải qua chiến tranh loạn lạc, để rồi thức dậy sau giấc ngủ dài…

Nằm trong vùng đất tổng Trung Lộc xưa, làng Trung Phước là một trong những nơi phồn thịnh nhất phía hữu ngạn thượng nguồn sông Thu. Hồi đó, Trung Phước có 6 phái gồm Thượng, Trung, Hạ, Thị, Trà Viên, Giáp Nam, ứng với bây giờ lần lượt là Cà Tang, Trung Phước 2, bến xe Trung Phước, trạm Kiểm lâm, Trung Phước 3, Bàu Đĩa. Mặc dầu nhiều phái như vậy, nhưng giữa các phái vẫn giữ được những quy ước tốt đẹp của cộng đồng.

Chợ Trung Phước hôm nay. Ảnh: L.VŨ
Chợ Trung Phước hôm nay. Ảnh: L.VŨ

Một khi đời sống cộng đồng ổn định, dân làng quan tâm nhiều đến đời sống tâm linh, và đình làng Trung Phước ra đời từ đó. Có tư liệu xác định đình xây xong vào năm 1825, đại trùng tu năm 1917.  Đình hướng về phía tây bắc, ngóng qua làng Đại Bình, lưng dựa vào chùa Thanh Phước bây giờ. Đình xây 4 mái, thành ngoài có bình phong, tạc tượng chúa sơn lâm, trên nóc tạc lưỡng long chầu nguyệt. Nếu như đình Trung Lộc được xây dựng kiên cố bởi 20 cột, thì đình Trung Phước cũng khá vững chãi với 16 cột. Đặc biệt, ở cột hàng nhất có những câu liễn đối như không gian được mô tả: “Cột lớn liễn đôi vàng nước nhũ/ Nóc cao rồng cặp sẫm rêu chua” (Luyến đình làng ngoại – Ngọc Ninh).

 Tường đình xây bằng đá núi, dày hơn 0,2m. Đá diện sáu mươi vuông, kể cả đá lót chân cột cũng vậy. Trong khuôn khổ một đình làng, người ta xây thêm một hội hương phía bên trái mặt đình, lưng dựa vào Gò Đồn. Các chỗ ngồi được lót ván, khép ô vuông, trải chiếu rất trang trọng. Nơi đây, các bô lão, hương chức họp bàn việc cúng lễ xuân kỳ, thu tế và những việc hệ trọng cho cả làng. Nếu các tộc ở làng Trung Phước thờ 4 vị tiền hiền họ Tạ, Nguyễn, Lê, Huỳnh thì đình làng Trung Phước thờ Thành hoàng và chư thần. Và hình như khi đình tọa lạc nơi đây, người dân phía thượng nguồn như được tiếp thêm sức mạnh bởi họ có thêm điểm tựa tinh thần, giúp họ vượt qua nguy hiểm, chống chọi thiên tai khắc nghiệt để sinh tồn.

Một điều rất lạ, chẳng biết có phải đình làng Trung Phước đặt trên lưng thế rồng cuộn hay không mà kẻ thù xâm lược thường thả bom không trúng vị trí chúng muốn. Bom cứ ngoài bãi, ngoài sông, ngoài khe mà rơi...

Trước đình có chợ. Người xưa quả tinh đời, bởi “nhất cận thị, nhị cận giang”. Trung Phước một thời sầm uất, hưng thịnh chưa từng thấy. Nhưng có thể nói đẹp nhất và sinh động nhất ở khu vực chợ lúc bấy giờ là vào dịp tết cổ truyền và mùa Trung thu. Biết bao sắc màu rực rỡ đua chen, lung linh sức sống một vùng quê. Nơi đây ghe thuyền thường xuyên xuôi ngược. Thuở đó, cứ chiều chiều tầm 3 - 4 giờ, ghe lớn hai buồm, ghe nhỏ một buồm nương theo gió nồm nườm nượp cập bến…

Trong kháng chiến chống Pháp, đồng bào một số vùng bị giặc tạm chiếm như Hội An, Đà Nẵng cùng các vùng lân cận tản cư lên Trung Phước. Phần lớn họ tập trung ở khu chợ nên chợ càng trở nên sầm uất. Mặt khác, nơi đây là trung tâm dừng chân của cán bộ quân chính từ Bắc vào Nam và ngược lại. Do đó, người người tiếp thu được văn hóa phong tục, tập quán văn minh các miền. Cũng trong kháng chiến, nhân dân ta kiên trì bám đất bám làng, nên bọn địch muốn “san bằng” nơi đây. Chúng oanh tạc ban ngày không đủ còn hoành hành vào ban đêm. Một điều rất lạ, chẳng biết có phải đình làng đặt trên lưng thế rồng cuộn hay không mà địch thường thả bom không trúng vị trí chúng muốn. Bom cứ ngoài bãi, ngoài sông, ngoài khe mà rơi.

Cũng trong chiến tranh, chợ cơ động di chuyển nhiều nơi. Lần đầu dời về vị trí trường THCS Quế Trung bây giờ, lần thứ 2 dời đến vườn ông Cửu Bốn Điền (chợ Trung Phước). Chiến tranh ác liệt, thực dân chẳng từ một thủ đoạn nào, nên người dân cũng không dám tập trung đông vào ban ngày. Nhưng cuộc sống không thể không tiếp diễn. Có điều, mọi hoạt động đều lùi vào ban đêm: cày ruộng, đi học, khám bệnh… Đặc biệt, họ họp chợ cũng vào ban đêm. Leo lét những bó đuốc, những ánh đèn, nhưng sự sống vẫn ngoi lên tồn tại ở đó. Những hột muối, những lon mắm, trong kháng chiến theo con nước ngược dòng, khó khăn lắm mới về đến nơi đây.

Hình ảnh chợ đêm thuở xưa tuy không còn nữa, nhưng mỗi lần nhắc đến ta vẫn nghe trái tim thổn thức. Bởi lẽ, không riêng gì Trung Phước mà biết bao làng quê Việt Nam thuở ấy cũng nhóm chợ ban đêm như vậy. Chợ đêm không đơn thuần là trao đổi mua bán, mà nó còn biểu tượng cho sức sống bền bỉ của xóm làng, muốn vươn lên, muốn thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt. Bom đạn kẻ thù có thể xóa nhòa nhà cửa, ruộng nương, nhưng không thể nào dập tắt sức sống tiềm ẩn tự ngàn đời của một dân tộc.

Chiến tranh và lụt năm Thìn lịch sử đã làm làng quê Trung Phước biến động nhiều. Chợ cũ cũng như đình làng chung của các phái không còn nữa. Nhưng theo dấu chân xưa, Trung Phước bây giờ là một trong những mảnh đất phồn thịnh nhất phía thượng nguồn sông Thu, là trung tâm của một huyện mới vừa chia tách. Sức sống tiềm ẩn tự ngàn xưa, đến bây giờ mới có dịp chuyển mình trỗi dậy. Nơi đây là trung tâm của huyện Nông Sơn. Sau giấc miên trường, Trung Phước thức dậy với khuôn mặt tươi tắn hơn bao giờ hết. Điện, đường, bệnh viện, trường học… thật khang trang, là một điểm đến lý tưởng cho du khách dọc triền sông Thu.

MẠC LY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Rồng cuộn” Trung Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO