Rong ruổi cá cảnh

XUÂN KHÁNH 07/04/2015 09:58

Không nhiều vốn để làm ăn gần nhà, nhiều người phải chấp nhận cảnh xa vợ con và rong ruổi mưu sinh cùng cá cảnh.

Lang bạt mưu sinh

Tam Kỳ trưa đổ nắng, xe cộ qua lại ít hẳn, anh Huỳnh Văn Thọ, 37 tuổi, cho xe tấp vào lề đường, chọn chỗ mát dưới bóng cây ven đường và ngồi bệt xuống, lấy vội hộp cơm ra ăn. Lát sau, anh Nguyễn Thạnh, 48 tuổi, cho xe đến và nhanh nhẹn những động tác như anh Thọ. Cả 2 anh đều quê ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), có thâm niên bán cá cảnh hơn chục năm, chừng ấy năm đồng hành rong ruổi. Cơm nước xong, anh Thạnh cười bảo, cái nghề này nó lang bạt vậy, đến bây giờ cũng 14 năm rồi chứ ít đâu. “Nhưng ở làng tôi, ai ai cũng xa nhà đi bán cá cảnh. Chấp nhận thôi, ruộng ít, bám vào thì không đủ ăn, sau khi làm nhiều nghề tôi lấy nghề này mưu sinh, tính ra cũng không đến nỗi nào. Hồi mới vào nghề, tưởng chừng không chịu được, như muốn bỏ để tìm nghề khác, thế mà lần hồi rồi cũng qua”- anh Thạnh kể. Tôi hỏi sao mà muốn bỏ. Anh Thạnh đáp: “Nghĩ mà coi, quanh năm suốt tháng xa nhà, nhớ vợ nhớ con sao chịu cho thấu”. Và như muốn để tôi hiểu hơn, anh kể: “Hễ bước ra khỏi nhà là không định ngày trở về, cứ thế đi bán miết, chỉ khi nào nhà có chuyện hay cảm thấy kiếm được chút tiền mới về thăm nhà và đưa tiền để vợ lo cho con cái”.

Người bán cá cảnh mắc võng nghỉ trưa trên lề đường Phan Bội Châu (Tam Kỳ). Ảnh: X. KHÁNH
Người bán cá cảnh mắc võng nghỉ trưa trên lề đường Phan Bội Châu (Tam Kỳ). Ảnh: X. KHÁNH

Mắc xong chiếc võng, thả lưng xuống, anh Thọ góp chuyện, rằng nghề này là nghề ăn đường, ngủ đường, chỉ đến khi tối lại mới thuê phòng rẻ tiền để qua đêm. Được biết, nguồn cá cảnh được lấy từ phía nam, khi các anh đi đến đâu mà bán hết, thì điện thoại người ta gửi ra tận nơi. Rủi ro nhiều, như gặp lúc cá chết trên xe, rồi thời tiết nắng quá hay lạnh quá cũng làm cá chết người mua đều phải chịu tổn phí. Di chuyển bằng xe máy nên không có nhiều không gian để gắn các máy ôxy, đây cũng là nguyên nhân người bán đối mặt thêm rủi ro “lỗ vốn”.

Những người bán cá cảnh dạo thường chọn những loại phổ biến, giá cả vừa phải như cá chim, chép Nhật, Tân Châu… với loại nhỏ và vừa là chủ yếu, có giá dao động từ 5.000 đồng đến khoảng 100 nghìn đồng. Bù đi bỏ lại, mỗi ngày người bán cá cảnh cũng chỉ kiếm được khoảng 100 nghìn đồng. “Sợ nhất là đến những nơi có các đại lý lớn bán cá cảnh, vì mình không thể cạnh tranh giá, mà bán giá thấp thì không có lời. Mỗi nơi đến, nếu bán được thì ở thêm, không thì đi nơi khác bán. Như Tam Kỳ này, hôm nay đã là ngày thứ 3 mà bán không được bao nhiêu, chắc mai phải dạt ra Thăng Bình thử sao”- anh Thọ cho hay.

Lắm đắng cay

Trên đường Phan Bội Châu (TP.Tam Kỳ), tôi gặp nhóm hai người ở Núi Thành đang nằm võng nghỉ trưa bên đường. Đó là anh Hoàng Hữu Phúc, 46 tuổi và Trần Trọng Kim, 39 tuổi. Cả hai anh đều có 11 năm bán cả cảnh, cũng chừng ấy năm hai anh gặp nhiều chuyện đắng cay. “Anh em thường đi cùng để dễ bề hỗ trợ nhau, vậy mà có hôm, mình đang bán thì có người bảo xe sau bị hết xăng, nhắn biểu tôi đi mua giùm. Dựng xe đi mua xăng cho bạn nghề, gặp mới biết là bị lừa, hôm ấy mất mấy chục con cá, khoảng hơn 700 nghìn đồng” - anh Phúc chua chát kể.

Còn anh Kim kể: “Hồi trước tết, ở Điện Bàn, sau khi lấy cá từ Sài Gòn gửi ra, hai anh em chỉ còn hơn 200 nghìn đồng của anh Phúc. Thấy nhóm thanh niên đến mua nên mừng lắm, không ngờ chúng dàn cảnh móc túi, đến lúc đi ăn cơm mới hay. Không có tiền thuê phòng nghỉ, hai anh em xin ngủ nhờ, năn nỉ đến mấy mà không được, bởi ai cũng sợ vì không biết mình là ai. Đêm đó hai anh em ngủ vỉa hè, may mà sáng hôm sau có người mua cá sớm nếu không là hai anh em nhịn đói”. Anh Trọng cũng cho hay, từ lúc làm nghề bán cá cảnh, hai anh đã rong ruổi nhiều nơi như Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…

Gian khổ, đắng cay là vậy nhưng không bỏ được, “mưu sinh nghề nào mà chả nhọc nhằn, bám trụ với nghề, nghề mới nuôi mình được”. Cũng từ bám trụ với nghề được mà anh Phúc lo cho hai con vào đại học, đứa lớn vừa ra trường đã xin được việc, đứa nhỏ đang năm nhất. Trong khi ấy, nghề bán cá cảnh dạo cũng giúp cho anh Kim lo chu toàn cho hai con, một đứa cấp ba, đứa còn lại cấp hai. Nhiều người bán cá cảnh dạo tâm sự, tuy vất vả nhưng đỡ hơn làm ruộng, có điều không buôn bán được quanh năm bởi thường chịu ảnh hưởng thời tiết.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rong ruổi cá cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO