Cà phê sáng ở Phan Thiết (Bình Thuận) cùng anh bạn. Xong, anh rủ đi biển Cổ Thạch chơi “vì mùa này biển rong rêu đẹp lắm”…
Cổ Thạch rong rêu đến huyền diệu. Ảnh: VÕ HOÀI HUY |
Từ TP.Phan Thiết chúng tôi chạy xe máy theo quốc lộ 1 khoảng 90km thì ra đến ngã 3 Duồm của huyện Tuy Phong, sau cú rẽ phải, men theo con đường quanh co sát biển chừng 4km là đến biển Cổ Thạch. Thật ra, đến bãi biển này còn có nhiều con đường khác, thậm chí là dễ đi hơn lối chúng tôi đã chọn. Bù lại, chúng tôi được ngắm những bãi biển khác cũng khá đẹp của Tuy Phong trước khi chiêm ngưỡng Cổ Thạch.
Nói đến Cổ Thạch, những kẻ mê du lịch biển nghĩ ngay tới bãi biển nổi tiếng với những viên sỏi 7 màu lấp lánh dưới nắng. Nước biển xanh trong, đá biển với muôn hình kỳ thú là những điều góp phần tạo nên nét riêng của Cổ Thạch. Những lần đi trước, chúng tôi thỏa thích vẫy vùng trong làn nước biển trong vắt, mát lạnh đến từng thớ da thịt. Thích nhất là lặn ngắm san hô với bao mảng màu đa sắc, bầy cá tung tăng lượn… Kỳ thực, phía trên bãi biển đắm lòng du khách bao nhiêu thì đáy biển như mời gọi du khách bấy nhiêu.
Nhưng lần này, điều lôi cuốn chúng tôi đến Cổ Thạch không phải những gì đã nói ở trên, mà là những thứ được tạo nên từ... thế giới rong rêu. Bình Thuận vào mùa nắng sớm, rong rêu ở đá biển vì thế mà nên hình hài sớm hơn so với những nơi khác. Khắp bãi biển dài chưa đầy 1km lúc này như thuộc về cõi ảo huyền: sóng biển thì nhẹ nhàng vỗ bờ, 7 màu đá biển thi nhau khoe sắc, rồi rong rêu vàng xanh hòa lẫn đến mê lòng. Vì thế, anh bạn đi cùng lôi máy ảnh ra, rồi mê mải tìm góc đẹp mà chụp lấy chụp để quên cả… tôi! Thỉnh thoảng anh bảo, “tuổi đời” của rong rêu ở đây không dài lắm, chỉ tầm một tháng đến 2 tháng. Thời gian rong rêu nhiều, và đẹp nhất là bắt đầu sau tết khoảng 1 tháng, khi mà tiết trời bắt đầu nắng dần lên. Nhưng nắng quá, rong rêu không còn, nếu có, chúng chỉ xù xì chứ không còn vẻ mượt mà nữa.
Đoạn anh dẫn tôi đi về phía có nhiều tảng đá to với muôn hình kỳ thú như thạch cung. Qua hết thạch cung, tôi bất ngờ khi trước mặt là bãi cát vàng lấp lánh. Đây là bãi Tiên, bởi người dân địa phương có truyền thuyết rằng, xưa nơi này từng có nhiều tiên nữ xuống tắm và múa hát. Dưới chân thạch cung ở bãi Tiên có một hang động ăn sâu vào núi, liền với phía sau lầu Trống của chùa Hang - một ngôi cổ tự cũng khá nổi tiếng gần biển Cổ Thạch.
Chúng tôi đợi đến lúc hoàng hôn thả từng vạt nắng cuối ngày xuống Cổ Thạch mới chịu ra về. Vào khoảnh khắc đó, tưởng chừng như lạc vào chốn thần tiên trong những bộ phim kiếm hiệp. Nền trời vàng ươm, màu rêu xanh tươi tắn, sóng biển như bạc đầu. Tất cả cơ hồ huyền diệu tựa miền cổ tích.
XUÂN KHÁNH