Theo lịch mùa vụ nuôi cá trong lồng bè ở các vùng triều ven sông năm 2021, nông hộ cần thu hoạch trước ngày 31.8. Tuy vậy, thời điểm này vẫn còn hàng nghìn lồng bè đang được thả nuôi, tiềm nhiều ẩn rủi ro.
Trên sông Cổ Cò đoạn qua Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Thanh (Hội An), thời điểm này vẫn còn rất nhiều lồng bè nuôi các loại cá điêu hồng, chẽm, măng, dìa, nâu... Ông Đinh Hồng Phong (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) còn 20 lồng bè nuôi cá nâu, điêu hồng, chẽm đến kỳ thu hoạch nhưng không vội bán.
Từ giữa tháng 9 đến nay, cá dìa tăng từ 120 nghìn đồng/kg lên 140 nghìn đồng/kg, đến nay đạt 160 nghìn đồng/kg và nông hộ dự kiến giá sẽ còn tăng do cầu vượt cung nên giữ lồng bè lại chờ bán với giá cao. Cá nâu hiện có giá 450 nghìn đồng/kg, do nguồn cung ít nên các nông hộ dự đoán giá cá sẽ tăng lên đến hơn 600 nghìn đồng/kg.
“Tôi còn 80 tạ cá, chủ yếu là cá nâu nên chờ giá cá đạt đỉnh mới bán. Tôi thiết kế lồng bè nuôi cá bằng thép chắc chắn, lưới quanh lồng cũng rất chất lượng, khi nào sóng to gió lớn thì kéo lồng bè nuôi cá vào sát luồng lạch. Nuôi cá ở sông gần sát cửa biển Cửa Đại tiềm ẩn rủi ro nhưng chúng tôi tin vụ này sẽ thu lợi lớn nên ít lo như mọi năm” - ông Phong nói.
Trên sông Tam Kỳ đoạn chảy qua An Phú, An Sơn, Tam Phú vẫn còn hàng trăm lồng bè được nông hộ đầu tư nuôi cá điêu hồng, chẽm, dìa, măng, vây vàng... Các nông hộ cho biết, chưa vội kết thúc nuôi cá trong năm nay vì kỳ vọng nuôi cá trái vụ sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Phước An nuôi cá trong 10 lồng bè ở thôn Tân Phú (Tam Phú) cho biết, thời điểm cuối năm, giá cá sẽ đạt ngưỡng. Do vậy, thay vì nuôi cá trong vòng 6 tháng như khuyến cáo của ngành chức năng, sẽ giữ cá lại chờ vài tháng nữa mới bán. Ông nói biết nuôi cá trong mùa bão lũ dễ rủi ro nhưng đành chấp nhận.
Hằng năm, trước mùa bão lũ, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đều làm việc với UBND TP.Tam Kỳ về lịch xả nước hồ Phú Ninh. Theo đó, UBND TP.Tam Kỳ yêu cầu các hộ nuôi cá trong lồng bè không tổ chức sản xuất từ đầu tháng 9 đến tháng 1 năm sau nhưng người dân vẫn “vượt rào”.
Thực tế đã cho thấy, hầu như năm nào cũng có nhiều lồng bè của nông hộ nuôi cá trên sông Tam Kỳ bị lũ cuốn đi. Không chỉ cá trôi theo dòng nước mạnh mà lồng bè còn cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, gây ngập úng cục bộ trên địa bàn.
Về ứng phó khi bão lũ ập đến, nhiều hộ cho biết sẽ kéo các lồng bè nuôi cá vào sát bờ, buộc chặt và gia cố, che chắn tốt cho miệng lồng để cá khỏi trôi theo dòng nước. Còn khi lũ kéo dài, môi trường nước thay đổi đột ngột khiến cá sốc, dễ bị chết thì hầu hết cho biết trông vào... may rủi.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, ở mùa bão lũ các năm trước, thiệt hại của nông hộ nuôi cá trong lồng bè lên đến hàng tỷ đồng. Nghề nuôi cá trong lồng bè vẫn tự phát và bấp bênh. Nhiều nông hộ cho biết, muốn tuân theo lịch mùa vụ nhưng cá chậm lớn nên bắt buộc phải thêm thời gian nuôi, kéo dài qua mùa bão lũ.
“Rất mong ngành nông nghiệp phối hợp với ngành công thương quảng bá nuôi cá trong lồng bè, kết nối thị trường giúp chúng tôi ổn định đầu ra. Khi đầu ra đảm bảo, chúng tôi không còn nuôi cá trái vụ” - ông Ngô Tất Thượng (hộ nuôi cá trong lồng bè ở phường An Phú) nói.