Người đàn ông ngồi bó gối bên bệ cửa nhìn chúng tôi. Ông bị cụt mất một bàn tay. Thoạt đầu ai cũng tưởng ông là thương binh. Hỏi ra mới biết bàn tay đã lìa bỏ ông trong một lần dùng thuốc nổ đánh cá ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Một người hỏi đùa: “Thế sống ở đây có sợ động đất không?”. “Cứ động đất đi. Chết hết cũng được!”. Giọng người đàn ông mang âm sắc thật dữ dội. Rồi ông bảo, từ ngày người dân Trà Đốc di dời lên đây, làm ăn khó lắm. Không có đất sản xuất. Ủa lạ, đồi núi mênh mông kia mà. Đất của người bản địa hết đấy, ngó vậy chứ đụng vô là có chuyện liền. Ngay như kiếm cây củi nấu ăn, bứt bông đót để bán cũng đã khó. Rồi ông chỉ cho chúng tôi cái giếng nước cạnh nhà. Mùa này thì không sao, chứ mùa nắng là trơ đáy, phải đi bốn năm cây số mới lấy được nước uống. Nước sinh hoạt đã vậy, sản xuất làm sao được. Nhiều ngôi nhà đóng cửa đã lâu, trông rất hoang phế. Chủ của nó đã về lại làng cũ để tìm kế sinh nhai.
Những ngôi nhà bị bỏ hoang tại khu tái định cư (ảnh lớn) vì thiếu đất sản xuất, người dân thiếu việc làm. Ảnh: D.HIỂN |
Rời Trà Đốc, chúng tôi đi Trà Bui. Con đường lên các khu tái định cư của đồng bào Trà Bui sao giống như con đường đi lên Hà Giang - vùng đất miền biên ải phía bắc Tổ quốc. Một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm, nhìn xuống chỉ thấy mặt nước hồ trải một màu bàng bạc. Một vài điểm sạt lở, ai đó chất mấy cục đá ở hai đầu để cảnh báo. Lái xe ép sát vào ta-luy dương, thận trọng bò qua, mọi người nhìn nhau nín thở. Nói dại, sơ sẩy một tí, thôi khỏi tìm luôn.
Để nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2, phần lớn dân Trà Bui phải di dời. Họ lên đây đã được 5 năm. Cây trồng trong vườn đã xanh tốt. Nhưng cuộc sống của dân di cư vẫn còn lắm chông chênh. Trong một quán tạp hóa ở thôn 2, tôi thấy một thanh niên mua 2kg gạo. Anh bảo mua để đi phát rẫy. Mà không biết có làm được không. Anh định phát khu vực suối Vá, nhưng đất rừng giờ lâm trường quản lý hết rồi, kể cả rừng nghèo. Vác rựa vào rừng là bị kiểm lâm tịch thu. Khi cha anh chuyển nhà lên đây, anh chưa lập gia đình. Giờ lấy vợ ra ở riêng, có ai chia đất sản xuất cho anh nữa đâu. Mà nói chi đất rẫy, đất ở cũng phải mua. Đó là tình trạng chung của các hộ mới tách sau khi chuyển lên đây. Anh cán bộ trẻ làm ở ủy ban xã cũng kể với chúng tôi như vậy. Chẳng có đất ở, anh phải mua một cái nền nhà với giá 5 triệu đồng, gần con suối lớn. Trông rất quang tráng, ngày đêm suối rì rào bản nhạc nước du dương. Nhưng nếu xảy ra lũ quét thì không biết sẽ như thế nào. Người Trà Bui di dời lên đây đã là đầu nguồn Nước Nẻ, giáp với xã Phước Thành - Phước Sơn. Từ trung tâm xã về huyện lỵ Bắc Trà My đã hơn 35 cây số với những cung đường núi uốn lượn quanh co, vực sâu thăm thẳm. Cái nguyên tắc mà người ta thường nói khi di dời dân là phải “đảm bảo cho họ có cuộc sống tốt hơn hay chí ít cũng phải bằng nơi ở cũ” có lẽ không áp dụng cho người Trà Bui. Đối với họ, chuyện học hành, chữa bệnh, tiếp cận đời sống văn minh đã trở nên khó khăn hơn.
Chuyến đi khảo sát các khu tái định cư lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 để lại trong tôi nỗi ám ảnh khó tả. Những ngôi làng nằm trên những vạt đồi trơ cằn sỏi đá; hay nằm tít trên những rẻo núi. Những gương mặt buồn như đưa đám; những giọng nói chứa đầy âm sắc tức giận. Những khu rừng tự nhiên đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là bạt ngàn rừng keo; keo đã lan lên những đỉnh núi cao ngất. Các cán bộ trẻ của Phân viện Nghiên cứu văn hóa miền Trung tại Huế đang thực hiện đề tài nghiên cứu do Bộ VH-TT&DL đặt hàng về đời sống văn hóa đồng bào các khu tái định cư lòng hồ thủy điện ở dải đất miền Trung. Họ khẳng định với chúng tôi rằng sinh kế của đồng bào di dời thuộc các dự án thủy điện trong khu vực này đều tương tự nhau. Nghĩa là đều… như cái tiền đồ chị Dậu!
Cái giá của thủy điện thì bây giờ ai cũng thấy. Nhưng nó như cỗ xe khổng lồ vẫn đang chạy theo quán tính mà không phải dễ hãm phanh. Dù đã loại bỏ trên 400 dự án, cả nước hiện vẫn còn 815 dự án thủy điện, riêng Quảng Nam có 47 cái đã và đang được xây dựng. Nghĩa là … “giá sàn” của những hệ lụy vẫn chưa dừng lại. Rừng đang động. Trong tâm thức dân gian, rừng động là điềm dữ, ấy là khi hổ báo, hươu nai, cầy cáo, chim chóc… lũ lượt, hốt hoảng tháo chạy để mong sống sót. Còn rừng động bây giờ là con người đang ăn lạm vào rừng, nghĩa là ăn thịt chính mình. Những người con của rừng đã không thể sống với rừng.
Mấy hôm nay miền Trung đang nóng lên vì chuyện ngập lụt, trong đó có phần “đóng góp đáng kể” của thủy điện. Đã có 34 người chết, đường sá, cầu cống, nhà cửa, hoa màu hư hỏng không kể xiết. Những người có trách nhiệm vẫn trả lời vòng vo. Còn tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu do Liên hiệp quốc tổ chức (COP 19) tổ chức tại Warszwa - Ba Lan, trưởng phái đoàn Philippines, ông Naderev Yeb Sano đã mấy lần bật khóc. Ông khóc vì xót thương hàng nghìn đồng bào ông đã chết vì cơn bão Haiyan; khóc vì bao lâu nay ông đã đấu tranh một cách tuyệt vọng cho mục tiêu cắt giảm khí thải nhưng các nước giàu đâu có muốn nghe. Nếu các quốc gia đều đồng tâm thì rất có thể đã không có Haiyan, mà nếu có cũng ít thảm khốc hơn. Miền Trung thật may mắn khi Haiyan chỉ “diễu binh” ngoài biển rồi đổ bộ vào Quảng Ninh khi đã giảm hẳn sự cuồng nộ.
Chúng ta đã may mắn với Haiyan này nhưng liệu chúng ta còn tiếp tục may mắn với những Haiyan khác nữa hay không, một khi các công trình thủy điện tiếp tục mọc lên và rừng vẫn tiếp tục không yên?
DUY HIỂN