Di sản văn hóa phi vật thể Quảng Nam là hệ thống các giá trị văn hóa gắn với đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng trong tiến trình phát triển lịch sử hàng trăm năm. Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch đang là hướng đi thành công của nhiều điểm du lịch trong tỉnh.
Du khách thích thú với điệu múa sạp của đồng bào Cơ Tu ở Nam Giang.Ảnh: VĨNH LỘC |
Khách du lịch đến Hội An rất hào hứng với nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức trong phố cổ. Đó không chỉ là các trò đập niêu đất, gấp lá dừa, đánh nẻ, bắn bi mà còn được hòa mình trong không khí lễ hội; thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống, hò khoan đối đáp, hô hát bài chòi, hát múa bả trạo hay các làn điệu dân ca dân vũ Việt Nam… Không chỉ vậy, không gian văn hóa phi vật thể còn được trải rộng đến các làng nghề quanh phố như rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, dừa Cẩm Thanh, giúp khách cảm nhận trực quan nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các vùng quê xứ Quảng. Có thể nói, tại Hội An di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần làm lên cái hồn cho phố. Theo ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An, di sản văn hóa phi vật thể luôn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch tại địa phương. Du khách tham quan phố cổ ngoài việc chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc sẽ được hòa mình vào một không gian đậm chất cổ kính để cảm nhận những giá trị văn hóa được thể hiện qua lối sống, nếp sinh hoạt, tính cách của người dân.
Những năm qua, việc phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch đã trở thành hướng đi đúng đắn của Hội An với việc đầu tư, phục hồi nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nổi bật là việc hình thành Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền thành phố những năm 90 của thế kỷ trước với nhiều loại hình âm nhạc dân tộc được phục hồi và phát triển đã tạo tiền đề tốt cho các hoạt động trình diễn văn hóa dân tộc của Hội An và tỉnh sau này. Hiện tại, mỗi ngày Nhà biểu diễn tổ chức 3 suất diễn phục vụ du khách và trò chơi bài chòi trong khu phố cổ, thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước tham gia. “Bài chòi, múa hát sắc bùa, đánh cờ tướng và kể cả đèn lồng đã làm cho di sản kiến trúc Hội An mềm mại, lung linh và hấp dẫn hơn trong mắt du khách” - ông Phùng nhận xét. Ngoài ra, mỗi năm Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An đều đi biểu diễn các nơi trong và ngoài nước. Riêng năm 2014 đoàn đã có 6 đợt trình diễn với 3 chuyến trình diễn tại nước ngoài là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hungary, được người dân và doanh nghiệp bản địa đón nhận mạnh mẽ.
Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể luôn đóng vai trò quyết định cho sự sống còn của di sản và là sức sống của du lịch Hội An cũng như Quảng Nam. “Tất nhiên, di sản vật thể là yếu tố quan trọng nhưng nếu không có giá trị văn hóa phi vật thể, không có những nụ cười, không có đời sống sinh hoạt, tâm linh của người dân thì di sản đó sẽ kém đi sự hấp dẫn nhiều lần” - ông Cường khẳng định.
Có thể nhận thấy, giá trị di sản văn hóa phi vật thể là yếu tố quan trọng trong chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch của nhiều địa phương. Tại Khu di tích Mỹ Sơn, việc xây dựng sản phẩm du lịch từ các điệu múa Chăm luôn được xem trọng. Ông Huỳnh Tấn Lập - Phó Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn nhận định: “Du khách đến Mỹ Sơn ngoài tham quan đền tháp thì văn nghệ dân gian Chăm sẽ là một sản phẩm không thể thiếu trong hành trình du lịch của mình”. Dễ dàng nhận thấy loại hình âm nhạc này luôn có sức hút mạnh mẽ với du khách, hầu hết các đoàn khi vào tham quan tháp đều ghé thăm múa Chăm như cách cảm nhận thêm những giá trị văn hóa của điểm đến. Ngoài ra, trong các roadshow hay những chương trình quảng bá du lịch Mỹ Sơn, văn nghệ dân gian Chăm cũng trở thành một sản phẩm chủ đạo nhằm giới thiệu, kết nối khách và các công ty lữ hành tại những nơi trình diễn.
Thực tế, thời gian gần đây loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa đã dần trở nên quen thuộc với du khách và đang ngày được quan tâm đón nhận rộng rãi. Thông qua những lễ hội, âm nhạc, làng nghề truyền thống… không gian du lịch Quảng Nam không chỉ bó hẹp trong 2 di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An mà đã được mở rộng về các huyện phía tây của tỉnh. “Một trong những yếu tố quan trọng của du lịch trải nghiệm chính là các giá trị văn hóa bản địa như phong tục tập quán, lối sống... đó mới là điều du khách quan tâm khi du lịch đến một vùng đất mới”, ông Phạm Đình Hoàng – Giám đốc Khối thị trường trong nước, Công ty Lữ hành Vitour (Đà Nẵng) nhìn nhận.
VĨNH LỘC