Khắp triền đồi, những bông đót từ xanh non đã chuyển sang màu nâu thẫm. Nắng ùa về sắc vàng thơm nồng hương cỏ lúa. Đó cũng là mùa đồng quê được ướp thêm âm thanh làm đầy cảm xúc: Tiếng chim bắt cô trói cột.
“Bắt cô trói cột”... “Bắt cô trói cột”... ngân vang lên suốt ngày suốt đêm không ngưng nghỉ. Tôi chưa từng thấy rõ hình dáng loài chim này ngoài đời bao giờ. Tôi cũng không biết tuổi thọ của chim “bắt cô” kéo dài bao nhiêu năm tháng. Chỉ biết rằng, tôi đã nghe tiếng chim này từ thời thơ ấu chăn bò, mót lúa, đến bây giờ đã ngót nửa thế kỷ.
Mỗi độ tháng Tư, khi cánh đồng làng lúa xanh trĩu dần qua màu vàng óng, tiếng chim khắc khoải quay về. Lúa. Nắng. Và tiếng chim. Nghe tiếng chim vang vang đều đều “bắt cô trói cột” mà thương chi lạ.
Người quê tôi kể nhiều sự tích về loài chim này lắm. Tiếng chim vì những tích truyện mà được hiểu khác nhau: “bắt cô trói cột”, “năm trâu sáu cọc”, “quế khô tám chục” “nước Nam có một”... Nhưng dù là gì đi nữa, tiếng chim này, loài chim này vẫn là điều gì đó bí ẩn khó nắm bắt. Đến là kêu vang vọng đất trời. Đi là đi bặt tăm không dấu hiệu gì báo trước. Rồi mùa năm sau lại trở về. Gọi bắt cô trói cột là chim báo mùa cũng không sai.
Bắt cô trói cột có lẽ là loài chim di cư và đều đặn trở về với làng quê khi vụ chiêm vào mùa gặt. Thường cứ hoa gạo tàn là tiếng chim khắc khoải vang lên. Tôi nghe tiếng chim vang từ xa đến gần rồi lại xa. Hình như chim vừa bay vừa hót. Mà tiếng hót giữa mùa vui sao vẫn gợi điều gì thê thiết, xa xăm. Tiếng chim làm đầy ắp âm thanh làng quê vào mùa lúa chín. “Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm” (Định Hải).
Tiếng chim thường gợi lên ban mai tinh khiết, gợi cảm xúc ríu rít vui tươi như sẻ nâu, chào mào, chim sâu, gõ kiến... Nay nhiều loại chim dường như đã tuyệt chủng như dột dột (dồng dộc) với cái tổ độc đáo treo khắp ngọn tre ngọn dừa; như chim cuốc với tiếng “Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ” (Nguyễn Khuyến) chiều chiều vang vọng bờ tre góc hố...
Mỗi loài chim góp cho bản hợp xướng cuộc đời một giai điệu, tiết tấu khác nhau, vui có, buồn có, rộn ràng có, da diết cũng nhiều. Ba tôi gọi “bắt cô trói cột” là “tiếng chim gác núi lời ca mỗi chiều”.
Tôi nghĩ đó là giai điệu thao thiết của ngày mùa nơi xóm nhỏ. Ai đó gọi bình yên là chiếc áo với nhiều họa tiết khác nhau, lúc sặc sỡ, lúc trầm ngâm. Tiếng chim “bắt cô trói cột” đều đều vang vang nơi làng quê là “họa tiết trầm ngâm” góp thêm vẻ đẹp sâu lắng trên nền chiếc áo đa sắc vùng trung du xóm nhỏ.