Tạm gác tháng ngày mải miết với cuộc mưu sinh tất bật. Chậm lại một chút những ưu tư, hoài bão còn vướng víu. Tết, là nhất định phải về với gia đình, phải du xuân qua miền phố cổ, làng xưa để đắm mình vào cái hồn của lễ hội đã lắng đọng từ muôn năm cũ và vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngàn xuân sau.
QUA MIỀN LỄ HỘI
Hương thơm của trầm quyện trong sương khuya se sắt. Mùi tết đã ngan ngát trong những ngôi nhà cổ. Phố Hội tưng bừng hoa và lễ lạt. Và tiếng trống chầu giục giã người về với trò vui đặc trưng xứ Quảng.
Trẩy hội ở phố Hội
Hội hoa xuân Canh Tý vừa chính thức khai mạc vào dịp cuối tuần này nhưng sắc thắm trăm hoa đã “rục rịch” tỏa hương ở nhiều nẻo đường tại Hội An từ nhiều ngày trước. Những nụ hoa muôn sắc màu chúm chím hứng lấy hơi sương, rung rinh trong gió, bung hương nơi vệ đường dường như càng làm cho đô thị cổ mấy trăm năm tuổi thêm phần nên thơ lãng mạn.
Ông Trần Văn Phương (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) bộc bạch: “Tôi gắn bó với chợ hoa xuân này ngót chục năm rồi, thu nhập cả năm trông cả vào đây nên ăn ngủ với nó đến sát giờ giao thừa mới dọn dẹp nghỉ được. Chỉ mong năm nay xong sớm một chút để còn thơi thơi về sum họp với gia đình”.
Những ngày này, khi khắp mọi ngả đường người người hối hả chen chúc ngược xuôi, thi thoảng lại lướt qua cánh đàn ông với tay ôm sau yên xe một chậu quất cảnh sum suê trái lộc; hay đôi vợ chồng già thong thả dắt bộ chiếc xe đạp rồi khệ nệ đèo chậu hồng leo tường vy mảnh mai, thoảng mùi thơm dịu êm. Bỗng chốc, trong lòng bùi ngùi nỗi niềm khó tả chỉ muốn thật nhanh quay về với mái ấm gia đình.
Tôi nhớ đêm giao thừa năm ngoái, Hoa hậu Việt Nam Trần Tiểu Vy và đoàn người rước sắc bùa vòng quanh phố cổ thu hút mọi ánh nhìn của du khách trong khi bầy trẻ con nô nức, túm tụm xung quanh hết sức rôm rả. Việc Trung tâm VH-TT & TT-TH Hội An phục dựng hoạt động này vài năm trở lại đây giúp không gian đô thị cổ trong giờ khắc chuyển giao năm mới thêm phần rạo rực với những hoài niệm. Râm ran tiếng bàn bạc của những cụ cao niên, một chút xôn xao tò mò khi lá sắc bùa dán lên tường nhà cổ kèm theo rộn rã những câu hát đặc trưng khi chủ nhà bày biện mâm cúng tạ lễ đất trời. Hương thơm của trầm quyện trong sương khuya se sắt. Mùi tết đã ngan ngát bên khung cửa. Hoạt động rước, dán sắc bùa năm nay ở Hội An sẽ diễn ra buổi tối 30 Tết và kết thúc khi đồng hồ cận kề điểm thời khắc chuyển giao năm mới. Trong khoảnh khắc giao thừa, những ai có dịp thong thả ngả lưng vào ghế đá ngắm màn pháo hoa lung linh bên dòng sông Hoài trầm mặc cũng là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời.
Mùa xuân là mùa lễ hội trên cả nước. Bữa tiệc lễ hội ở Hội An những ngày này cũng đậm đà những “món” độc đáo để khách vui chơi, trải nghiệm. Suốt cả ngày 29 Tết, những ai yêu mến ẩm thực xứ Quảng có thể ới nhau về góc nhỏ bên sông Hoài mà nghe, mà thấy mùi thức quê, để quyến luyến về những mẩu ký ức tết thời thơ bé trong Ngày hội bánh Tết. Không chừng, trên tay ta lúc ra về trĩu một chục bánh in rồi cả mấy hộp bánh đậu xanh cho kịp bày biện vọng về tổ tiên hay gửi biếu bằng hữu mừng ngày hạnh ngộ.
Rồi mai ra Giêng, dòng người lại ùn ùn về Hội An trẩy hội. Không cầu kỳ, linh đình, lễ hội ở đây cũng từ làng mà ra, bao năm vẫn “nhỏ nhỏ, vui vui” gắn mình với bóng hình đô thị cổ. Nhờ lễ hội, xong ba ngày tết vẫn còn thanh âm rôm rả. Ai ơi nhớ ngày mùng 7 tháng Giêng tạt lại Trà Quế xem cúng Thần Nông rồi đến 12 ghé về Kim Bồng xem người thợ làng cúng tổ nghề, trình diễn nghề mộc. Nán thêm dăm ba ngày về Thanh Nam (Cẩm Nam) trẩy hội bắp nếp. Du khách gom đủ nhớ thương phố Hội trong hành trình du ngoạn mùa xuân.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Từ lâu chuỗi các lễ hội trong dịp Tết cổ truyền ở Hội An đã được cộng đồng lẫn du khách thích thú, đánh giá cao bởi sự đặc sắc, tính nhân văn và phản ánh chân thực hơi thở văn hóa, nếp sống mộc mạc, thuần hậu đặc trưng của con người địa phương”.
Đầu năm tìm về hát bội
Vội xới vạt đậu phụng ven sông Ly Ly, ông Bốn Thanh hối hả quay về khi nghe cuộc gọi của bạn diễn ới tập tuồng diễn tết. Tết này, làng Khánh Đức (xã Quế Châu) vẫn sẽ âm vang tiếng trống tuồng như bao năm rồi vẫn thế. “Riêng tết năm ngoái, bọn tôi không diễn mà để qua dịp thanh minh mới làm, rứa là bà con la quá trời, đi đâu gặp ai cũng càm ràm, nhắn nhủ là tết ni đội tuồng nhất định phải diễn đó nghe” - ông Bốn Thanh bộc bạch.
Vân vê cây đàn cò, chiếc trống chầu và hơn chục bộ đồ phục trang, người đàn ông trạc tuổi 60 chia sẻ: “Để diễn vở tuồng cổ “Nhị đệ thọ hàm oan” với 4 “đào” và 4 “kép” vào đêm mùng 2 Tết này, đội tuồng đã “dợt” gần 10 buổi, anh em bàn nhau thống nhất kịch bản, phân vai, rã vai để buổi diễn được trơn tru. Vui cái là người dân cả già lẫn trẻ vẫn còn ham món ni, mới “dợt” thôi mà có người trong xóm mê tuồng mời về nhà họ “dợt” rồi mời cả đoàn ăn khuya nữa”. Cụ bà Nguyễn Thị Sém, 85 tuổi góp chuyện: “Tôi theo anh trai đi hát từ nhỏ, bây giờ già rồi hát không nổi nữa chớ có diễn là vẫn ưng đi coi lắm”.
Ông Huỳnh Hoa, 66 tuổi - “đạo diễn” của đội tuồng cho hay: “Trước kia không chỉ ngày tết mà chúng tôi còn được mời diễn khi tế thu, tế xuân, các ngày lễ lạt. Để bớt đi sự khô cứng và thu hút sự quan tâm từ thanh thiếu niên, các vở tuồng được nghệ nhân trong làng Khánh Đức tiết chế nội dung phù hợp trong thời gian không quá 2 tiếng đồng hồ pha với hiện thực tâm lý xã hội. Mấy năm trước, ngoài diễn ở nhà văn hóa thôn, đoàn hát tuồng thôn Khánh Đức còn được các mời đi diễn nhiều nơi trong dịp Tết Nguyên đán như Quế Xuân, Quế Long (Quế Sơn), Quế Bình (Hiệp Đức)…
Ông Huỳnh Hoa hóm hỉnh nói: “Con nít trong thôn tụi hắn vẫn mê cái món này lắm. Có điều khi chấm thấy đứa mô được được chúng tôi kêu tụi nó lâu lâu tập luyện thì chẳng đứa nào chịu tham gia vì dị với bạn bè”. Theo ông Trương Minh Cảnh - cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã Quế Châu: “Hơn chục năm trước, trong làng Khánh Đức có đội tuồng đồng ấu được dìu dắt khá bài bản, tiếc là bây giờ vì cuộc sống nên lưu lạc tứ phương, người vào Sài Gòn hát phòng trà, kẻ tha hương mưu sinh đất khách”.
Còn ông Lê Thọ Tường - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Quế Sơn cho biết, trên địa bàn huyện chỉ còn điểm thôn Khánh Đức là duy trì được phong trào hát tuồng dịp Tết cổ truyền một cách bài bản. Ngoài ra, huyện Quế Sơn có tổ chức liên hoan tuồng dân ca định kỳ hai năm một lần và mỗi xã đều góp một tiết mục tuồng.
Khánh Đức là một trong những cái nôi của tuồng Quảng Nam, có từ đầu thế kỷ 19. Tiếng trống tuồng Khánh Đức giờ đây vẫn giục vang rộn rã , nhắc ai một thú vui dẫn dã mà thanh cao của người xứ Quảng mỗi độ tết đến xuân về...
SẮC BÙA NGÀY XUÂN
Hát sắc bùa mang tính chất lễ nghi nông nghiệp diễn ra vào các ngày tết cổ truyền. Đội sắc bùa tạo nên nét văn hóa dân gian độc đáo ngày xuân ở miền quê nghèo.
Tại nhiều làng quê như Chấn Sơn (Đại Hưng), Giảng Hòa (Đại Thắng) của huyện Đại Lộc; thôn Cổ Tháp, Thanh Châu và Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên); Lộc Đại (Quế Hiệp, Quế Sơn)..., sắc bùa gắn với ký ức của nhiều người tuổi trung niên và người già với những nghi lễ rỡ ràng của một mỹ tục.
Trong sắc bùa, ngoài bài hát mở ngõ, mở cửa, phải có bài hát dâng hương và trấn bùa là chủ đạo. Người cầm cái phải khăn đóng, áo dài, quần trắng. Từ người bắt cái đến kẻ hò con, từ tay trống lệnh, trống chiến, đến đờn cò (đàn nhị), kèn, sáo, sinh, xập xòa. Khi đội tới nhà ai, đầu tiên phải hát bài “mở ngõ” rồi “mở cửa”. Sau khi vào nhà, chào hỏi gia chủ, đội sắc bùa xin phép gia chủ thắp hương bàn thờ gia tiên và toàn đội sẽ hát bài “dâng hương”.
Tiếp theo là bài chúc tết gia chủ. Rồi, tùy theo gia chủ hành nghề gì, đội sẽ hát bài ấy, từ nghề nông, nghề thợ mộc, thợ dệt đến nghề buôn bán... Cuối cùng là hát bài dán bùa và tiến hành thủ tục dán bùa, rồi hát bài để ra đi, toàn đội vừa hát vừa lui ra trong tiếng trống vỗ dồn dập, tiếng phách tre, sinh tiền phụ họa. Đội lại tiếp tục hành trình, rong ruổi khắp thôn xóm, làng này sang làng khác.
Thôn Cổ Tháp là một trong những chiếc nôi của hát sắc bùa xứ Quảng. Ông Nguyễn Văn Ngãi, tay trống cơm của đội sắc bùa Cổ Tháp một thời, kể: “Ông nội chú tôi là người cầm cái sắc bùa. Tôi và anh ruột tôi cũng tham gia vào đội sắc bùa. Mỗi tết, chúng tôi và đội đi từ giao thừa phải mùng 7 mới quay về”.
Ông Ngãi chia sẻ, ông Phan Thế Sự (đã mất) là linh hồn của sắc bùa Duy Châu. Ông là một người cầm cái không chỉ giỏi ứng tác, xuất khẩu thành văn, mà còn có khả năng soạn các bài hát mới, bắt bài, bắt quờn rất giỏi, biết chữ Hán, Nôm. “Chúng tôi đi vì đam mê là chính. Thù lao có là bao, nhưng vì lời mời gia chủ mà đi thôi, không câu nệ” - ông Ngãi nói.
Thôn Thanh Châu, Lệ Bắc có ông Văn Ba, Ngô Phước (đã mất), Phan Hộ, Phan Phiếm, Trương Tích, Trương Tám... là những người giữ lửa sắc bùa. Ông Nguyễn Bảy, 60 tuổi, quê Cổ Tháp, xã Duy Hòa kể: “Quê tôi không ai không biết sắc bùa. Hát thâu đêm, tới tận sáng mai, khản tiếng. Những nét đẹp truyền thống dịp tết như hát sắc bùa nếu không kịp bảo lưu sẽ để lại vô vàn tiếc nuối”.
Được biết, năm 2019, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở VH-TT&DL và UBND xã Duy Châu tổ chức lớp truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát sắc bùa qua mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút nhiều thành viên câu lạc bộ hát sắc bùa thuộc hai xã Duy Hòa và Duy Châu.
Theo một lãnh đạo xã Duy Châu, dịp Tết Nguyên đán 2019, xã có hỗ trợ một khoản nhỏ để đội sắc bùa của xã có điều kiện tham gia biểu diễn phục vụ bà con thời khắc giao thừa. Tết Canh Tý 2020 này, đội sắc bùa sẽ tiếp tục biểu diễn, làng quê sẽ sống dậy không gian văn hóa ngày xuân.
TỪ NGUỒN XUỐNG BIỂN
Các địa phương đang rộn ràng chuẩn bị cho những ngày tết đầy âm vui từ các sự kiện, hội lễ từ nguồn xuống biển...
Các trò dân gian mang đậm bản sắc vùng đất là điều không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về. Dựng lại không gian của Tết cổ truyền từ chính những câu hô hát, những gian bài chòi, những trò chơi có từ ngàn xưa chính là cách để người ta vui với tết. Tại TP.Tam Kỳ, đêm 30 tháng Chạp, tại Quảng trường 24.3, không khí sẽ rộn lên với rất nhiều trò chơi dân gian. Từ nhảy sạp, đập chuông, đi cà kheo... cho đến nhiều hoạt động biểu diễn tập thể với rất nhiều sắc màu khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, năm nay, đêm giao thừa thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của người dân, tạo không khí vui tươi phấn khởi, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân vui tết, đón xuân. Theo đó, cùng với các trò chơi dân gian được tổ chức từ đêm 30, chương trình nghệ thuật “TP.Tam Kỳ chào Xuân Canh Tý 2020” với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ từ TP.Đà Nẵng, TP.Tam Kỳ... với các ca khúc có chủ đề về tình yêu quê hương đất nước, ngợi ca mùa xuân được dàn dựng cụ thể sẽ khiến người xem mãn nhãn. Từ thời khắc giao thừa, TP.Tam Kỳ sẽ tổ chức bắn pháo hoa chào đón năm mới. Từ mùng 2 Tết trở đi, tại các xã vùng ven đô của thành phố, những gian bài chòi được dựng lên để người dân tham gia trò chơi truyền thống này.
Trong khi đó, các địa phương vùng thượng nguồn Thu Bồn sẽ có cách đón xuân đậm phong vị truyền thống bằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được chuẩn bị chu đáo. Từ nhiều năm nay, người dân huyện Nông Sơn luôn mong chờ đến tết để được xem và nghe lại các trích đoạn tuồng cổ nổi tiếng hay những câu hò hát dân ca Khu 5 ngọt lịm. Dân vùng đầu nguồn sông nước vốn dĩ rất mê ca cổ. Vậy nên mỗi mùa tết họ rủ nhau đến trung tâm huyện lỵ hằng đêm để nghe Liên hoan bolero, Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca.
Tương tự vậy, ở các địa phương như Quế Sơn, Điện Bàn... các hoạt động văn hóa văn nghệ cho cộng đồng luôn được ưu tiên hàng đầu. Tại huyện Quế Sơn, ngay từ 22 tháng Chạp, Hội chợ hoa xuân - cây cảnh và các trò chơi dân gian trong dịp Tết Nguyên đán đã bắt đầu khai mạc, kéo dài đến mùng 5 tháng Giêng. Các phòng đọc báo xuân, phòng trưng bày ảnh, hiện vật tại Trung tâm VH- TT&TT-TH huyện mở cửa 24/24h để phục vụ người đến thưởng lãm. Ngoài ra, Liên hoan tiếng hát mùa xuân huyện Quế Sơn năm 2020, giải bóng chuyền nữ, giải cờ tướng... được tổ chức ngay tại thị trấn Đông Phú nhằm mang đến không khí tết rộn ràng cho người dân khu vực này.
Tại nhiều địa phương, việc tổ chức trưng bày, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật tại các khu vực hội hoa xuân cũng như rất nhiều hoạt động hưởng ứng hứa hẹn mang đến không khí tết tràn ngập hứng khởi cho mọi người dân. Tết đã về khắp mọi nơi, từ chính những rộn ràng chuẩn bị trên mọi góc phố, ngả đường, thôn xóm...
