Với cái tên Cấm - khu rừng này được người dân làng Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) đặc biệt gìn giữ và xem như báu vật của làng.
Giữ gìn “báu vật”
Được tưới tắm bởi phù sa sông mẹ, Đại Bình là làng quê trù phú, phong cảnh hữu tình dẫu qua bao thăng trầm lịch sử. Ông Nguyễn Nở - Trưởng thôn Đại Bình chia sẻ, không phải ngẫu nhiên mà làng Đại Bình giữ được khí hậu mát mẻ trong điều kiện thời tiết hiện nay. Hơn ai hết, người dân trong làng hiểu rõ ngoài mạch nước ngầm sông Thu Bồn thì rừng Cấm chính là “van điều hòa” sinh thái quý giá của làng. Rừng Cấm nằm ở vị trí gần như trung tâm của Đại Bình với diện tích 11,5ha.
Từ trên cao nhìn xuống, rừng Cấm như tấm bình phong vươn mình ra che chắn cho làng. Trong rừng Cấm, cây lớn, cây nhỏ đan xen rậm rịt, dây leo phủ kín. Người dân Đại Bình, cả những bô lão trong làng cũng không biết chính xác rừng Cấm bao nhiêu năm tuổi, chỉ biết lớn lên đã tựa vào rừng vượt qua bao trận cuồng phong, bão lũ.
Nói về tầm quan trọng của rừng Cấm, bà Lê Sửu (làng Đại Bình, xã Quế Trung) chia sẻ: “Khi bão đến, rừng Cấm giúp giữ được làng, giữ nhà cửa, cây cối. Khi lụt về, nhân dân di dời lên đây để tránh nấp. Rừng Cấm giúp duy trì độ ẩm, mạch nước ngầm, hệ sinh thái của làng, nhờ đó mà cây trái xanh tốt hơn”.
Không quy định. Không chế tài. Không người canh giữ. Thế nhưng rừng Cấm vẫn uy nghiêm tồn tại hàng trăm năm nay theo kiểu “làng trong rừng và rừng giữa làng”. Là trưởng thôn Đại Bình bấy lâu nay nhưng việc ông Nguyễn Nở đặt chân vào rừng Cấm cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Theo ông Nở, do hiểu được tác dụng quý giá của rừng Cấm nên bao thế hệ ở Đại Bình, mỗi một người dân đều tự ý thức gìn giữ, không xâm phạm, chặt đốn cây trong rừng. Dù không có văn bản nào quy định nhưng từ già đến trẻ, ai nấy đều chung tay bảo vệ khu rừng như giữ gìn sự mất còn của làng, sự thịnh suy của chính mình.
“Qua hàng trăm năm, rừng Cấm trở thành lá phổi xanh bảo vệ làng trước những tai ương sóng gió. Với Đại Bình, rừng Cấm như một báu vật vô giá” - ông Nở nói.
Tài nguyên rừng phong phú
Từ lâu, người dân Đại Bình luôn tin rằng không gian sống xanh và việc sử dụng những loại thảo dược quý từ rừng Cấm đã giúp tuổi thọ ở đây cao hơn. Là người am hiểu về các loại cây thuốc nam, ông Trần Hòa Mai cho hay, bao thế hệ người dân Đại Bình xưa nay đã biết và sử dụng một số loại cây thuốc nam quý trong rừng Cấm để chữa bệnh.
“Có những loại thảo dược rất quý nhưng đến bây giờ mới phát hiện được như cây giảo cổ lam, cây dây gắm… Nói chung, ở rừng Cấm có nhiều cây dược liệu được bảo vệ, duy trì đến hôm nay là điều đáng quý” - ông Mai nói.
Thấy được chức năng, tầm quan trọng của rừng Cấm, các cấp chính quyền ở Nông Sơn đã thực hiện nhiều động thái để nghiên cứu, đánh giá kỹ về tài nguyên thảm thực vật ở đây. Tại hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch Đại Bình do UBND huyện Nông Sơn tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, đánh giá, nhấn mạnh việc phát huy tiềm năng thảm thực vật tại làng Đại Bình, đặc biệt là rừng Cấm.
Ông Lương Văn Dũng - giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt đánh giá Cấm là khu rừng còn khá nguyên sinh với nhiều cây gỗ lớn. Về mặt sinh thái, rừng Cấm được xem như lá phổi xanh, tạo ra sự hài hòa về không gian, điều hòa sinh thái cho làng. Về mặt tài nguyên, qua đánh giá ban đầu, hiện trong rừng Cấm có 10 nhóm tài nguyên cây gỗ và tài nguyên cây thuốc.
Tuy không rộng nhưng còn tồn tại nhiều danh mộc, ngoài huỳnh đàn ở nơi đây còn có huỷnh, giáng hương, mít nài, mù u, cây trai và nhiều loại dược liệu quý khác. Đặc biệt, trong rừng Cấm có 51 cây huỳnh đàn, đây là cây gỗ quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam được xếp hạng ở thang VU - sẽ nguy cấp, cần có biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn gen.
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở rừng Cấm
Với suy nghĩ năng động của tuổi trẻ, anh Lê Thanh Tuyền - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch, dịch vụ, nông nghiệp Đại Bình luôn mong muốn phát huy giá trị của rừng Cấm trong phát triển du lịch sinh thái địa phương. “Làm sao để đến với Đại Bình, du khách không chỉ được dạo chơi trên những cung đường làng mát lành, mà còn được tham quan rừng Cấm, chiêm ngưỡng một số loại gỗ quý hiếm như huỷnh, huỳnh đàn với thân to hơn vòng tay người ôm... là điều mà người làm du lịch địa phương luôn ấp ủ” - anh Tuyền trăn trở.
Để có cơ sở xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái Đại Bình, đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Tư vấn quản lý và đầu tư Mastery đã điều tra, đánh giá tổng quan về tài nguyên thực vật của làng, đặc biệt là trong rừng Cấm. Ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn quản lý và đầu tư Mastery đánh giá, tiềm năng ở Đại Bình rất nhiều. Trong đó, thảm thực vật và văn hóa là một trong những tiềm năng mang lại dấu ấn đặc trưng của làng. Trong tiềm năng thảm thực vật, ngoài các loại cây trái bản địa, các loại rau thì thảm thực vật trong rừng Cấm là tiềm năng rất quý. “Khi đã có những đặc trưng riêng này, phải làm sao để gia tăng, bảo vệ và phát triển nó. Khi đó các tiềm năng của làng Đại Bình sẽ thực sự được phát huy trong câu chuyện làm du lịch sinh thái của địa phương” - ông Tùng nói.