Rừng cừa - vườn cổ tích tuổi thơ xưa

TRẦN XUÂN QUANG 20/12/2016 16:51

(QNO) - Dòng sông mẹ Tam Kỳ hợp lưu cùng sông cha Bàn Thạch sinh thành nên làng quê Hương Trà hữu tình phong thanh thủy địa. Dòng sông phù sa nuôi lớn đồng làng, thành ra ruộng vườn nhà cửa, gắn tình nhau bởi con đường làng sóng đôi cùng dòng sông từ cuối thôn lên đầu xóm. Nối đường quê với quốc lộ Bắc Nam phía đầu làng là đường cừa bắc qua một lạch sông Tam Kỳ rẻ dòng đi giữa hai bờ Hương Sơn - Hương Trà ra sông Bàn Thạch.

Vườn Cừa - nẻo về tuổi thơ. Anh: DTT
Vườn Cừa - nẻo về tuổi thơ. Ảnh: DTT

Thuở ban sơ, Hương Trà là những cồn bãi, bao quanh bởi những dòng sông lạch, mùa bảo lũ cả làng chìm trong biển nước. Dân làng sống chung với lũ đã tự bao đời. Vào ra Hương Trà phải đi bằng đò dọc đò ngang. Đò dọc, theo sông Tam Kỳ qua cửa An Hòa, Tam Ấp; phía đầu làng thì qua đò ngang bà Á sang bến ông Huợt bên bờ Hương Sơn. Về cuối làng có đò ông Tất nối qua Phú Bình, Phú Hưng, xóm Cồn, Quảng Phú. Ngày xưa tổ tiên vào đây khai cơ lập nghiệp cũng theo đường sông biển. Mùa nước cạn, xắn quần lội sông chẳng ai phải lụy đến đò. Chuyện kể rằng: Quan Chánh Tổng (hậu duệ ông tổ tộc Trần đầu tiên có công khai nghiệp Hương Trà) cũng thường cưỡi ngựa lội sông về nhà. Dân xóm Đình mỗi khi nghe tiếng hí hoáy là biết ngựa ông đã về sụp vũng nước sâu. Mỗi lần như thế, dân làng phải băng bộ đỡ người dắt ngựa qua sông. Mùa nước cạn thế nào cũng được chứ mùa mưa lũ thì dù có tài sản, hoa màu còn không giữ được nói chi đến chuyện đỡ ngựa đỡ người. Được cụ Chánh đem sức dân đắp đê ngăn lũ làm đường, ai cũng khấp khởi tham gia. Nhưng sức dân có hạn, đắp mãi vẫn khó thành đường.

Vào năm Giáp Tý - 1862 (?) gặp thời lũ lớn, dân tình đói khó, cụ Chánh Tổng xin lương thực triều đình cứu tế cho dân, xin thêm nhiều suất dân phu đắp đê làm đường ngăn lũ. Từ đó, trở thành lệ làng, mỗi năm dân làng mỗi đắp, con đê lớn dần thành đường lớn nối thông Hương Trà ra các làng bên: Hương Sơn, Hòa Phước, Hòa An… đê đắp thành đường nên gọi là đường đắp. Về sau dân làng còn gọi là đường cừa hay đường sưa vì bên mé sông là rừng cừa đan dày với những hàng sưa cao vút, cành lá sum sê giữ chắc cho đường đắp bình yên trước những phong ba lũ dữ. Có thể nói đường cừa là công trình cự thủy an dân, gắn bó với bà con Hương Trà suốt cuộc mưu sinh qua bao thăng trầm năm tháng.

Vườn Cừa
Vườn cừa. Ảnh: V.C.ĐIỀN

Trận lụt lớn năm Giáp Thìn 1964, cả Tam Kỳ chìm trong biển sóng, nước lũ bứt phá đường cừa cuốn đi bao nhiêu mồ hôi nước mắt cả mấy năm trời dân làng dành dụm. Nước lũ vừa rút, chưa kịp dựng lại mái nhà trôi, chưa lo ăn lo mặc, cả làng chẳng ai bảo ai gồng gánh, cuốc cào… đổ xô đi đắp lại đường cừa. Trong cảnh xác xơ thiếu đói nhưng ai cũng cười mãn nguyện khi nhìn đường cừa được nối lại như xưa. Đường cừa - con đường gắn bó nghĩa tình quyện vào máu thịt người dân Hương Trà một thời như thế! 

Mùa xuân đến, mùa giao hoan của các loài chim muông, bìm bịp, chích chòe, chim sâu, chim sáo… kéo nhau về rừng cừa giao hoan làm tổ, ríu rít những bản tình ca gọi mùa sinh sản. Trưa tỉnh lặng, kỳ đà, tắc ké biến màu xanh đỏ nằm sắp hàng rình mồi bên mép nước, thỉnh thoảng cất tiếng kêu vang tắc ké, tắc ké,… Rễ cừa bám sâu vào đất, vào nước đỡ thân cừa như những nhịp cầu quanh co nhiều tầng trên dưới vươn cành sang tận bên cồn Chùa giữa sông cho trẻ thả trâu chơi trò trốn kiếm, chơi mãi quên dẫn trâu về. Mùa sưa nở hoa vàng trải khắp lối đi cho những bạn trẻ nắm tay nhau nghe hạnh phúc gọi thì thầm. Rừng cừa như vườn cổ tích tuổi thơ đến cả tuổi bạc đầu. Nhớ Tam Kỳ - nhớ dòng sông, nhớ rừng cừa - như được về sống lại tuổi thơ xưa!

Ngày chiến tranh lan rộng, những năm 1961,1962… thuyền hải quân và súng đạn kéo về đậu kín dòng sông, họ khai quang, đốt hết rừng cừa. Cả rừng cây chỉ còn đôi ba cội cừa cháy sém. Điều kỳ diệu là cội cừa vẫn sống vẫn tái sinh thành rừng, chở che cho đường sưa những ngày bão lũ. Thế nhưng, chiến tranh cũng đẩy sưa - cừa vào vòng kẻm gai cọc sắt, dòng sông trong xanh cũng khét mùi thuốc đạn, nhiều nhất là những năm sau Tết Mậu Thân. Hàng chục xe tăng, xe bọc thép đổ về giặt rửa, xả ra lòng sông những đạn mìn còn thừa sau cuộc hành quân càn quét các làng quê chưa kịp bắn.

Vào những năm ấy, Hương Trà như bị cách biệt với bên ngoài từ đoạn đường cừa, an ninh kiểm tra nghiêm ngặt vì ở làng có nhiều người đi kháng chiến và nhiều cơ sở cách mạng. Ban đêm, lệnh giới nghiêm, cổng ấp chiến lược đóng chặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập chỉ còn mỗi lính tuần tra canh gác. Thỉnh thoảng tiếng rắt một loạt tiểu liên nghe đến lạnh người và những ánh hỏa châu chập chờn trong  tiếng đì đùng vọng về từ chiến trường xa. Lan truyền trong dân làng những oan hồn vất vưởng hóa kiếp rắn thần hổ mang, hổ lửa theo sông về ẩn náu nơi mé nước rừng cây, có con to như cột đình, mắt sáng lòe như hai đèn điện. Đêm khuya thanh vắng rắn bay lượn trên cành sưa ngọn cừa lập lòe xanh đỏ… ai vô tình bị rắn chiếu vào là hồn về âm cảnh. Ai cũng kể, cũng nơm nớp lo sợ và chẳng ai dám bước ra đường những lúc đêm hôm! Cảnh bom rơi họa chết và ám ảnh linh thiêng trùm lên cuộc sống bình yên của làng quê suốt những năm dài như thế.

Một điều mà ai cũng thắc mắc, không hiểu tại sao trong cảnh nghiêm mật như thế mà quân Giải phóng Tam Kỳ vẫn đi về giữa chiến khu với Hương Trà và những trận chiến đấu vẫn liên tục nổ ra giữa lòng thị xã. Về sau, khi chuyện trò với các anh tham gia kháng chiến mới rõ thêm về câu chuyện thần rắn đường cừa. Thật ra đó là binh pháp tâm công từ câu chuyện “điềm trời” ứng trên lá cây: “Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần” của nhân dân thời kháng chiến chống giặc Tàu xâm lược. Dân mình thật thông minh, biết sáng tạo ra trăm ngàn kế sách để chiến thắng quân thù, thống nhất quê hương.

Chiến tranh lùi xa, cuộc sống bình yên hồi sinh khắp miền đất nước, Tam Kỳ vươn mình lên phố lớn - đô thị xanh. Người Tam Kỳ, ai cũng mong rừng cừa Hòa Hương - cảnh đẹp quê hương sẽ được hồi sinh, tôn tạo góp thêm nét tươi xanh vững bền cho Tam Kỳ phát triển. Nhưng rồi sự mong chờ cứ mòn dần theo năm tháng trong cái lẽ đời “hoa thì hay héo, cỏ thường tươi”, dòng sông xanh tắm mát những trưa hè đã trôi xa về quá khứ! Rừng cừa cũng lụi dần trong ô nhiễm cùng với lòng tham, sự thờ ơ vô cảm của con người.

Vườn cổ tích tuổi thơ xưa không về nữa! Hàng sưa, cội cừa nghiêng mình soi bóng nước, lặng thầm tiếc nuối khôn nguôi!

TRẦN XUÂN QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rừng cừa - vườn cổ tích tuổi thơ xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO