Năm rộng, tháng dài, rồi cũng chạm ngày tháng Chạp. Tháng Chạp, biển quê mình lội mùa bão gió. Nắng không còn chang chang, bỏng rát dấu chân trên cát. Có những ngày mưa mù khơi, mưa vỡ bọt sóng, mưa áp chặt bờ… Vẫn tất bật, vẫn vội vàng, trong cha giờ thêm những nỗi lo mang tên tháng Chạp.
Cơn lũ vừa đi qua, để lại ngôi nhà chơ vơ những chân cột lạnh. Phía chái bếp gió lùa, con hình dung, cha sẽ lại thổi lửa cay mắt bởi những nắm lá dương liễu còn âm ẩm sương biển. Mùa này, sương sớm vẫn dày từng mảng, người đi chỉ cách nhau chừng một sải tay vẫn rất khó nhận ra nhau. Cha dậy thổi cơm rồi cõng lưới đi biển sớm. Con lo cha lại giẫm phải những chùm gai xương rồng già rụng ở ven đường, khiến bàn chân đau nhói. Con đã không còn tuổi chạy nhảy tung tăng trong sân nhà mình, để những buổi chiều chờ cha về, con vội vàng đi tìm chiếc kim may rồi giúp cha lấy ra chiếc gai nhọn ấy, mà mắt cha giờ cũng đã lờ mờ lắm.
Biển tháng Chạp, sau những ngày sóng duềnh lên theo cơn lũ thượng nguồn, trở về cái khoảnh khắc lắng lại hiếm hoi. Và thời điểm đó, theo kinh nghiệm của người làng chài, giăng lưới nơi nào cũng trĩu nặng cá tôm. Qua những ngày đón lộc biển sau lũ, mặc cho sóng cả, cha vẫn cứ ra khơi. Có lần mẹ bảo cha, biển động thế này, cha đừng đi quăng lưới nữa. Cha vẫn cười, người khác sợ nhưng cha không sợ. Cả cuộc đời lênh đênh trên biển, nhìn mây trời, khắc biết lựa lúc mà lên bờ. “Sắp tết rồi, kiếm mẻ cá về, mẹ nó đi chợ, sửa soạn cho con bộ quần áo mới”. Năm nào cha cũng say những mẻ lưới tháng Chạp như thế cho đến tận ba mươi tết. Rồi có một hôm, bà Năm từ biển chạy về, vừa thở hổn hển, vừa gọi đứt quãng: “Mẹ con Tít đâu… ra khênh… khênh về…”. Đời người đàn bà làng biển, đã qua mấy bận “nước mắt làng chài”, mẹ bỏ nồi cơm đang sôi sùng sục trên bếp, chờ cha về để sắp mâm cỗ cúng tất niên; mẹ lao nhanh về phía cổng nhà mà chân tay như bủn rủn. Thấy mẹ, bà Năm mừng khấp khởi: “Cha nó trúng mẻ cá lớn, nhắn tôi gọi cô ra gỡ cá, nhanh còn khênh về bán cho kịp phiên chợ tết”. Trong lồng ngực mẹ lúc ấy, trái tim như đập lại những nhịp đập mới...
Mẻ lưới ngày cuối năm nặng trĩu. Mẹ sắp lại mấy con cá bè xước, cá thu, cá ngân… để làm mâm cơm tất niên; một phần chia cho các bác, các chú; phần dành con đi tết thầy, rồi gánh phần còn lại ra chợ bán. Ba chị em sung sướng khi nhìn những con ghẹ sứt yếm, gãy càng. Con bé Út cứ lăng xăng chia đều chỗ ghẹ và cả chỗ càng ấy, nó còn đòi lấy bút màu đánh dấu phần ghẹ của mình rồi mới chịu đem đi luộc. Có bận nó đã bị mắng vì cứ khư khư giữ lại những con ghẹ xanh, ghẹ ba chấm còn nguyên càng. Nhất định không cho mẹ mang đi chợ bán. Nó vừa khóc, vừa thắc mắc, con ghẹ to thế, đẹp thế lại không để phần cho nó mà lần nào mẹ cũng mang ra chợ bán cho người khác. Mắt mẹ rơm rớm mà không thể nói cho nó biết rằng, chỉ cần vài ba con tôm, con ghẹ ba chấm còn nguyên vẹn, cân cho cửa hàng xuất khẩu là đã đổi được vài ba bữa cơm cho cả gia đình.
*
* *
Tháng Chạp này cha vẫn ra khơi. Được mẻ cá tôm, cha lại gọi điện: “Cha để dành phần cá, để con về thì đi tết thầy. Có mấy con ghẹ xanh, ghẹ ba chấm, cha nói Dì không bán nữa, để về nấu cháo cho mấy đứa cháu. À, mà tết này mấy đứa có về không? Nếu chưa thu xếp được thì…”. Trong điện thoại, giọng cha nghèn nghẹn. Năm nào cha cũng khép lại chuyện mong ngóng các con về chơi tết bằng câu nói “Nếu chưa thu xếp được…”. Cha luôn dặn, phận gái theo chồng, ngày lễ, tết phải lo vun vén chu toàn cho nhà chồng, rồi mới đến lượt nhà mình. Đừng để người ta chê cười, rằng cha không biết thay mẹ dạy con đi làm dâu.
Không dưng mà mắt con cay như phải ớt. Tết này, nhất định chúng con sẽ về, cha ạ!.
HOÀNG CÚC