Lấy lý do rừng keo của ông Lương Hiền trú tại thôn Đông Tây, xã Tam Đại (Phú Ninh) đang có tranh chấp nên Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh (gọi tắt là BQL rừng Phú Ninh) không cho khai thác. Ông Lương Hiền bức xúc làm đơn khiếu nại.
Ông Lương Hiền có đơn thư phản ánh với nội dung: Năm 1978, khi xây dựng hồ Phú Ninh, gia đình ông phải di dời ra khỏi vùng ngập nước. Ông Lương Nhàn - cha ông Hiền, được chính quyền địa phương cấp đất ở hố Chuối, hố Ruộng để canh tác hoa màu. Sau khi ông Nhàn qua đời, gia đình giao cho ông Hiền tiếp tục quản lý, canh tác tại khu vực nêu trên. Năm 2005, ông Hiền vay vốn Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Phú Ninh để chăn nuôi bò và trồng keo tại hố Chuối, hố Ruộng thuộc thôn Đại Hanh. Năm 2009, Ban Quản lý (BQL) rừng Phú Ninh quy hoạch lại diện tích đất rừng. Khi kiểm tra thực tế tại hố Chuối thuộc tiểu khu 583 (xã Tam Đại), cơ quan chức năng xác định rừng keo do ông Hiền trồng khoảng 3 năm tuổi, diện tích 1,4ha. Tổ công tác gồm đại diện Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam và BQL rừng Phú Ninh kiến nghị giữ nguyên hiện trạng và đề nghị BQL rừng Phú Ninh sớm giải quyết để đưa diện tích này vào quy hoạch trồng rừng.
Ông Lương Hiền cho rằng rừng keo ông trồng 8 năm tuổi nhưng ông không được quyền khai thác. Ảnh: T.T |
Cuối năm 2013, các đơn vị đến hiện trường kiểm tra thiệt hại do bị ảnh hưởng cơn bão số 11, xác định 1,3ha cây keo do ông Lương Hiền trồng tại tiểu khu 583 bị thiệt hại 30%, quy ra gỗ khoảng 23.882m3. Khi gia đình làm đơn xin khai thác toàn bộ rừng keo, BQL rừng Phú Ninh buộc ông viết cam kết trả lại 1,3ha tại khu vực hố Chuối và chỉ cho khai thác 0,6ha. Diện tích còn lại 0,7ha, ông Cao Văn Thọ - kiểm lâm viên BQL rừng Phú Ninh cho rằng, trùng với diện tích rừng BQL rừng Phú Ninh quản lý nên không được khai thác.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Lê ở thôn Đại Hanh, xã Tam Đại cho hay, năm 2009 nhiều hộ dân thôn Đại Hanh lấn chiếm đất trồng rừng trái phép ở tiểu khu 583. BQL rừng Phú Ninh phối hợp với Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam kiểm tra, sau đó hỗ trợ cho người dân từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng tiền công phát hoang và buộc trả lại đất. Thời điểm đó, tại hố Chuối ông Hiền đã trồng cây keo khoảng 3 năm tuổi. Cũng theo ông Lê, năm 2008, ông hợp đồng trồng cây sao đen, keo cho Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam tại tiểu khu 583, khu vực ông Hiền đã trồng cây keo cao gần 3m. Chỉ nhiều cây keo khoảng 8 năm tuổi được trồng chạy dọc bờ ruộng lên sườn đồi có đường kính khoảng từ 20 - 40cm, ông Lê khẳng định toàn bộ rừng keo do ông Hiền trồng chứ không phải của BQL rừng Phú Ninh.
Hồ sơ thiết kế được lưu giữ tại BQL rừng Phú Ninh thể hiện rừng đã trồng năm 2008 tại xã Tam Đại là 125ha; bản đồ thiết kế chăm sóc rừng năm 2009 trồng tại tiểu khu 583 và 584 diện tích sao đen là 86,5ha, keo tai tượng là 38.5ha. Quan sát tại thực địa, chúng tôi thấy khu vực hố Chuối thuộc tiểu khu 583, nơi ông Hiền cho rằng BQL rừng Phú Ninh không cho khai thác 0,7ha keo có rất nhiều cây keo lá tràm có đường kính từ 20 - 30cm chứ không phải là keo tai tượng được Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam trồng theo thiết kế năm 2009. Ông Lương Hiền cho hay, khi làm việc với BQL rừng Phú Ninh và UBND xã Tam Đại, ông có nguyện vọng được khai thác hết số keo ở 0,7ha còn lại, bởi đây là công sức của gia đình, nhưng đến nay vẫn chưa được BQL rừng Phú Ninh giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc BQL rừng Phú Ninh Nguyễn Xuân Phước cho biết, trong khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh hiện nay tồn tại cả hai loại rừng do Nhà nước và nhân dân trồng. Ranh giới rừng các khu vực rừng cũng xác định rất mơ hồ khiến người dân mạnh ai nấy lấn chiếm. Hiện nay, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương mời các hộ lấn chiếm rừng phòng hộ cam kết trả đất cho BQL rừng Phú Ninh sau khi khai thác keo. Đối với khiếu nại của ông Hiền, đơn vị chỉ đạo cán bộ kiểm lâm mời ông Hiền đến hiện trường xác định 0,7ha keo chưa được khai thác để xác định độ tuổi. Nếu rừng keo ông Hiền trồng tại tiểu khu 583 có độ tuổi từ 5 - 8 năm, đơn vị sẽ cho phép khai thác nhằm đảm bảo quyền lợi cho gia đình ông. Còn rừng keo dưới 4 tuổi thì đó là cây keo tái sinh và cây keo ông Hiền mới trồng do lấn chiếm đất rừng phòng hộ. “Giải quyết không đúng cơ sở pháp luật dễ phát sinh khiếu nại, bởi theo thống kê tổng diện tích rừng phòng hộ Phú Ninh hơn 11 nghìn héc ta, riêng ở xã Tam Đại có hơn 20ha rừng người dân đang lấn chiếm” - ông Phước nói.
Hướng giải quyết đã có, vì vậy BQL rừng Phú Ninh cần nhanh chóng thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân để tránh khiếu nại dai dẳng.
TAM THĂNG