NHỊP ĐIỆU VÙNG CAO
Ngày tết, người vùng cao vui thêm những cuộc hội làng mừng gươl mới, cơm mới, thăm viếng nhau trong tục tr’záo... càng khiến không khí mùa xuân thêm rộn ràng, ấm áp. Bởi xuân ở vùng cao, lễ lạt như một dịp cầu may, chúc phúc đến với tất cả mọi người.
Tết mừng gươl mới
Người Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang vốn xem gươl như “linh hồn” của làng, đại diện cho cả cộng đồng. Gươl càng đẹp và độc đáo, càng thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng thêm bền chặt, no đủ. Gươl sau thời gian xây dựng, thường được tổ chức lễ mừng công, hàm ý báo cáo với thần linh về một công trình trọng đại của dân làng. Vì thế, tết mừng gươl đã trở thành ngày hội chung của cộng đồng vùng cao trong dịp đầu năm mới.
Theo già làng Bh’riu Pố, ở thôn Arớh (xã Lăng, Tây Giang), vai trò của gươl rất quan trọng trong đời sống của đồng bào vùng cao. Vì thế, lễ mừng gươl mới, bao giờ cũng được tổ chức ngay sau khi được hoàn thành, gắn với câu chuyện của làng, mà thường thấy nhất là những dịp trước Tết Nguyên đán. Ngày mừng gươl mới, hội làng được tổ chức với sự tham gia của đủ đầy các thành viên trong làng. Họ cùng ăn bữa tiệc, uống chung ghè rượu và vui hát ngợi ca về tình đoàn kết cộng đồng, kéo dài suốt hai ngày liền.
“Việc chung nên sau khi hội đồng già làng thống nhất thời gian, đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hộ trong làng. Tùy theo điều kiện kinh tế mà có thể gia đình này góp con gà, gia đình kia góp ché rượu, vài bó củi, vài lon gạo nếp... để làm bữa tiệc ăn chung. Họ cùng nhau nhảy múa trống chiêng, cùng nhau hát lý, hát dân ca, càng khiến không khí ngày xuân thêm rộn ràng, ấm áp” - già Pố chia sẻ.
Vài ngày trước khi hội làng diễn ra, đồng bào phân công thanh niên lên rừng kiếm gỗ về làm trụ x’nur (cây nêu) và săn bắt con sóc, con chuột; phụ nữ hái lá đót, lá dong để làm bánh sừng trâu và chuẩn bị các ghè rượu cần để đón cháu con, khách khứa về thăm, cùng vui với hội làng truyền thống mừng gươl mới đã dựng.
Hội vui cộng đồng
Mùa xuân, bất kể người Cơ Tu, Bh’noong, Co hay Ca Dong cũng đều có lễ hội truyền thống riêng đặc sắc, từ tết mùa, ăn trâu huê, cho đến mừng gươl mới, lễ cưới hỏi, báo hiếu... Sống quần cư trong cộng đồng, nên cứ mỗi dịp lễ hội diễn ra cũng đều là hội chung của làng, như một sợi dây cố kết cộng đồng.
Ông Vũ Xuân, ở thôn 1 xã Phước Đức, huyện Phước Sơn cho biết, cùng với lễ hội tết mùa, đồng bào Bh’noong thường tổ chức lễ ăn cưới vào dịp đầu năm mới. Đây được xem là nét văn hóa truyền thống lâu đời, thể hiện sự báo hiếu của con rể với cha mẹ vợ, sau thời gian làm ăn khá giả. Dù là việc riêng, nhưng vẫn có sự góp mặt, chung sức của dân làng. Ở lễ hội này, tất cả mọi lễ nghi đều được tái hiện, ấn tượng nhất là nghi thức báo hiếu của con cháu với đấng sinh thành. Giữa nhịp trống chiêng rộn rã, người vùng cao quây quần bên nhau, cùng múa hát, say sưa bên ánh lửa bập bùng cháy. Xuân càng thêm nồng ấm.
Ngày tết, bên cạnh tìm vui với nhiều không gian lễ hội truyền thống, người vùng cao dành phần lớn thời gian để đi thăm thân, chúc phúc. Những cuộc hội ngộ đặc biệt như thế, càng giúp tình đoàn kết giữa cộng đồng vùng cao thêm khăng khít, bền chặt như trụ x’nur vững chãi trước gươl làng, đầy niềm kiêu hãnh.