Rời bục giảng, xa những tích phân, đạo hàm, xác suất, lượng giác... khô cứng và rối rắm, thầy giáo dạy toán Nguyễn Đức Bá ở Thăng Bình chọn thơ làm bạn đồng hành.
Sau tập “Mùa thu về qua cửa” xuất bản năm 2020, hè này anh lại ra mắt thêm một tập thơ nữa - tập “Ru trong miền nhớ” (NXB Hội Nhà văn), với rất nhiều khúc ru da diết, đắm đuối, lãng mạn, nhiều vọng tưởng và cũng thật giản dị, chân thành: “Tôi về ru giấc mơ tôi/ Ru mây vào mộng ru đời nắng mưa/ Ru tôi vào những ngày xưa/ Lạc trong miền nhớ đêm mơ lặng thầm”.
Tập thơ gồm 54 bài thì có hơn nửa số bài xuất hiện từ “ru”. Ru đất nước, ru mẹ, ru quê, ru em, ru tóc, ru nỗi nhớ, ru ngày xưa, ru nắng, ru chính mình... Những khúc ru gửi ngược vào xưa xa, vào ký ức: “Bóng chiều nhỏ xuống hồn ai/ Ru miền tóc rối lạc loài đêm rơi/ Ta chờ em nửa khoảng trời/ Sáo bay con sóng xô lời ru em” (Vết rêu phong).
Những khúc ru khiêm nhường, có phần cam chịu, hiền lành, để mình là mình hơn trong xa khuất những mùa yêu: “Xin làm một hạt sương đêm/ Ru bờ lặng lẽ mắt em gọi về” (Xin). Những khúc ru cho thứ đã mất, đã nằm ngoài tầm tay, cho nỗi nhớ thêm dài, cho tiếc nuối ngấm thêm: “Ai mang sợi nhớ vơi đầy/ Để trăng rơi chạm sông mây bên trời/ Đẫm sương rụng vỡ chơi vơi/ Ru đêm uống cạn giọt đời cỏ hoang” (Ru đêm)...
Ngay cả những bài thơ không có từ “ru”, không trực tiếp “ru” ai, cảm thức ru vẫn hiện hữu. Khi là những tiếc nhớ xa xăm, dằng dặc: “Mai về đâu giữa mù sa/ Trái tim vỡ vụn thuyền hoa bẽ bàng/ Thu rơi lá đổ trên ngàn/ Buồn trông cách biệt mênh mang giọt sầu” (Đôi bờ sông Ngân đêm thất tịch).
Khi là những vỗ về, thủ thỉ với chính mình: “Ta đi về giữa hoang liêu/ Câu thơ rụng vỡ rong rêu phủ buồn” (Sông xưa). Khi là những nhớ nghĩ thảng thốt về vị muối mặn mòi đời mẹ: “Hạt muối mặn chảy trong đêm dông bão/ Hoang mạc lòng tôi sóng cuộn giữa đời/ Đêm rũ bóng nghe vọng về tiếng mẹ/ Đẫm nhòa tôi/ Hạt muối mặn chảy trong hồn...” (Vết xước trên hạt muối).
Chưa thật điêu luyện trong lựa chọn hình ảnh, ngôn ngữ và cả “kỹ thuật” thơ, nhưng “Ru trong miền nhớ” mang đến nhiều cảm xúc cho bạn đọc. “Ru” của Nguyễn Đức Bá không chỉ, không còn, không đơn giản là một cái tứ mà là một mạch cảm xúc dồi dào, nhiều cung bậc, có khả năng truyền dẫn, gửi gắm và lan tỏa được những rung động, thao thức và cả những đúc kết về cuộc sống, về tình yêu. Như khi chạm tay vào một mảnh vỡ ký ức, lại bắt gặp bao nhiêu nỗi niềm: “Chạm miền trăng vỡ gió lay/ Rụng trên phiến đá ngõ đầy xa xăm...” (Trăng vỡ).