Cuộc sống thường ngày

Rong ruổi với rừng…

ALĂNG NGƯỚC 13/02/2024 08:19

Chuyến tuần tra đột xuất cuối năm, đôi khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam phải ở lại trong rừng, đón tết xa nhà. Chừng quá quen với nghề, bên trong từng chiếc ba lô căng đầy, ngoài tư trang và dụng cụ tuần tra luôn có đòn bánh tét, cùng vài gói hạt dưa mang theo để lên ngàn.

tnb-62052.jpg
Đội tuần tra đặt bẫy ảnh tại vị trí xác định nhằm “truy vết” Sao la. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đón tết giữa rừng

Nguyễn Lê Anh Luân, chàng trai 30 tuổi có nét mặt thư sinh pha chút bụi trần, quê ở TP.Đà Nẵng, kể về những khoảnh khắc cùng đồng đội đón tết ở rừng vào năm 2021.

Lúc đó, đội tuần tra gồm 4 người, được giao nhiệm vụ tuần tra giám sát đa dạng sinh học và bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh ở tiểu khu 14, thuộc lâm phận thôn Đang (xã Bha Lêê, Tây Giang), tiếp giáp ranh giới với huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Đội tuần tra phân chia theo từng ca trực, kéo dài từ 28 tháng Chạp cho đến mùng 5 Tết Nguyên đán. Thời điểm này, các hàng quán đã nghỉ bán, toàn bộ đồ đạc, chủ yếu là thực phẩm đều được mang theo từ gia đình.

“Trước khi đi, mỗi người tự sắm sửa vài đồ dùng cần thiết. Có người mang đòn bánh tét, bánh chưng, thịt heo muối; cũng có người sắm ít bánh kẹo, hạt dưa nhét vào ba lô để anh em cùng ăn tết ở trong rừng” - anh Luân chia sẻ.

Với diện tích vùng lõi hơn 15.486ha và vùng đệm hơn 35.135ha, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm lâm luật được Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam phát hiện, xử lý.

Mỗi năm, các thành viên của đơn vị tháo gỡ hàng nghìn chiếc bẫy thú và tuyên truyền cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

Tròn 10 năm gắn bó với nghề, anh Luân kể, nhiều chuyến tuần tra, anh cùng đồng nghiệp phải vượt qua ghềnh thác, núi cao hiểm trở; thường xuyên đối mặt với mưa rét, có khi lũ bất ngờ đổ về.

Ở trong rừng, anh em dựng tạm lán trại để nghỉ. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều diễn ra tại lán trại đó. Ban ngày anh em phân công nhau đi tuần tra, đặt bẫy ảnh, chiều tối về lán trại ghi lại nhật ký hành trình.

Khoảnh khắc sáng mùng 1 tết thật đáng nhớ với Luân và đồng đội, vì đây là lần đầu tiên ăn tết trong rừng. Luân kể, sáng hôm ấy, anh em dậy rất sớm để tận hưởng không khí đầu năm.

Tối hôm trước, cả đội quây quần bên bếp lửa. Nơi này, không có sóng nên mỗi người chỉ có thể lấy điện thoại để lưu lại hình ảnh và mở những đoạn video cũ quay vợ con cho vơi nỗi nhớ nhà.

Buổi sáng đầu năm, một bữa cơm đạm bạc được dọn lên, nhưng có bánh tét, thịt muối, dưa hành... Trong sương sớm của núi, những lời chúc nhau tạo nên không khí tết ấm áp giữa rừng.

tnb-62052-05.jpg
Cá thể động vật được phát hiện qua hệ thống bẫy ảnh. Ảnh: SAO LA

Theo dấu vết Sao la

Thông thuộc địa hình của núi hơn cả những người bản địa, Pơloong Rơn - chàng trai Cơ Tu ở xã A Ting (Đông Giang) có biệt tài nhớ chính xác đường đi sau mỗi lần tuần tra.

Ngoài kinh nghiệm, Pơloong Rơn nói, anh có thói quen chú ý đến từng chi tiết ven hành trình ngược núi. Nhờ vậy, hạn chế tình trạng lạc trong rừng, đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi.

Pơloong Rơn kể, nhiệm vụ được giao là “truy vết” loài sao la nên gần như anh em đều ở trong rừng. Có khi là vài ngày, thậm chí là vài tháng, hễ có nguồn tin từ nhân dân, ngay lập tức anh em có mặt để khoanh vùng bảo vệ. Những chiếc bẫy ảnh được tăng cường ở các cánh rừng.

“Mới đây, hồi tháng 4/2023 vừa rồi, một nhóm người dân ở thôn Đang (xã Bha Lêê) báo tin phát hiện một cá thể trông giống sao la. Nguồn tin được xác minh, anh em tức tốc cắm chốt trực ở khu vực mà người dân báo tin suốt vài tháng liền, nhưng tiếc là chưa phát hiện được gì” - Pơloong Rơn chia sẻ.

Hành trình theo dấu chân sao la với muôn vàn hiểm nguy, nhưng anh em đội tuần tra động viên nhau vượt qua trở ngại. Anh Hồ Quốc Cường, thành viên tổ tuần tra kể, có lúc đang ở lán trại thì lũ từ đầu nguồn đột ngột đổ về. Có đợt, xoong nồi và cả thực phẩm bị cuốn trôi. Cũng may anh em còn gạo nên chặt ống tre để nấu, ăn chống đói, chờ tiếp viện.

“Nguy hiểm nhất là đối mặt với các thợ săn, họ có súng tự chế, nhưng anh em vẫn phải làm nhiệm vụ, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi khu vực. Hơn nữa, đi trong rừng, không may có thể bị thợ săn bắn nhầm cũng thường trực nỗi lo” - anh Cường nói.

Ở miền núi Quảng Nam, nhiều năm trước, các nhóm/tổ tuần tra rừng cộng đồng cũng từng ghi nhận các vụ tấn công của lâm tặc. Riêng các tổ bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam, quá trình tuần tra, nhiều thành viên bị trượt chân ngã gây chấn thương nghiêm trọng, có người gãy xương đùi, xương sườn…

Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam cho biết, cùng với 17 tổ cộng đồng tham gia bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, đơn vị có 2 trạm chuyên trách đặt tại xã Sông Kôn (Đông Giang) và Bha Lêê (Tây Giang).

Ngoài làm nhiệm vụ chính là “tìm dấu chân sao la”, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát rừng, bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh và giám sát đa dạng sinh học trên lâm phận quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rong ruổi với rừng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO