Rừng dừa Bảy Mẫu: Tìm hướng phát triển du lịch bền vững

MINH HẢI - XUÂN THỌ 18/05/2017 15:14

  • Xâm hại rừng dừa nước Bảy Mẫu: Sẽ tháo dỡ công trình không phép
  • Xâm hại rừng dừa nước Bảy Mẫu

(QNO) - Trước thực trạng rừng dừa nước Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) bị xâm hại nghiêm trọng khi làm du lịch, các cơ quan liên quan đã nhiều lần đi kiểm tra thực tế, họp bàn tìm hướng vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn hệ sinh thái ở rừng dừa này.

Du khahs thích thú phong cảnh yên tĩnh của rừng dừa nước Cẩm Thanh..
Du khách thích thú phong cảnh yên tĩnh của rừng dừa nước Cẩm Thanh.

Cần bảo vệ toàn hệ sinh thái

Việc xâm hại rừng dừa nước để xây dựng nhà hàng, resort, các khu vui chơi… chỉ là bề nổi. Bởi trên thực tế, sau nhiều lần đi kiểm tra, các cơ quan liên quan phát hiện rằng, chính cách làm du lịch tự phát ở đây đã làm suy giảm nghiêm trọng toàn hệ sinh thái.

Dừa nước bị triệt phá đồng ngha phá môi trường - cảnh quan thiên nhiên của vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Dừa nước bị triệt phá đồng nghĩa phá môi trường - cảnh quan thiên nhiên của vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cho biết, việc biểu diễn lắc thúng đã gây tác động xấu đến việc sinh sản của cá trong rừng dừa nước. Hiện tại, điểm biểu diễn lắc thúng nằm ở khu vực có nhiều rong - là môi trường rất thuận lợi để cá vào sinh sản .

“Vào khoảng tháng 7, khi cây rong phát triển thì thu hút cá vào đây sinh sản. Nhưng việc lắc thúng đã phá vỡ không gian yên tĩnh, gây tác động xấu đến sự phát triển của cây rong cũng như khiến cá sợ và bỏ đi nơi khác” - ông Thảo lý giải.

Ngoài ra, khi biểu diễn lắc thúng thường đi kèm với việc mở nhạc to cũng như tiếng reo hò quá mức khiến chim cò sợ và bỏ đi. Hiện tại, quanh khu vực này hầu như không thấy bóng dáng chim cò nào - một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với cách đây vài năm.

Ủng hộ việc phát triển các tour du lịch ở đây, song trước thực trạng đó, ông Thảo cho rằng cần phải nghiên cứu lại để di dời điểm lắc thúng biểu diễn đi nơi khác nhằm bảo tồn các bãi rong để thu hút cá về đẻ trứng trở lại; cũng như có những giải pháp khác nhằm hạn chế tiếng ồn để đàn chim cò quay về, nhằm thiết lập lại sự đa dạng về hệ sinh thái như trước đây.

Phương án đưa các điểm lắc thúng thai ra ngoài rừng dừa để giữ lấy không gian tĩnh lặng..
Các bên đang tìm phương án đưa các điểm lắc thúng chai ra ngoài rừng dừa để giữ lấy không gian tĩnh lặng.

Ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, đến ngày 20.6 sẽ triển khai các loại bi để hạn chế tối đa về mặt tiếng ồn khi biểu diễn lắc thúng chai, cũng như tiếng ồn phát ra từ khác khu du lịch. Để kiểm soát việc này, xã Cẩm Thanh sẽ cho gắn biển số vào các thuyền thúng để dễ quản lý hơn, bao gồm cả việc hạn chế du khách ngắt là dừa.

Ông Linh cho rằng, quy hoạch lại các điểm lắc thuyền thúng cũng sẽ góp phần làm giảm thiểu rất nhiều tình trạng mâu thuẫn, xô xát. “Bởi hiện nay việc biểu diễn lắc thúng chai còn rất lộn xộn, có khi diễn ra giữa các mương nước, khiến cho thuyền thúng của tour khác đi không được rồi dẫn đến đánh lộn, đốt thuyền thúng...” - ông Linh cho biết thêm. Ông Linh cũng lưu ý rằng chỉ nên cho thúng chai và các loại tàu dưới 12 chỗ ngồi vào tour tham quan rừng dừa nước, bởi các loại tàu to hơn, hay ca nô sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây sạt lở do các phương tiện này có tốc độ cao.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn rừng dừa

Các chuyên gia và chính quyền địa phương cho rằng, mặc dù rừng dừa nước đang đứng trước những thách thức trên, nhưng không nên cấm làm du lịch mà ngược lại, cần phải làm du lịch đi đôi với bảo tồn rừng dừa nước.

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng cần phải xây dựng những quy tắc ứng xử cho phù hợp. Trước hết, phải có khung để quản lý hoạt động du lịch ở đây, và khung quản lý này dựa trên kết nối các điểm du lịch đang tổ chức ở rừng dừa nước chứ không thể chia sẻ nhỏ ra. Đồng thời, không nên tập trung quá nhiều vào vùng nước như hiện tại mà gây lãng phí ở những không gian khác.

Các hoạt động như vãi chài, lắc thúng, mở nhạc sẽ được đưa ra khỏi phạm vi rừng dừa.
Các hoạt động như vãi chài, lắc thúng, mở nhạc sẽ được đưa ra khỏi phạm vi rừng dừa.

“Chúng ta cần nhìn lại cả vùng để có những quy định về chỗ cập, chỗ đi, chỗ chơi, chỗ lắc thúng chứ nếu không thì rất khó quản lý. Phải liên kết với dân để cùng phát triển, chứ như hiện tại thì dân không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp. Họ đang làm tổn hại đến sức khỏe của cây dừa nước, khiến chúng kém phát triển và lâu dài sẽ làm suy giảm rừng dừa” - tiến sĩ Trinh nhấn mạnh.

Nhắc lại 2 nội dung cần thực hiện đối với rừng dừa nước là khoanh vùng bảo tồn và phát triển du lịch, ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho rằng phải khoanh vùng bảo tồn rừng dừa nước ở cửa sông, ven biển đến khu rừng dừa Bảy Mẫu, trung tâm du lịch làng quê Cẩm Thanh. Trên cơ sở đó, sẽ hình thành các tuyến tour và các tour chỉ được hoạt động trong các phạm vi khoanh vùng này.

“Đồng thời, cũng nên mở tuyến mới tiếp cận khách ngay từ sông Đình và kết thúc ở trung tâm rừng dừa Bảy Mẫu nhằm giảm tải cho khu trung tâm Vạn Lăng vốn đang thu hút rất nhiều khách; đưa khách sang tham quan ở các khu khác…” - ông Thanh nói.

Những hồ nuôi tôm chuyển làm du lịch đang ngấm ngầm kè kiên cố..
Những hồ nuôi tôm chuyển làm du lịch đang ngấm ngầm kè kiên cố.

Một số ý kiến khác cho rằng nên đưa vị trí lắc thuyền thúng đến khu Vạn Lăng vì ở đây có vũng nước sâu và còn trống. Ngoài ra, trước mắt cần phải trồng dừa dọc các cửa sông, dọc các khu dân cư. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử bằng hình ảnh đối với du khách như cấm việc ngắt lá dừa, vứt tàn thuốc xuống sông…

Trước các ý kiến có nên đưa vùng dừa nước này thành vùng lõi hay không rồi mới áp cơ chế quản lý, bà Trần Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho rằng Cù Lao Chàm là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới nhưng vẫn phát triển du lịch được, tức là bảo tồn được thì sẽ phát triển được.

Và để bảo tồn được, cần phải có những quy định nghiêm ngặt về khai thác như mùa gì thì khai thác con gì, và khai thác như thế nào là hợp lý, như bài học khai thác cua đá ở Cù Lao Chàm. “Và để làm tốt điều này, sắp tới chúng tôi sẽ có các buổi tập huấn cho doanh nghiệp và người dân” - bà Thúy cho hay.

UBND TP. Hội An trước mắt cho phép các hồ đã được cấp phép làm du lịch không xử dụng nhà chào quá 6% trên diện tích mặt nước, và cấm xây dựng kiên cố hay liên qua đến bê tông cót thếp..
UBND TP.Hội An trước mắt cho phép các hồ đã được cấp phép làm du lịch không sử dụng nhà chào quá 6% diện tích mặt nước, và cấm xây dựng kiên cố hay liên quan đến bê tông cốt thép.

Được biết, các cơ quan liên quan chuẩn bị tiến hành đi thực tế, khảo sát việc mở các tuyến du lịch ở rừng dừa nước theo hướng vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn. 

MINH HẢI - XUÂN THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rừng dừa Bảy Mẫu: Tìm hướng phát triển du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO